Số trẻ em mất tích mỗi năm ở Trung Quốc, theo thống kê trên trang Về nhà đi con. Ảnh: CGTN

Mấy chục năm tìm con dài đằng đẵng

Tháng 5/2020, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát sóng trực tiếp cảnh hai mẹ con bà Lý Tịnh Chi gặp lại nhau. Những hình ảnh đẫm nước mắt trong ngày mẹ con đoàn tụ và câu chuyện về hành trình tìm kiếm người con trai Mao Dần của bà Lý Tịnh Chi đã khiến nhiều người xúc động, bật khóc.

Theo lời kể của bà Chi, do chính sách một con của Trung Quốc nên vợ chồng bà chỉ sinh được một mụn con trai. Cậu bé tên Mao Dần rất ngoan ngoãn, thông minh và đáng yêu. Với kỳ vọng con trai sẽ học hành chăm chỉ và thành tài, vợ chồng bà đã đặt tên ở nhà cho con trai là Gia Gia, nghĩa là “tuyệt vời”.

Ai nhìn thấy thằng bé cũng yêu quý ngay lập tức”, bà Chi nhớ lại.

Ngày đó, bà Chi làm việc cho một công ty xuất khẩu ngũ cốc. Vào mùa thu hoạch, bà thường phải rời thị trấn vài ngày để đến thăm các nhà cung cấp ở nông thôn. Những lần ấy, Gia Gia ở nhà với bố. Một lần, khi bà đang đi công tác thì nhận được tin nhắn từ đồng nghiệp báo phải về nhà ngay, vì có việc gấp.

Bà vội vã về Tây An và rụng rời hay tin con trai mất tích. Đó là ngày 17 tháng 10 năm 1988. Năm ấy, Gia Gia mới 2 tuổi 8 tháng.

Chồng bà giải thích, trên đường ông đưa con từ trường mầm non về nhà, ông đã dừng lại lấy nước cho con uống từ một khách sạn nhỏ do gia đình làm chủ. Ông chỉ lơ đễnh trong khoảng vài phút, nhưng khi quay ra thì Gia Gia đã biến mất. Bà Chi nghĩ rằng, con mình đi lạc và ai đó tốt bụng sẽ đưa nó về nhà.

Nhưng thời gian cứ trôi qua mà Gia Gia vẫn không về nhà. Bà Chi chạy đi khắp nơi tìm kiếm, phát tờ rơi khắp các khu bến tàu, trạm xe buýt, rồi đăng tin tìm kiếm trẻ lạc trên các báo địa phương, nhưng tất cả đều vô vọng.

Trái tim tôi tan vỡ… Tôi muốn khóc. Tôi muốn hét lên”, bà Chi nhớ lại. Bà bật khóc mỗi khi nhìn lại những bộ quần áo, đôi giày hay những món đồ chơi của con. Nỗi ám ảnh về việc đánh mất đứa con đã khiến cuộc hôn nhân của vợ chồng bà rơi vào khủng hoảng và họ đã chia tay nhau sau đó bốn năm.

Sau ly hôn, bà Chi vẫn không ngừng tìm kiếm con. Bà đi khắp nơi tìm con. Bất cứ khi nào có chút manh mối về một bé trai nào đó trông giống Gia Gia, bà đều lên đường. Không ít lần, bà đã mừng hụt khi nghe tin về một cậu bé nào đó có đặc điểm giống con mình, nhưng tới nơi mới phát hiện là không phải.

Tháng 4/2020, có người báo tin cho bà biết về một đứa bé tới từ Tây An cách đây nhiều năm. Người này cung cấp một bức ảnh của cậu bé khi đã trưởng thành. Bà Chi đưa bức ảnh cho cảnh sát, và họ đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định người đàn ông đang sinh sống ở Thành Đô, Tứ Xuyên.

So sánh tuổi và giới tính của những đứa trẻ bị bắt cóc ở Trung Quốc, số liệu do trang Về nhà đi con cung cấp. Ảnh: CGTN

Cảnh sát đã thuyết phục người đàn ông đi xét nghiệm ADN. Ngày 10/5/2020, kết quả xét nghiệm cho thấy trùng khớp. Tuần sau đó, cảnh sát lại lấy mẫu máu để làm xét nghiệm lại và kết quả chứng minh họ là mẹ con. Sau 32 năm với hơn 300 manh mối giả, cuộc tìm kiếm của bà Chi cuối cùng cũng đến đích.

Ngày 18/5/2020, hai mẹ con bà Chi đã đoàn tụ. Gia Gia giờ đã là một người đàn ông trưởng thành, có gia đình riêng và đang điều hành một công ty trang trí nội thất.

Nỗi đau nhức nhối của cả xã hội

Các cuộc đoàn tụ như trường hợp mẹ con bà Lý Tịnh Chi không phải là hiếm, nhưng cũng không thể coi là nhiều nếu so với vô vàn vụ mất tích do nạn bắt cóc trẻ em xảy ra suốt nhiều năm ở Trung Quốc. Theo Sina Finance, giai đoạn thập niên 1980-1990 là thời điểm cao trào các vụ trẻ em mất tích ở nước này.

Trong bản tin ngày 26/7/2013, tờ Atlantic cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính mỗi năm có khoảng 20.000 trẻ em bị bắt cóc ở Trung Quốc, trong khi đó tờ Washington Post ngày 16/8/2017 dẫn ước tính của các học giả cho biết, con số này có thể dao động từ 20.000 cho đến khoảng 200.000 trẻ em mỗi năm.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an Trung Quốc, các học giả đã thổi phồng mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Năm 2014, công an nước này đã giải cứu thành công được 4.000 trẻ em và trong một chiến dịch kéo dài từ năm 2009 đến 2012, 35.000 trẻ em đã được giải thoát và 9.000 băng đảng sa lưới pháp luật.

La liệt những dòng tin tìm kiếm con cái mất tích được đăng trên trang Về nhà đi con. Phần lớn nạn nhân mất tích trong thập niên 1980-1990. Ảnh chụp màn hình ngày 19/4/2021.

Bất kể con số thực tế ra sao, nhưng nỗi đau mà những kẻ buôn người để lại cho các gia đình và cả xã hội là sự thực, không thể nào khỏa lấp. Vì tham lam tiền bạc, những kẻ buôn người đã bất chấp lương tri, phá tan hạnh phúc của nhiều gia đình, khiến biết bao nhiêu cặp cha mẹ cùng con cái đau đớn vì phải chia lìa.

Theo Washington Post, gốc rễ của thực trạng trẻ em mất tích ở Trung Quốc là vì các gia đình, đặc biệt ở nông thôn, thích đông con, nhất là con trai. Chưa kể theo phong tục, một gia đình có thể tặng con cái cho những người họ hàng hiếm muộn. Điều này tạo nên lớp vỏ bọc hoàn hảo cho hoạt động buôn bán trẻ em.

Hầu hết những đứa trẻ mất tích mà bà Chi biết đều là bé trai. Những cặp vợ chồng mua đứa trẻ thường không có con hoặc chỉ có con gái. Hầu hết họ sống ở nông thôn.

Anqi Shen, một chuyên gia tại trường Đại học Teesside của Anh, cho biết trên báo Washington Post rằng, các bé trai sơ sinh được coi là “món hời” đối với những kẻ buôn người. Bởi lẽ chúng có thể kiếm được số tiền lên tới hơn 120.000NDT (khoảng 18.000USD) ở những tỉnh miền đông giàu có của Trung Quốc.

Nội dung một tin nhắn tìm kiếm con mất tích trên trang Về nhà đi con. Người bị bắt cóc tên là Lý Hải Khoan, giới tính nam, sinh năm 1996, mất tích năm 1997. Ảnh chụp màn hình ngày 19/4/2021.

Năm 2007, trang Baobeihuijia (Về nhà đi con) ra đời, trở thành cầu nối giữa hàng chục nghìn cặp cha mẹ tìm kiếm con cái mất tích và cũng ngần ấy đứa trẻ tìm kiếm cha mẹ ruột. Tới nay, trang web đã giúp cho nhiều gia đình đoàn tụ. Bà Chi cũng hợp tác với trang này và đã giúp kết nối được 29 đứa trẻ với bố mẹ đẻ.

Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống dữ liệu ADN, nơi các cặp vợ chồng có con mất tích và những đứa trẻ nghi ngờ bản thân là con nuôi có thể đăng ký ADN. Đây là một bước tiến lớn giúp giải quyết hàng ngàn trường hợp mất tích, giúp nỗ lực đoàn tụ của các gia đình diễn ra nhanh hơn.

Sau ngày gặp lại Gia Gia, bà Chi được biết, một năm sau ngày bị bắt cóc, con trai bà đã bị bán cho một cặp vợ chồng ở Tứ Xuyên với giá 6.000NDT. Bà hy vọng cảnh sát tìm ra kẻ bắt cóc. Bà muốn thủ phạm phải bị trả giá vì đã khiến bà đau khổ suốt 32 năm. Điều đó đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà và cuộc đời Gia Gia.

Phút giây đoàn tụ của mẹ con bà Lý Tịnh Chi. Ảnh: CCTV

Theo premium.vietnamnet