leftcenterrightdel
 Sinh viên và người nước ngoài phản đối chính sách đóng cửa biên giới của Nhật Bản
Cuối năm ngoái, Pablo Ortez, 33 tuổi, đã bỏ việc, bán đồ đạc và chuẩn bị tới Nhật Bản để sống cùng vợ, người đang học tiến sĩ tại đây.

Nhưng 72 giờ trước khi rời Argentina, anh đã kiểm tra trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản và phát hiện ra rằng chính phủ nước này đã áp dụng lệnh cấm đi lại gần như toàn diện để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

“Tôi đã gọi cho đại sứ quán Nhật và họ nói rằng tôi không thể bay”, Ortez cho biết. Sau đó, Ortez đã chuyển đến sống với mẹ và không biết khi nào anh mới có thể gặp lại vợ, kể từ khi vợ anh về thăm nhà vào tháng 4/2021.

Lewis Hussey, một sinh viên sống tại bang Missouri (Mỹ), đã đặt tâm huyết vào việc du học ở Nhật Bản trước khi tốt nghiệp đại học vào mùa hè này. Nhưng với việc Nhật Bản vẫn đang đóng cửa biên giới, Hussey đã phải suy nghĩ kỹ về kế hoạch này của mình.

“Đã có những thời điểm mà Nhật có vẻ như sắp mở cửa, nhưng rồi lại không. Lẽ ra tôi đã cân nhắc đến những nơi khác. Tôi cảm thấy như mình đã bị mất cơ hội đi du học vì phải chờ đợi và phụ thuộc vào chính sách của nước này”, Hussey chia sẻ.

Imane, một sinh viên 20 tuổi người Canada, cũng đã phải chờ 2 năm cho kế hoạch học tiếng Nhật ở Tokyo. “Thật lãng phí thời gian để chờ đợi Nhật mở cửa biên giới. Tôi yêu nước Nhật nên cảm thấy rất đau lòng. Nếu Nhật không mở cửa biên giới trong năm nay, tôi sẽ phải tìm kiếm nơi khác”, Imane cho biết.

Cách đây hơn một năm, khi Jade Barry, một phụ nữ 29 tuổi ở Chicago (Mỹ), vừa lên xong kế hoạch mở rộng kinh doanh sản phẩm tóc của mình tại Nhật Bản thì nước này ban hành lệnh cấm đi lại đầu tiên.

“Tôi đã khóc cả ngày và các con tôi thắc mắc không biết mẹ bị làm sao. Tôi yêu nước Nhật từ khi còn nhỏ. Tôi muốn mở rộng công việc kinh doanh tại Nhật và bắt đầu một cuộc sống mới ở đó. Tôi vẫn tin rằng đó là một đất nước xinh đẹp”, Barry tâm sự.

Theo The Guardian, những trường hợp trên chỉ là đại diện cho hàng chục ngàn người có ý định đến Nhật Bản để học tập, làm việc hoặc thăm người thân, nhưng không thể thực hiện những kế hoạch này trong một thời gian dài, do chính sách hạn chế đi lại nghiêm ngặt mà chính phủ nước này đã thực thi trong suốt đại dịch.

leftcenterrightdel
Một phụ nữ Ấn Độ đã bị chia cách với người chồng Nhật trong thời gian dài 

Các quy định mới nhất, có hiệu lực từ cuối tháng 11/2021, đang được áp dụng cho tất cả những người đến Nhật từ nước ngoài, ngoại trừ công dân Nhật và người nước ngoài đang thường trú tại nước này trở về.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia không áp đặt lệnh cấm đi lại, vì cho rằng cách làm này sẽ không có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, và tạo thêm khó khăn cho nền kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, theo nhận định của The Guardian, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể sẽ không thay đổi đáng kể chính sách đóng cửa biên giới, nhất là sau một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 88% công chúng ở Nhật tin rằng biện pháp này là “phù hợp”.

Trên thực tế, chính sách này đã không giúp ngăn cản sự lây lan của biến thể Omicron tại Nhật, nơi đã ghi nhận con số kỷ lục 46.000 ca nhiễm COVID-19 mới hôm 20/1. Cuối tuần này, nhiều nơi trên cả nước, bao gồm cả Tokyo, sẽ được đặt trong tình trạng “gần như khẩn cấp”, nhằm hạn chế sự lây nhiễm và giảm bớt áp lực lên các dịch vụ y tế.

Nhật Bản đã áp dụng các hạn chế đi lại nghiêm ngặt trong suốt thời gian xảy ra đại dịch. Ngoại lệ duy nhất là vào mùa hè năm ngoái, khi hàng chục ngàn vận động viên, quan chức và phóng viên đến nước này để tham dự Thế vận hội Tokyo.

Gần đây, Thủ tướng Kishida cho biết lệnh cấm sẽ được gia hạn cho đến cuối tháng 2/2022.

Tuần trước, ông Hirokazu Matsuno - Chánh văn phòng Nội các Nhật - thông tin nước này sẽ cho phép 87 sinh viên nhận học bổng chính phủ nhập học vào tháng 2. Nhưng vẫn còn gần 150.000 sinh viên khác, với đa số được các công ty Nhật tài trợ, đã phải đợi đến 2 năm nhưng vẫn chưa thể bắt đầu việc học tập, nghiên cứu ở nước này.

Theo phunuonline