Nơi nhiều người Việt sinh sống ở Bờ Tây nước Mỹ trải qua đợt nắng nóng kỷ lục
Cập nhật lúc 22:26, Thứ hai, 28/06/2021 (GMT+7)
Khu vực bờ Tây nước Mỹ, nơi có hơn 30.000 người Việt sinh sống, đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong một thiên niên kỷ.
Nhiệt độ nguy hiểm bao phủ vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ
Theo Cơ quan Dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ, đợt nắng nóng gay gắt mà khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đang trải qua được đánh giá là "phá kỷ lục, nguy hiểm, kéo dài và chưa từng có".
Đợt nắng nóng thiêu đốt vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ và British Columbia của Canada có cường độ chưa từng được ghi nhận bởi con người hiện đại. Theo tính toán, nó là sự kiện ngàn năm có một.
Vào Chủ nhật 27/6, Portland - nơi có 14.116 người Việt sinh sống (theo số liệu vào năm 2016) - đạt mức nhiệt độ cao nhất trong hơn 80 năm: 44 độ C. Con số này xuất hiện chỉ một ngày sau khi khu vực chạm mốc 42 độ C, phá vỡ kỷ lục 41 độ trong nhiều năm trước đó.
Ở thành phố Seattle - nơi có 11.974 người Việt sinh sống (số liệu năm 2016) - nhiệt độ chạm mốc 37 độ C hôm 26/6 và dự kiến đạt kỷ lục 41 độ C vào ngày 28/6. Các quan chức thành phố yêu cầu 725.000 cư dân giữ ẩm cơ thể, uống nhiều nước, đóng rèm, sử dụng quạt và đến các trung tâm làm mát công cộng nếu cần.
"Ở ngoài trời thật đáng sợ. Ngay cả với kem chống nắng, bóng râm và dưỡng ẩm, tôi gần như ngất đi", một người dùng Twitter tên Anne Noble Land Waffle cho biết. Vùng nhiệt cũng ảnh hưởng phía Bắc biên giới khi Canada chứng kiến nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận vào chiều 27/6, khi thị trấn Lytton ở British Columbia đạt 46 độ C.
Nhiệt độ dự kiến sẽ đạt đỉnh ở Tây Bắc Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ chiều 27/6 đến 29/6, tùy thuộc vào vị trí.
Các gia đình tụ tập tại công viên trong một đợt nắng nóng ở Portland, Oregon, vào ngày 26/6
Sức mạnh của vòm nhiệt hoặc vùng trải rộng của áp suất cao tập trung gần biên giới Mỹ-Canada, khiến các nhà khoa học bối rối. Cường độ của nó rất hiếm về mặt thống kê đến mức nó có thể xuất hiện trung bình vài ngàn năm một lần. Nhưng biến đổi khí hậu do con người tạo ra đã khiến những sự kiện đặc biệt như thế này có thể xảy ra nhiều hơn.
Các nhà khí tượng học mô tả tình huống này là “điên rồ”, “khó tin” và “không thể tin được”.
Trong những ngày tới, nhiệt độ cao dự kiến sẽ giảm xuống. Do đợt nắng nóng kéo dài, các kỷ lục mới về ngày nắng nóng liên tiếp cũng được xác lập. Ví dụ, Seattle được dự báo là lần đầu tiên có nhiệt độ ở mức trên 37 độ C vào ba ngày liên tiếp.
Pacific Power, công ty điện lực phục vụ 10 tiểu bang Bờ Tây, thông báo rằng họ không lường trước được việc gián đoạn dịch vụ liên quan đến nắng nóng, nhưng yêu cầu khách hàng sử dụng ít năng lượng hơn trong đợt cao điểm.
Cơ quan thời tiết cũng đưa ra các cảnh báo mới cho California và các nơi khác ven Bờ Tây, khuyến cáo các điều kiện khắc nghiệt có thể làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Cháy rừng đã thiêu rụi diện tích hơn 17.000 km2, phá hủy hàng trăm ngôi nhà của người dân California trong mùa hỏa hoạn đặc biệt khốc liệt năm 2020.
Theo phunuonline