leftcenterrightdel
 Người da màu gặp nhiều khó khăn với cuộc sống ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Arielle William.

Với hơn 151.000 sinh viên quốc tế ngay cả khi ở thời điểm Covid-19 đạt đỉnh vào năm 2021, Hàn Quốc vẫn là một trong những điểm đến học tập hấp dẫn nhất đối với nhiều sinh viên trên khắp thế giới. Trong khi nhiều người đến từ châu Á hay châu Âu, có một lượng nhỏ đến từ châu Phi.

Tuy nhiên, phần lớn hình ảnh về châu lục này trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đều là về nghèo đói. Ví dụ, một quảng cáo cho tổ chức nhân đạo Médecins Sans Frontières Korea sử dụng hình ảnh một đứa trẻ mặc quần áo rách rưới sống ở nơi tồi tàn, theo Korea JoongAng Daily.

Những mô tả về châu Phi như một nơi kém phát triển, nghèo đói như vậy có thể làm tăng thêm sự kỳ thị và thậm chí là phân biệt chủng tộc mà một số sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc có thể phải đối mặt.

Karen, Lanre và Fatima (không phải tên thật) đều là những sinh viên da màu đến từ châu Phi, hiện học tại các trường đại học ở Hàn Quốc. Họ chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sinh sống tại quốc gia này.

Phân biệt đối xử

Karen, Lanre và Fatima đều đồng ý rằng chỉ cần là người da màu ở Hàn Quốc đã đủ thu hút nhiều sự chú ý và cả sự khó chịu.
"Khi tôi đi tàu điện ngầm, mọi người nhìn tôi và không bao giờ muốn ngồi cạnh tôi trừ khi đó là ghế cuối cùng còn trống", Karen nói.

Một lần khi Lanre đi dạo, một bé gái sau khi nhìn thấy anh đã trốn sau lưng cha mẹ, nhìn anh như thể anh muốn làm hại cô bé.

Những phản ứng như vậy dường như khá phổ biến và có thể xuất phát từ việc thiếu sự giáo dục về các vấn đề chủng tộc. Fatima cũng lưu ý rằng một số đặc điểm văn hóa như kiểu tóc bện, được một số rapper Hàn Quốc dùng để tạo vẻ ngoài hip hop, cũng được sử dụng theo cách khác so với ý nghĩa ban đầu của chúng.
leftcenterrightdel
Nhiều người Hàn Quốc có cái nhìn định kiến về người da màu. Ảnh minh họa: Bloomberg. 
Lanre cũng cho biết một số bạn học của anh ở Suwon liên tục nhắc lại rằng châu Phi rất nghèo và thậm chí hỏi anh có ôtô không. Kiểu hành vi này có thể tiếp tục củng cố nhiều định kiến, thiên kiến về người châu Phi.

Bên cạnh đó, không chỉ là thiếu sự giáo dục về các vấn đề chủng tộc mà dường như còn lan rộng đến văn hóa ở một số trường trung học, đại học.

Karen đến Hàn Quốc năm 2014 và học tại một trường cấp 3 sau khi học xong tiếng Hàn.

"Ngày đầu tiên đến trường, tôi ngồi ở hàng ghế đầu. Cô giáo tiến đến, cầm tay tôi lên, hỏi tôi có phải bị bẩn không hay chỉ là do tôi đen".

May mắn là kể từ khi nhập học Đại học Ngoại ngữ Hankuk, cô không gặp thêm tình huống nào tương tự từ ban giám hiệu hay giảng viên.

Fatima cũng có trải nghiệm tương tự khi một trong những giáo sư ở trường đại học của cô dùng "N-word" (từ thông tục dùng để chỉ cộng đồng người da đen, mang tính đả kích rất nặng nề) trong giờ học. Fatima kể cô bị sốc, nhất là khi giáo sư có thể đề cập đến từ đó một cách gián tiếp nhưng lại không làm vậy.

Thiếu sự hỗ trợ
Không giống hầu hết quốc gia được coi là phát triển, Hàn Quốc thiếu luật chống phân biệt đối xử dù từng có nhiều người nỗ lực đề xuất ban hành.

Không có sự bảo vệ, bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào cũng có thể xảy ra.

"Một số người nói rằng không thuê tôi vì tôi là người da đen và một số khách hàng sẽ không đến nơi này nữa", Lanre nói.

Mức độ đối xử phân biệt với người da màu ở Hàn Quốc cũng có thể tùy theo khu vực. Cả Karen, Lanre và Fatima đều cho rằng cuộc sống ở Seoul, nơi có cộng đồng người quốc tế rộng lớn và những khu phố sôi động như Itaewon, có thể dễ dàng hơn một chút và mọi người có thể cởi mở hơn.
leftcenterrightdel
Hàn Quốc chưa có nhiều chính sách bảo vệ người da màu khỏi nạn phân biệt đối xử. Ảnh minh họa: Ahn Young-joon/AP. 
"Ở Seoul, ngay cả khi bạn là người Hàn Quốc không thích người nước ngoài, bạn có thể chấp nhận điều đó và không thể hiện ra. Ở Itaewon, bạn có thể dễ thấy người da màu nhưng ở Suwon, tôi từng trải qua 1 tuần mà không gặp ai có cùng màu da. Đó là vấn đề xã hội và khu vực, còn phụ thuộc vào dân số và bao nhiêu người nước ngoài sống ở đó. Đừng mong đợi sự cởi mở nếu bạn sống ở nơi chẳng có người nước ngoài nào sinh sống", Lanre nhận xét.

"Tốt hơn hết là nên tìm hiểu kỹ trước khi đi học ở một quốc gia nào đó, nhất là đối với người châu Phi khi đến Hàn Quốc".

Fatima khuyên các sinh viên châu Phi "nên kiểm tra xem trường đại học định tới có nhiều sinh viên da màu không" và xem các video chia sẻ về cuộc sống ở các trường đại học Hàn Quốc.

Karen nói thêm các bạn trẻ da màu cần "chuẩn bị tinh thần và mạnh mẽ".

“Là một người nước ngoài ở Hàn Quốc đã khó khăn, là người da đen còn tệ hơn nữa", cô nói.

Theo zingnews