Theo CNN, những tuyên bố sai lệch này đang lan truyền trên YouTube hàng ngày, trong đó có cả các kênh truyền thông Trung Quốc, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Mặc dù không hề dương tính với nCoV hay có các triệu chứng virus, Benassi và chồng trở thành đề tài bàn tán trên mạng ở Trung Quốc.

Cuộc sống của họ bị đảo lộn. Cặp vợ chồng cho biết địa chỉ nhà họ bị đăng lên mạng, và trước khi xóa tài khoản, hộp thư các mạng xã hội của họ ngập tràn tin nhắn từ những người tin vào thuyết âm mưu. Maatje Benasso lần đầu chia sẻ công khai kể từ sau khi bị bôi nhọ: "Giống như tỉnh dậy từ một giấc mơ tồi tệ rồi bước vào cơn ác mộng hàng ngày vậy".

Bà Maatje Benassi tại nhà riêng vào ngày 22/4.

 

Covid-19 lây lan khắp toàn cầu và thông tin sai lệch về dịch bệnh cũng vậy. Các công ty công nghệ khổng lồ đang xem xét các bước để chống lại tin fake về nCoV, nhưng những nỗ lực này không giúp ích được cho gia đình Benassi.

Maatje và chồng, Matt, vẫn công tác trong chính phủ. Dù làm việc cho chính phủ Mỹ, họ vẫn cảm thấy tuyệt vọng, giống những người cũng là nạn nhân của sự quấy rối và tin đồn thất thiệt. Maatje cố kìm nén nước mắt: "Tôi muốn mọi người ngừng làm phiền tôi, vì đối với tôi đây là sự bắt nạt qua mạng và mọi chuyện đang vượt tầm kiểm soát". Matt yêu cầu YouTube gỡ các video xuống. Họ cho biết đã liên lạc với luật sư của mình và cảnh sát địa phương, nhưng cả hai bên đều nói với họ rằng gần như không thể làm được gì.

Nguồn gốc của thuyết âm mưu

Các thuyết âm mưu cũng không khác virus là bao, chúng cũng phát triển và đột biến để lây lan và sinh tồn. Trước khi Maatje Benassi trở thành nhân vật chính của thuyết âm mưu này, nhiều dị bản khác đã lan truyền trên mạng trong hàng tháng trời.

Trong những tuần đầu của dịch bệnh, những kẻ đồn đoán bắt đầu khẳng định, mà không có căn cứ, rằng đây là vũ khí sinh học của Mỹ. Sau đó, một thành viên của chính phủ Trung Quốc công khai tuyên truyền rằng quân đội Mỹ mang virus đến Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói, phát ngôn của chính phủ Trung Quốc "hoàn toàn lố bịch và thiếu trách nhiệm" khi đưa ra những thông tin như vậy.

Đến tháng 3, nhiều tháng sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố ở Trung Quốc, tin đồn chuyển trọng tâm sang Maatje Benassi. Mọi việc bắt đầu khi bà tham gia Đại hội Thể thao Quân sự Thế giới, hay còn được biết đến là Olympics của quân đội, tổ chức ở Vũ Hán - thành phố nơi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái. Maatje Benassi thi đấu ở nội dung đua xe đạp, gặp tai nạn ở vòng đua cuối, khiến bà bị gãy xương sườn và bị chấn động. Ngã xe nhưng Benassi vẫn hoàn thành vòng đua. Đây là khởi đầu của một thứ tồi tệ hơn. Trong hàng trăm vận động viên từ Mỹ tham gia giải đấu này, Maatje bị chọn ra làm "nhân vật chính" của thuyết âm mưu.

Có lẽ người cổ vũ nổi bật nhất cho ý tưởng rằng Benassi có vai trò trong "kế hoạch lây bệnh" cho cả thế giới là George Webb, 59 tuổi - người Mỹ, kẻ chuyên đưa tin đồn thất thiệt. Trong nhiều năm, Webb tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp để đấu khẩu trên YouTube, nơi ông ta có hơn 27 triệu lượt xem và gần 100.000 người theo dõi. Trong năm 2017, CNN tiết lộ Webb là một trong 3 kẻ đưa tin đồn sai lệch về một tàu chở hàng có bom bẩn chuẩn bị cập cảnh Charleston ở Nam Carolina. Quả bom không hề có thật, nhưng tin đồn này khiến một phần của cảng lớn nhất nước Mỹ này phải đóng cửa một thời gian để đề phòng.

Gần đây, Webb cho biết, những video trên YouTube của ông có chứa quảng cáo, nghĩa là nền tảng được sở hữu bởi Google này đang kiếm tiền nhờ vào những thông tin sai của Webb. Webb còn cho rằng DJ nổi tiếng người Italy Benny Benassi, chủ nhân của bản hit toàn cầu năm 2002 "Satisfaction", bị nhiễm nCoV. Anh ta cùng Maatje và Matt Benassi là một phần của "kế hoạch Benassi" có liên quan đến virus.

Benny chia sẻ với CNN rằng anh chưa từng gặp Maatje và Matt. Benny Benassi cho biết anh chưa xét nghiệm virus. Giống như nhiều nghệ sĩ khác trên thế giới, anh phải hủy các buổi diễn của mình vì giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.

Chồng bà Maatje Benassi, Matt.

 

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 23/4, được phát trực tiếp trên YouTube, Webb không đưa ra được bằng chứng đầy đủ để chứng minh cho phát ngôn về gia đình Benassi, dù vẫn khẳng định mình là "phóng viên điều tra", chứ không phải kẻ mang thuyết âm mưu. Webb cho biết hắn thường kiếm được vài trăm USD mỗi tháng từ YouTube.

YouTube xác nhận rằng họ không chạy quảng cáo trên kênh của Webb gần đây, nhưng từ chối cho biết liệu trước đây có quảng cáo trên kênh đó không, và kênh này kiếm được bao nhiêu tiền. Người phát ngôn của công ty cho biết YouTube cam kết tuyên truyền thông tin chính xác về virus nCoV. YouTube còn gỡ một vài bình luận đe dọa gia đình Benassi dưới các video của Webb khi được CNN hỏi. YouTube cũng cho biết họ cũng gỡ một số video cũ của Webb.

Giả thuyết trên mạng dẫn đến những mối lo thực sự bên ngoài

Trong khi những cáo buộc về gia đình Benassi không hề chính xác, mối nguy mà họ phải đối mặt và nỗi sợ họ cảm thấy là rất thật. Matt Benassi cho biết ông sợ điều này biến thành "Pizzagate thứ hai". Ông đang nhắc tới một thuyết âm mưu vô căn cứ khác cho rằng một đường dây mại dâm trẻ em, bằng cách nào đó có dính dáng đến Hillary Clinton cùng những người khác, đang hoạt động trong một quán pizza ở Washington DC. Tin đồn này không được quan tâm rộng rãi cho đến khi có người đàn ông bước vào một nhà hàng pizza vào cuối năm 2016 và nổ súng, nói rằng mình đến để điều tra về "Pizzagate".

Matt Benassi cho biết: "Rất khó để bắt Webb chịu trách nhiệm. Cơ quan hành pháp nói rằng chúng tôi không thể làm gì vì quyền tự do ngôn luận. Rồi họ nói, ‘Nói chuyện với luật sư dân sự đi’. Chúng tôi làm vậy. Chúng tôi nói chuyện với một luật sư. Nhưng đối những người như chúng tôi, quá tốn kém để kiện một việc thế này. Chúng tôi không thể trông cậy vào cơ quan hành pháp. Chúng tôi cũng không trông cậy được vào tòa án".

Matt Benassi cho biết ông đã khiếu nại với YouTube nhưng ngay cả khi đó, công ty cũng mất vài ngày để gỡ video. Tệ hơn nữa, những video Webb đăng lên YouTube sau khi bị gỡ thường được kẻ khác đăng lại.

Vợ chồng Matt và Maatje Benassi.

 

Ở Trung Quốc, những video tấn công gia đình Benassi được đăng tải lên nhiều nền tảng phổ biến khác như WeChat, Weibo và Xigua Video và được dịch sang tiếng Trung, theo một nghiên cứu của Keenan Chen - nhà nghiên cứu ở First Draft, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu tin đồn thất thiệt.

Sự việc của gia đình Benassi không phải hiếm gặp, theo Danielle Citron, một giáo sư luật tại Đại học Luật Boston và là một thành viên của McArthur Fellow, chuyên nghiên cứu về quấy rối trên mạng. Đối mặt với "băng nhóm trực tuyến", các cơ quan hành pháp không thể hoặc sẽ không điều tra. Đối với YouTube, Citron cho biết luật cần phải thay đổi: "Ngay bây giờ, họ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm pháp lý với luật liên bang. Và nhờ đó họ có thể phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm". Bất kể những gì xảy ra sau đó, thiệt hại cũng đã xảy ra rồi. "Tôi biết mọi việc sẽ không còn như cũ nữa. Mỗi lần bạn gõ tên tôi trên Google, kết quả trả về cũng sẽ là 'bệnh nhân số 0", Maatje Benassi nói.

Theo Ione