Chị Nguyễn Thị Nha đưa quà, nước vận động được đến thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận, TX.Kinh Môn, tỉnh Hải Dương - ẢNH NVCC
Thời gian này, người dân đi qua chốt kiểm dịch Covid-19 ở chân cầu Đá Vách (TX.Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) lại thấy một cô gái trẻ mặc áo xanh thanh niên nhưng chỉ có một tay, nhanh nhẹn ngồi ghi chép thông tin.
Đó là chị Nguyễn Thị Nha (38 tuổi, ở xã Duy Tân, TX.Kinh Môn), Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Hải Dương.
“Tôi sinh ra đã chỉ có một tay nhưng rất thích công tác tình nguyện. Từ khi còn đi học, tôi đã tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Đội rồi. Cách đây 7 năm, tôi cùng nhiều bạn trẻ khuyết tật đã thành lập một CLB để cùng sinh hoạt, giúp đỡ nhau và làm công tác xã hội. Hiện, CLB đã có hơn 500 thành viên”, chị Nha chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Nha làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch Covid-19 - ẢNH NVCC
Từ khi Hải Dương bùng phát dịch Covid-19, chị Nha đã xung phong ra chốt kiểm soát dịch Covid-19 của xã Duy Tân. Đến nay, chị Nha lại tình nguyện làm nhiệm vụ ở chốt cầu Đá Vách của tỉnh.
“Nhiều người hỏi tôi là người khuyết tật thì xung phong đi làm gì? Tôi chỉ cười thôi, chống dịch cần tất cả nguồn lực mà. Tôi tuy thiếu một tay nhưng vẫn làm mọi việc như người bình thường”, chị Nha chia sẻ.
Thực tế, không chỉ làm nhiệm vụ tại chốt, chị Nha còn thường xuyên vận động các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm ủng hộ lực lượng tại chốt, khu cách ly hay hỗ trợ giải cứu nông sản cho bà con nông dân.
Mới đây, chị Nha đã vận động được 25 suất quà và 10 thùng nước để hỗ trợ thôn Bãi Mạc (xã Thượng Quận, TX.Kinh Môn), nơi bị phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19.
"Hết cách ly tôi lại xuống cơ sở sát cánh cùng các bạn"
Tại một địa bàn khác của Hải Dương là H.Nam Sách, công tác chống dịch cũng đã ghi nhận được sự tham gia, hỗ trợ tích cực của “màu áo xanh”. Ngay sau khi H.Nam Sách có ca nhiễm Covid-19, chị Đoàn Thị Huyền, cán bộ Huyện đoàn Nam Sách, đã xác định mình thuộc diện F2 và phải cách ly tại nhà.
“Biên chế của Huyện đoàn Nam Sách có 4 người. Chúng tôi phải chia ra để đảm nhiệm hoạt động thanh niên cũng như công tác chống dịch. Bản thân tôi phụ trách 9 xã. Chính vì vậy, dù cách ly ở nhà nhưng tôi vẫn tham gia chống dịch”, chị Huyền chia sẻ.
Mỗi ngày, chị Huyền sẽ đôn đốc, tổng hợp các hoạt động chống dịch tại cơ sở, đăng bài tuyền tuyền chống dịch Covid-19 của các đơn vị lên mạng xã hội Facebook.
“Cũng may là mình đang sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh nên tôi vẫn đảm nhận được 70% khối lượng công việc. Tuy nhiên, chống dịch Covid-19 rất nhiều việc. Khi nào hết cách ly, tôi sẽ xuống ngay các cơ sở sát cánh cùng các bạn ở dưới đó”, chị Huyền tỏ ra sốt ruột khi nhắc đến các lực lượng đoàn viên tại các xã đang có dịch Covid-19.
Chị Đoàn Thị Huyền cùng các thành viên trong đội hỗ trợ của H.Nam Sách làm việc, sinh hoạt trong một nhà container khi xuống xã Nam Tân công tác dài ngày - ẢNH NVCC
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 vừa qua, khi Hải Dương là tâm dịch căng thẳng nhất nước, chị Huyền cùng chồng là anh Trần Huy Thịnh, cán bộ Đội CSGT TP.Hải Dương, gần như “ăn ngủ” trên tuyến đầu chống dịch. “Cuối tháng 1.2021, dịch Covid-19 bùng phát rất nhanh, tỉnh Hải Dương đã khẩn cấp lập hàng loạt chốt kiểm soát dịch. Tôi và chồng đều đi chống dịch. Trong khi chồng tôi ở chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Hải Dương thì tôi được điều động vào tổ công tác xuống đảm nhiệm công việc của chính quyền xã Nam Tân khi hầu hết cán bộ của xã này phải đi cách ly”, chị Huyền nhớ lại.
Thời điểm đó, trụ sở xã bị phong tỏa, chị Huyền cùng nhiều thành viên trong tổ công tác phải ở trong một container dựng cạnh chốt kiểm soát dịch của xã Nam Tân với điều kiện sinh hoạt rất hạn chế.
“Ngày đó, hàng tháng trời vợ chồng không được gặp nhau. Mỗi lần tôi tranh thủ về nhà thì con lại hỏi mẹ là vì sao bố không về? Đêm giao thừa, vợ chồng mỗi người trực ở một chốt. Đến bây giờ vẫn thế, anh Thịnh vẫn đang trực chốt còn tôi thì đang cách ly. Hai vợ chồng nhớ nhau thì chỉ còn cách gọi điện thoại”, chị Huyền xúc động chia sẻ.
Làm việc thông đêm, quên cả ăn
Chiều 27.7, nhận được tin báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Thái Tân (H.Nam Sách, tỉnh Hải Dương) về việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, anh Nguyễn Mạnh Toản, Bí thư Đoàn xã Thái Tân, vội vã chạy lên trụ sở UBND xã họp.
“Lúc tôi nhận được tin là khoảng 17 giờ 30. Thời điểm ấy, Hải Dương đã trải qua hơn 47 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới. Khi nghe tin, tôi thoáng buồn. Như vậy là mọi kế hoạch hoạt động đã lên cho mùa hè này sẽ phải gác lại để tập trung dập dịch”, anh Toản nhớ lại.
Cuộc họp triển khai các phương án chống dịch ở xã Thái Tân sau đó được diễn ra nhanh chóng, khẩn trương.
“Vì đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch nên chúng tôi chỉ họp khoảng 40 phút rồi triển khai đi lập các chốt và hỗ trợ công tác truy vết. Chúng tôi làm việc thông đêm vì cần truy vết thần tốc, quên cả ăn”, anh Toản cho biết.
Đoàn viên thanh niên xã Thái Tân đảm nhiệm công việc như trực chốt, hỗ trợ lấy mẫu, vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho khu cách ly... - ẢNH NVCC
Đêm đầu tiên do gấp gáp nên Đoàn xã Thái Tân mới huy động được 4 người. Sáng hôm sau (28.7), anh Toản sử dụng loa phát thanh của xã kêu gọi lực lượng thanh niên tham gia công tác chống dịch.
Rất nhanh chóng, 17 bạn trẻ đã tình nguyện đăng ký đảm nhiệm các công việc chống dịch Covid-19 tại tâm dịch Thái Tân. Những ngày sau đó, nhiều bạn thanh niên trong xã tiếp tục đăng ký, có cả những sinh viên về nghỉ hè cũng nhiệt tình tham gia.
“Tổng cộng chúng tôi đã có 30 bạn trẻ vô cùng nhiệt huyết đảm nhiệm nhiều công việc như: trực chốt, hỗ trợ lấy mẫu, vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho khu cách ly…”, anh Toản phấn khởi kể lại.
Được biết, trong đợt dịch này, xã Thái Tân đã có đến 36 ca nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, chủng virus gây bệnh là chủng Delta, có tính lây lan nhanh. Để đảm bảo an toàn, mọi lực lượng tham gia chống dịch đều phải mặc áo bảo hộ chuyên dụng.
“Trực tiếp làm việc nhiều giờ trong bộ quần áo bảo hộ dưới trời nắng nóng, tôi mới thấy rõ công việc chống dịch vất vả thế nào. Chỉ mong dịch bệnh qua nhanh thôi”, anh Toản mong mỏi.
Theo thanhnien