Krysia Paszko đã giúp đỡ hàng trăm phụ nữ bị lạm dụng trong gia đình nhờ trang Facebook giả bán mỹ phẩm

Vào tháng 4/2020, vài tuần sau khi Ba Lan bị phong tỏa vì dịch COVID-19, nữ sinh trung học 17 tuổi Krysia Paszko lần đầu tiên xem một phóng sự truyền hình về sự gia tăng bạo lực gia đình ở châu Âu, (tăng 60% so với năm 2019). Tại Ba Lan, trung tâm quyền phụ nữ lớn nhất nước này Centrum Praw Kobiet (CPK) báo cáo cuộc gọi đến đường dây nóng về bạo lực gia đình tăng 50%.

Học hỏi từ Pháp khi tại các hiệu thuốc, phụ nữ có thể tố cáo bạo lực gia đình bằng cách sử dụng từ mã “Mặt nạ 19”, Paszko đã có một ý tưởng cho riêng mình. Với sự giúp đỡ của người bạn thiết kế đồ họa, cô đã tạo ra một trang Facebook mang danh nghĩa là công ty mỹ phẩm. 

Sau đó, cô vào trang Facebook cá nhân của mình viết lên thông điệp: “Nếu bạn đang cách ly hoặc cách ly với một người độc ác hoặc bạo lực, hãy gửi một tin nhắn” rồi cô liên kết với trang mỹ phẩm trên. Paszko hướng dẫn: “Nếu bạn đặt câu hỏi về mỹ phẩm thiên nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi bạn. Nếu bạn viết “STOP”, chúng tôi sẽ thay mặt bạn gọi cảnh sát”.

Trang Facebook ra mắt chưa lâu, Paszko gần như không thể theo dõi số lượng tin nhắn mà cô nhận được và thông điệp cô viết được chia sẻ hàng ngàn lần. Trong vài ngày, Paszko phải gọi CPK để được giúp đỡ. Kể từ đó, các nhà tâm lý học, luật sư và tình nguyện viên CPK cũng tham gia.

Để bảo vệ những phụ nữ bị người yêu hay chồng giám sát thông tin liên lạc của họ, Paszko đã phát triển một hệ thống các câu hỏi được mã hóa để xác định loại hỗ trợ cần thiết. “Điều khiến tôi ngạc nhiên là bạn có thể nói gần như mọi thứ bằng cách sử dụng mật mã, chẳng hạn như việc có liên quan đến rượu hay không, hoặc liệu bạo lực có ảnh hưởng đến trẻ em hay không…”, Paszko nói. 

Một trong những trường hợp đầu tiên Paszko xử lý vào mùa xuân năm ngoái, khi một người phụ nữ cho biết, cô bị lạm dụng tình cảm, thể chất và kinh tế từ chồng. Bi kịch này khiến cô thấy tồi tệ hơn trong đại dịch. Chồng cô ở nhà nhiều hơn, và ngay cả khi cô trốn thoát, người chồng đã kiểm soát tài chính, vì vậy cô không còn tiền và không có nơi để đi. Sau khi nghe câu chuyện của phụ nữ này, CPK đã đặt và trả tiền taxi để đưa cô và con gái đến nơi trú ẩn ở Warsaw.  

Theo Urszula Nowakowska, người sáng lập và Chủ tịch  CPK, bạo lực trong thời gian phong tỏa ở Ba Lan leo thang, nhưng hầu hết phụ nữ bị bạo hành không dám tiết lộ vì sĩ diện hoặc sợ bị đàn áp hơn. Như người phụ nữ được giải cứu trên, trước khi đến nơi trú ẩn, cô xấu hổ và sợ hãi khi nói với cha mẹ về việc bị ngược đãi, nhưng sau vài ngày ở CPK, cô đã mở lòng. Kể từ đó, cô đã chuyển đến ở với cha mẹ, tìm việc làm và đăng ký cho con học mẫu giáo. 

Nạn lạm dụng bạo lực gia đình đã tràn lan ở Ba Lan từ rất lâu, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Một nghiên cứu năm 2019 do chính phủ ủy quyền nhưng không được công khai đã bị rò rỉ vào tháng Tám năm ngoái cho thấy, 63% phụ nữ Ba Lan đã từng bị bạo lực gia đình trong suốt cuộc đời. Không những thế, giới nữ ở Ba Lan còn đối diện với luật định cấm phá thai. 

Tháng Mười năm ngoái, Paszko đã tham gia cuộc biểu tình cùng 100.000 người trên đường phố Warsaw để phản đối lệnh cấm phá thai. Bất chấp những hạn chế chặt chẽ do COVID-19, đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Ba Lan thể hiện sự tức giận chống lại luật pháp hà khắc. 

Kể từ mùa xuân năm ngoái, hơn 500 phụ nữ trên khắp Ba Lan và những phụ nữ Ba Lan sống ở Hà Lan, Đức, đã nhận được sự giúp đỡ thông qua trang bán mỹ phẩm của Paszko. Cô thừa nhận rằng, việc thực hiện sáng kiến như vậy khi mới 17 tuổi là trách nhiệm nặng nề, nhưng cô rất vui khi làm một việc tích cực. “Có thể đó là một nghịch lý, nhưng có một điều lạc quan rằng, phụ nữ có thể nhận được sự giúp đỡ thay vì phải tự chịu đựng tình trạng bị bạo hành nhiều năm”, Paszko nói. 

Theo phunuonline