Chiến thắng đầy bất ngờ
Chia sẻ với người viết sau khi nhận được giải thưởng phim ngắn xuất sắc nhất tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2023 với tác phẩm Dưới đáy hố, Phước Bình cho biết vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc như lúc được xướng tên. “Đây là giải thưởng danh giá đầu tiên mà mình được nhận nên cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Mình tự hào vì bản thân đã có thành công bước đầu trong sự nghiệp làm phim. Đằng sau giải thưởng này là sự biết ơn đến thầy cô, ekip, gia đình và khán giả đã đồng hành, ủng hộ”, Phước Bình nói.
Phim ngắn Dưới đáy hố có thời lượng 28 phút và bất ngờ hơn đây chỉ là bài tập cho môn nghiệp vụ đạo diễn của Bình. Nữ sinh cho biết khi có thông báo về giải thưởng Cánh diều vàng 2023 đã định không tham gia vì nghĩ tác phẩm chưa đủ để cạnh tranh. Tuy nhiên, vượt qua nỗi sợ, Bình đã mạnh dạn gửi phim đi thi với mong muốn nghe nhận xét từ những người có chuyên môn để học hỏi.
“Dưới đáy hố là câu chuyện về đời sống của những người làm vườn thuê ở một vùng quê hẻo lánh và dòng cảm xúc lẫn lộn của một chàng thanh niên trẻ khi đối diện với sự thật là vợ mình sắp chết. Tất cả đều là câu chuyện về tình người, bản chất của sự vật và cách vượt qua nỗi sợ”, Bình nói.
Bình cho biết trong quá trình làm phim rất khó khăn về mặt kinh phí và thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, nữ sinh này phải chủ động mượn các thiết bị quay và chọn địa điểm ở quê nhà tỉnh Bình Phước. Theo nữ sinh, ba mẹ đã tham gia phụ giúp làm bối cảnh ở một khu vườn, các vai quần chúng trong phim cũng đều là người làm tại đây. Ekip của nữ sinh này chỉ có 3 ngày để quay và đều gặp mưa nên bị thiếu một số phân cảnh.
“Tuy khó khăn về nhiều mặt nhưng đổi lại bất kỳ ai trong ekip đều rất nhiệt tình, đầy tâm huyết với phim. Dù có đi xa và dầm mưa cỡ nào mọi người cũng đều vui vẻ làm việc. Khi tất cả đều đồng lòng thì mọi sự mệt mỏi và thiếu thốn sẽ dễ dàng vượt qua”, Bình nói.
Mượn chất liệu từ sách và đời sống
Bình chia sẻ rất thích đọc sách triết học nên ý tưởng ban đầu của phim xuất phát từ tác phẩm mang tên Lên tàu cùng Socrates: Đi tìm ý nghĩa cuộc sống từ các triết gia của tác giả Eric Weiner. Ngoài ra, sự kiện ông bà của Bình qua đời đã cho cô gái này hiểu được cuộc sống một cách sâu sắc hơn và đưa những góc nhìn đầy tính nhân sinh vào trong phim ngắn.
“Mình đã ấp ủ ý tưởng phim từ lâu nhưng chưa có điều kiện để thực hiện. Đến khi phải nộp bài tập cuối kỳ môn nghiệp vụ đạo diễn mới bắt đầu gấp rút viết kịch bản, quay và dựng chỉ trong vòng 2 tuần. Vì còn là sinh viên nên kinh phí sản xuất rất hạn hẹp, chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ từ ekip đều là các bạn sinh viên đam mê làm phim, gia đình và thầy cô”, Bình chia sẻ.
Trước khi đoạt giải Cánh diều vàng 2023, Bình từng là thủ khoa đầu vào ngành đạo diễn điện ảnh, truyền hình Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM và tham gia một số cuộc thi phim ngắn quốc tế nhưng chưa có thành tích nổi bật. Bình cho biết sẽ tiếp tục học tập, trau dồi kỹ năng làm phim vì biết bản thân còn nhiều thiếu sót. Ngoài ra, để thúc đẩy sự phát triển lẫn nhau giữa các nhà làm phim trẻ, nữ sinh đã mở một nhóm hậu kỳ mang tên “10Bit post” được hơn 2 năm. Nhóm này chuyên hỗ trợ người trẻ không đủ kinh phí làm phim trong khâu hậu kỳ.
Thạc sĩ Lương Đức Anh, giảng viên Khoa Điện ảnh - Truyền hình, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nhận xét: “Bình có sự tìm tòi về nhiều góc cạnh khác nhau để phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ của bản thân. Tôi đánh giá thái độ học tập của Bình rất tốt, nghiêm túc. Bạn luôn thể hiện sự đam mê và quyết liệt trong việc làm phim ở mỗi học kỳ. Đặc biệt, môn nghiệp vụ đạo diễn Bình luôn có sản phẩm tốt và được giáo viên đánh giá cao”.
Thạc sĩ Đức Anh nói thêm: “Sau 10 năm kể từ ngày Trần Thanh Huy (đạo diễn phim Ròm) nhận Cánh diều vàng nhờ phim 16 giờ 30 thì đến giờ mới có 1 sinh viên của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tiếp nối vinh quang này. Điều đặc biệt hơn là các giải trước đa phần đều nhận bằng phim tốt nghiệp thì Bình chỉ với phim thi học kỳ môn nghiệp vụ đạo diễn”.
Theo Thanh niên