Andersson quyết định từ chức ngày 24/11 khi bà chưa yết kiến Quốc vương Carl XVI Gustaf và hoàn tất thủ tục nhậm chức. Tài khoản Twitter của Thụy Điển, do Viện Thụy Điển quản lý, cho biết Andersson từ chức sau khi dự luật ngân sách của bà không được quốc hội thông qua và các nghị sĩ ủng hộ đề xuất của phe đối lập.

Quyết định từ chức được Andersson đưa ra chỉ vài giờ sau khi bà được quốc hội Thụy Điển bầu làm thủ tướng với 117 phiếu thuận, 174 phiếu chống, 57 phiếu trắng và một nghị sĩ vắng mặt trên tổng số 349 nghị sĩ. Theo hiến pháp Thụy Điển, thủ tướng vẫn có thể được phê chuẩn và điều hành đất nước, miễn là đa số thành viên quốc hội, tối thiểu 175 nghị sĩ, không chống lại họ.

Do không đạt được đa số phiếu ủng hộ, bà Andersson tìm cách lập chính phủ liên minh thiểu số với đảng Xanh. Chính phủ liên minh thiểu số là chính phủ do một chính đảng lập ra khi không chiếm đa số phiếu tại quốc hội. Đảng này cần liên minh với các đảng nhỏ hơn để lập chính phủ và cần sự ủng hộ của nghị sĩ các đảng đó để thông qua bất cứ đạo luật nào.

Tuy nhiên, đảng Xanh sau đó quyết định rời khỏi chính phủ liên minh thiểu số với đảng Dân chủ Xã hội của Andersson. "Chính phủ hiện tại của Thụy Điển là chính phủ lâm thời cho tới khi một chính phủ mới được thành lập", tài khoản Twitter của Thụy Điển cho biết.

Andersson, 54 tuổi, kế nhiệm Stefan Lofven, người gần đây từ chức thủ tướng Thụy Điển và thôi lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội. Andersson từng giữ chức phó tổng giám đốc cơ quan thuế. Bà có bằng thạc sĩ kinh tế tại Trường Kinh tế Stockholm và từng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển vào năm 2014. Andersson là người phụ nữ thứ hai giữ chức lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội.

Magdalena Andersson trong phiên họp báo sau khi trở thành nữ thủ tướng Thụy Điển đầu tiên ngày 24/11. Ảnh: AFP.

Magdalena Andersson trong phiên họp báo sau khi trở thành nữ thủ tướng Thụy Điển đầu tiên ngày 24/11. Ảnh: AFP.

Andersson được bầu làm thủ tướng sau thỏa thuận vào phút chót với đảng Cánh tả để đảng này không phản đối bà, song khả năng nắm giữ quyền lực của bà trở nên mong manh trong bối cảnh chia rẽ chính trị tại Thụy Điển.

Cựu thủ tướng Lofven đã tìm cách thuyết phục hai đảng Cánh tả và Trung tâm ủng hộ bà Andersson, dù hai đảng này không nằm trong chính phủ liên minh thiểu số giữa đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh.

Tuy nhiên, đảng Trung tâm sau đó thông báo sẽ không ủng hộ chính phủ của Andersson trong cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách do ba đảng đối lập đề xuất. "Chúng tôi không thể ủng hộ ngân sách của một chính phủ quá thiên tả, điều mà chúng tôi dự đoán chính phủ sắp tới sẽ làm", lãnh đạo đảng Trung tâm Annie Loof nói.

Bà Andersson cho biết đã thông báo với chủ tịch quốc hội về hy vọng được tái bổ nhiệm làm thủ tướng với tư cách là người đứng đầu một "chính phủ chỉ do đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền", theo Reuters.

Bất cứ ai nhậm chức thủ tướng Thụy Điển lúc này sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể, trong đó có tình trạng bạo lực băng đảng và các vụ xả súng tại ngoại ô thủ đô Stockholm cùng các thành phố lớn khác. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng tới Thụy Điển khi tỷ lệ tử vong tại đây cao hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Các nước Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Iceland đều từng bầu nữ thủ tướng, nhưng 33 đời thủ tướng Thụy Điển trước bà Andersson đều là nam giới.

Theo vnexpress