"Chủ tịch công ty hỏi tôi bằng tiếng Nhật rằng tôi có muốn nuốt tinh trùng của ông ta không. Khi đó tôi không hiểu ông ta muốn nói gì. Nhưng khi về nhà, tôi tra từ điển và cảm thấy cực kỳ buồn, bị xúc phạm, sau khi hiểu nghĩa", người phụ nữ Việt Nam 30 tuổi kể lại.
Cô tới Nhật Bản vào mùa hè năm 2018, bắt đầu làm thực tập sinh cho một công ty xây dựng. Trước đó, cô được hứa hẹn sẽ làm công việc kiểm tra sản phẩm nhưng thực tế, cô được giao nhiệm vụ lắp ráp thanh thép ở công trường.
Đây không phải điều tồi tệ nhất. Đa số đồng nghiệp của cô là đàn ông và cô đã bị quấy rối tình dục. Giám sát viên, thậm chí cả chủ tịch công ty, đều tìm cách sờ mó cô mỗi ngày, buộc cô xem tranh ảnh hay video có nội dung khiêu dâm.
Mùa xuân năm 2019, khoảng 8 tháng sau khi làm thực tập sinh, một nhân viên nam đã sờ mông cô trong lúc làm việc. Cô vơ lấy một thanh thép, ném vào người anh ta. Người phụ nữ Việt lập tức bị sa thải.
"Tôi đã cố giải thích nhưng không ai lắng nghe", cô nói.
Công ty thậm chí còn báo cáo tổ chức chịu trách nhiệm sắp xếp công việc cho cô rằng nữ thực tập sinh "không tuân thủ chỉ thị của giám sát viên, lặp lại hành vi gây rối tại nơi làm việc". Khi chỉ còn hơn hai năm trong kỳ thực tập sinh, cô bị buộc phải dừng chương trình và quay lại Việt Nam.
Chủ tịch công ty cho biết ông không tin hành động của mình cấu thành tội quấy rối tình dục.
"Tôi có thể đã nói hoặc làm một số điều bị coi là tục tĩu, nhưng đó chỉ là trò đùa", ông nó. "Tôi chưa bao giờ nghe ai phàn nàn, từ cô ấy hoặc bất kỳ nhân viên nào, về quấy rối tình dục. Tôi nghĩ rằng cô ta đã bịa chuyện để có lợi cho mình".
Tuy nhiên, Kakehashi, tổ chức hỗ trợ người nước ngoài sống ở Nhật Bản, cho hay thường xuyên nhận được yêu cầu giúp đỡ của thực tập sinh nước ngoài. Koshida Maiko, phát ngôn viên của Kakehashi, cho biết hơn 100 thực tập sinh ngành kỹ thuật đã liên hệ xin cô tư vấn từ năm 2015. Khoảng 10% cuộc gọi liên quan tới quấy rối tình dục và cô tin rằng, con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
"Những người tới tìm kiếm giúp đỡ là những người may mắn", Koshida nói. "Đa số các thực tập sinh không thể nhận ra họ đang bị bạo hành tình dục. Thay vào đó, họ tự trách bản thân".
Koshida yêu cầu Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật (OTIT) tiến hành điều tra nạn bạo hành tình dục với thực tập sinh nước ngoài. Kakehashi sẽ chịu trách nhiệm đào tạo kiến thức chống quấy rối tình dục và bảo vệ học viên. Tuy nhiên, Koshida cho hay cô chưa nhận được phản hồi của OTIT.
"OTIT sẽ phản hồi yêu cầu của chúng tôi về công việc hay chế độ lương bổng, nhưng thường phớt lờ mỗi khi chúng tôi yêu cầu họ phản ánh tình trạng bạo hành tình dục với thực tập sinh", Koshida nói.
Sunai Naoko, nhà báo chuyên đưa tin về thực tập sinh, cho hay bạo lực tình dục là vấn đề nan giải bởi cấu trúc quyền hành bất thường của các chương trình thực tập.
"Nhiều thực tập sinh sống trong ký túc xá do công ty cung cấp, nghĩa là chỗ ở của họ cũng nằm trong tầm kiểm soát của nhà tuyển dụng", cô nói.
"Nơi ở và nơi làm việc gần nhau làm tăng nguy cơ họ bị bạo hành tình dục dù không phải trong giờ làm. Thực tập sinh cũng dễ dàng mất việc và mất chỗ ở nếu trình báo hoặc báo cáo người sử dụng lao động. Mất việc làm đồng nghĩa với mất nơi cư trú. Nên họ rất khó lên tiếng".
Người phụ nữ Việt Nam đã về nước hồi tháng 10/2019. Cô đang làm việc cho một công ty ở quê, với mức lương 220 USD/tháng, chưa bằng một nửa so với mức lương thực tập sinh ở Nhật Bản. Cô vẫn còn nợ gần 5.500 USD số tiền đã vay để đi Nhật Bản.
"Tôi muốn tiếp tục làm việc ở Nhật Bản và tôi sẽ tiếp tục làm nếu không bị lạm dụng tình dục", cô nói. "Nhưng tôi là người nước ngoài, lại còn là phụ nữ, đây là vị thế cực kỳ bấp bênh mà người ta đã lợi dụng nó".
Theo vnexpress