leftcenterrightdel
 Lính cứu hỏa tham gia diễn tập khẩn cấp chống lại các tai nạn và hiểm họa hóa chất mùa đông ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc
Theo các nhà nghiên cứu, ô nhiễm hóa chất đang đe dọa các hệ thống của trái đất vì phá vỡ các quá trình sinh học và vật lý, vốn là nền tảng của tất cả sự sống. Chẳng hạn, thuốc trừ sâu quét sạch nhiều loài côn trùng không có hại cho người, làm mất cân bằng các hệ sinh thái, từ đó làm cho con người bị mất đi nguồn cung cấp không khí sạch, nước và thực phẩm.

“Tính từ năm 1950, lượng hóa chất sản xuất ra trên toàn cầu đã tăng gấp 50 lần, và con số này được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần nữa từ nay đến năm 2050. Với tốc độ sản xuất và thải các chất hóa học mới vào môi trường ở nhiều nơi trên thế giới như hiện nay, chúng ta sẽ khó có thể duy trì một không gian hoạt động an toàn cho nhân loại”, Patricia Villarrubia-Gómez - một nghiên cứu sinh tiến sĩ và là trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khả năng phục hồi và phát triển bền vững Stockholm (SRC) - cảnh báo.

“Từ lâu, chúng ta đã nghe nói đến tác hại của ô nhiễm hóa chất. Nhưng chúng ta chưa nghĩ về vấn đề này ở cấp độ toàn cầu”, tiến sĩ Sarah Cornell - phó giáo sư và nhà nghiên cứu chính tại SRC - cũng lên tiếng.

Theo các nhà nghiên cứu, việc xác định liệu ô nhiễm hóa chất có vượt qua “giới hạn của hành tinh” hay không rất phức tạp, vì không có định nghĩa trước về mức độ chịu đựng của con người đối với tình trạng này. Điều này khác với khái niệm “mức độ CO2 tiền công nghiệp” trong khí quyển (trước cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra vào giữa thế kỷ XVIII, lượng CO2 trung bình trên toàn cầu là khoảng 280 ppm), khi nói về khủng hoảng khí hậu.

Một lý do khác là có một số lượng lớn các loại hợp chất hóa học được đăng ký sử dụng (khoảng 350.000 loại), nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này được đánh giá về mức độ an toàn.

Vì vậy, các nghiên cứu đã sử dụng kết hợp các phép đo khác nhau để đánh giá tình hình ô nhiễm hóa chất trên toàn cầu, trong đó có việc tính toán tốc độ sản xuất hóa chất và việc thải chúng ra môi trường, và so sánh với khả năng của các cơ quan chức năng trong việc theo dõi, điều tra và xử lý tác động của chúng.

leftcenterrightdel
Một người phụ nữ ở New Delhi ngăn con trai mình tắm trên sông Yamuna, nơi bị bao phủ bởi một lớp bọt hóa chất do ô nhiễm công nghiệp và sinh hoạt 

Các tác động nguy hại hàng đầu của một số hóa chất cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá. Tuy thừa nhận còn hạn chế về dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết đã có tương đối đầy chủ bằng chứng để kết luận rằng ô nhiễm hóa chất đã vượt quá “giới hạn của hành tinh”.

“Chẳng hạn, tổng khối lượng nhựa hiện nay đã vượt quá tổng khối lượng của tất cả các loài động vật có vú còn sống. Đối với tôi, điều này là một dấu hiệu khá rõ ràng rằng chúng ta đã vượt qua một giới hạn. Chúng ta đang gặp khó khăn, nhưng có những điều chúng ta vẫn có thể làm để giải quyết vấn đề này”, giáo sư Bethanie Carney Almroth tại Đại học Gothenburg - một thành viên của nhóm nghiên cứu - nhận xét.

“Vì vậy, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thực sự quan trọng. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải thay đổi vật liệu và sản phẩm để chúng có thể được tái sử dụng, tránh lãng phí tài nguyên”, cô Villarrubia-Gómez chia sẻ.

Theo phunuonline