Nữ giới chiếm đến 49% trong tổng số 11.090 vận động viên
Nếu Olympic Paris 1900 đánh dấu cột mốc lịch sử với sự xuất hiện của những nữ vận động viên đầu tiên thì Olympic Tokyo 2020 được ví như cuộc cách mạng trong việc thúc đẩy quá trình bình đẳng giới. Theo thống kê, nữ giới chiếm đến 49% trong tổng số 11.090 vận động viên tham dự thế vận hội.
Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của nữ giới trong sự phát triển của Olympic và xã hội, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã làm việc tích cực cùng các liên đoàn thể thao quốc tế trong việc điều chỉnh nội dung thi đấu tại vòng loại của các môn và suất mời nhằm tăng số lượng vận động viên nữ đến Tokyo năm 2021. Trọng tâm của phong trào này là việc tăng cường vị thế của các nữ vận động viên ưu tú đang thi đấu và thành công tại Thế vận hội Olympic, truyền cảm hứng cho các nữ vận động viên tương lai trên toàn cầu.
Nỗ lực tăng cường bình đẳng giới trong thể thao giúp Olympic Tokyo 2020 đánh dấu cột mốc cho lần đầu tiên từng đội tuyển của các môn thi đấu sẽ góp mặt ít nhất 1 vận động viên nữ và 1 vận động viên nam. Ngoài ra, có 18 nội dung hỗn hợp nam nữ, gấp đôi so với Olympic Rio de Janeiro 2016. Đi vào chi tiết, 3 môn boxing, canoeing và rowing sẽ giảm số lượng nội dung thi đấu dành cho nam và bổ sung thêm đối với nữ. Mở rộng số đội tuyển nữ tham dự môn bóng nước lên con số 10, so với 8 suất ở kỳ Olympic trước.
Tại cự ly 1.500m bơi tự do - nội dung trước đây chỉ dành riêng cho nam - nay đã tạo cơ hội cho nữ tranh tài. Năm môn thể thao lần đầu xuất hiện tại Olympic, gồm karate, trượt ván, leo núi, lướt sóng và bóng rổ 3 đấu 3, tất nhiên sẽ có các nội dung thi dành cho nữ. Cuối cùng là sự trở lại của bóng chày và bóng mềm sau 13 năm gián đoạn.
Điểm nhấn khác được xuất hiện tại lễ khai mạc diễn ra tối 23/7, các đoàn thể thao sẽ có 1 vận động viên nam và 1 vận động viên nữ thay mặt cầm cờ của quốc gia mình.
Mang con nhỏ đi thi đấu
Các nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã cho phép các bà mẹ còn đang nuôi con sơ sinh sẽ được phép đưa con đến Nhật Bản. Vấn đề này rất được quan tâm sau khi vận động viên bóng rổ người Canada Kim Gaucher cho hay chị buộc phải quyết định giữa việc "làm mẹ cho con bú hay làm vận động viên Olympic" vì không thể đưa con gái 3 tháng tuổi đến Tokyo.
Vận động viên bóng rổ người Canada Kim Gaucher
Vận động viên chạy đường dài người Mỹ Aliphine Tuliamuk cũng phàn nàn về vấn đề này, nói rằng chị "không thể tưởng tượng" được chuyện sẽ đến Thế vận hội mà không có con gái còn đang bú mớm đi cùng. Cầu thủ bóng đá Mỹ Alex Morgan nói rằng việc "cho phép các bà mẹ có thể đưa con của họ đi cùng khi họ thi đấu" là điều quan trọng.
Ban tổ chức cho biết các trẻ em còn đang bú mớm phải ở trong các khách sạn đã được phê duyệt vì khu nhà ở của Làng Olympic là khu vực cấm đối với tất cả mọi người, chỉ trừ các vận động viên và lãnh đạo các đoàn.
Tổ chức Thể thao Phụ nữ đã công bố một chương trình cam kết hỗ trợ 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) chi phí chăm sóc con cái cho các bà mẹ - vốn là nữ vận động viên chuyên nghiệp đang đi thi đấu. Trong đó, đã có 6 nữ vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020 được hưởng phúc lợi này, mỗi người đầu tiên đã được nhận về 10.000 USD.
Chiến đấu để đủ điều kiện dự thi
Năm 2018, giấc mơ lập gia đình của võ sĩ boxing người Canada Mandy Bujold đã trở thành hiện thực khi con gái cô chào đời. Khi con được 2 tuổi, cô muốn tham gia tranh tài tại Olympic Tokyo 2020.
Võ sĩ boxing người Canada Mandy Bujold
Kế hoạch của cô ấy gần như không thể do ban quyền anh của IOC thông báo rằng tiêu chí đối với vận động viên các quốc gia Bắc và Nam Mỹ sẽ tham dự Olympic Tokyo 2020 dựa trên xếp hạng của họ trong ba giải đấu được tổ chức vào năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, cô đã không hoạt động trong thời gian đó vì mang thai và nuôi con nhỏ. Bujold đã đưa vụ việc của cô lên Tòa án Trọng tài Thể thao và ngày 30/6 vừa qua, Tòa án phán quyết rằng cô được tham gia.
Olympic Tokyo 2020 sẽ là kỳ Thế vận hội thứ 5 mà Allyson Felix tham dự kể từ lần đầu vào năm 2004. Cô được xem là một trong số những vận động viên điền kinh xuất sắc ở Olympic. Nội dung sở trường của Felix là tiếp sức 4x100m và 4x400m. Đây có lẽ là kỳ Olympic cuối cùng của Felix, khi năm nay cô đã 35 tuổi.
Vận động viên điền kinh Mỹ Allyson Felix và con gái
Trong suốt 2 thập kỷ, Allyson Felix đã giành gần như mọi danh hiệu của môn điền kinh và là chủ nhân của 6 Huy chương vàng Olympic. Tại Olympic Tokyo 2020, cũng là kỳ Olympic cuối cùng trong sự nghiệp, Allyson Felix cần thêm 2 Huy chương vàng để xô đổ thành tích của Carl Lewis, qua đó trở thành vận động viên điền kinh thành công nhất lịch sử.
Năm 2019, hãng Nike có ý định giảm hơn 70% giá trị hợp đồng quảng cáo sau khi cô sinh con vì cô không thể duy trì phong độ thi đấu như trước đây. Cô Allyson Felix đã tổ chức họp báo để chia sẻ vấn đề này. Ngay sau khi đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng liên quan đến việc đối xử với các vận động viên đang mang thai như Felix, Nike đã công bố chính sách thai sản mới cho các vận động viên được tài trợ vào tháng 8/2019. Chính sách mới đã mở rộng thời gian trả lương và tiền thưởng của vận động viên mang thai từ 12 lên 18 tháng.
Một bà mẹ khác cũng đang truyền cảm hứng cho nhiều người tại thế vận hội năm nay là cô Helen Glover, vận động viên chèo thuyền chuyên nghiệp người Anh và là thành viên của Đội chèo thuyền Vương quốc Anh. Được xếp hạng là tay chèo nữ số 1 thế giới kể từ năm 2015, cô là nhà vô địch Olympic hai lần, vô địch thế giới ba lần, vô địch World Cup hạng 3 và vô địch châu Âu 4 lần cũng tập trung cho danh hiệu chèo thuyền Olympic thứ 3 của cô ấy.
Cô Helen Glover - Vận động viên chèo thuyền chuyên nghiệp người Anh
Tất cả các vận động viên nữ trên đang phá bỏ những định kiến và tiếp tục thi đấu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự an toàn và lợi ích của việc tham gia các hoạt động thể chất khi mang thai cho cả mẹ và con. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, việc mang thai không còn chấm dứt sự nghiệp của một vận động viên như trước đây nữa. Nhiều vận động viên ưu tú không chỉ trở lại với thể thao mà còn tiếp tục phá vỡ các kỷ lục cá nhân và thế giới với tư cách là những bà mẹ mới sinh con. Khi ngày càng có nhiều vận động viên nữ tập luyện và thi đấu sau khi sinh con và nuôi con nhỏ thì điều quan trọng nhất là các chính sách thể thao cần phải thay đổi để kịp thời hỗ trợ các vận động viên.
Ngự Bình (dịch)