“Thư pháp Việt nuôi dưỡng tâm hồn tôi”

Gian thư pháp của Jean Sébastien Grill có tên là “Trường Giang”. Anh cho biết: "Trường Giang là tên tiếng Việt do một người bạn đặt. Giang có cách đọc gần giống Jean. Trường Giang cũng mang ý nghĩa: mạnh khỏe, sống lâu”.

Jean đã học tiếng Việt 7 năm và sống ở Việt Nam 6 năm. Trước khi đến Việt Nam, anh là nhân viên thiết kế đồ họa. Ngoài công việc chính, anh học thêm y học phương Đông, xoa bóp, bấm huyệt nhằm giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp gặp những vấn đề về cột sống. Năm 2006, anh kết hôn với người vợ Việt Kiều và có cơ hội đến Hà Nội. Ấn tượng với những vỉa hè nhộn nhịp và y học dân gian, Jean trở lại Việt Nam hàng năm để du lịch và học thêm về Đông y.

Năm 2015, Jean cùng vợ và hai con chuyển đến Việt Nam sinh sống. Cũng trong khoảng thời gian này, anh biết đến và bắt đầu theo học thư pháp.

Jean kể: “Trước đây, tôi đã biết đến thư pháp Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Khi biết Việt Nam cũng có nghệ thuật thư pháp, tôi tìm đến các lớp ở Hà Nội để theo học và là học sinh nước ngoài duy nhất trong lớp. Thầy giáo và các bạn Việt Nam đã rất nhiệt tình giúp đỡ tôi”.

“Ông đồ Tây” Jean Sébastien Grill:
Theo Jean Sébastien Grill, thư pháp giúp anh thấy bình an, hiểu thêm về cái đẹp (Ảnh: Hải An)

Là người nước ngoài, học tiếng Việt đã khó, học thư pháp lại càng khó hơn. Jean dành hàng giờ miệt mài học chữ, luyện viết. “Những ngày đầu phải cầm bút, mài mực hàng ngày, tay rất mỏi. Viết bút lông không dễ chút nào. Phải cầm làm sao cho cây bút chắc chắn mà vẫn linh hoạt, nét chữ dứt khoát nhưng vẫn mềm mại, uyển chuyển”.

Với kinh nghiệm và kỹ năng học được từ ngành mỹ thuật, Jean nhanh chóng thành thạo về bố cục, nét chữ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất anh gặp phải là cần hiểu sâu sắc ngữ nghĩa của các chữ. Sau khi hoàn thành khóa học 32 buổi, anh tiếp tục học thêm tiếng Việt, nhờ các thầy đồ cao tuổi giải nghĩa về câu đối, thơ văn, tìm đến các nghệ nhân về giấy dó, ấn triện để tìm hiểu thêm về thư pháp.

Jean cho rằng, thư pháp đã giúp anh nuôi dưỡng tâm hồn. Để có một bức thư pháp đẹp, người viết cần đặt cảm xúc vào nét chữ, như vậy nét chữ mới bay bổng, liền mạch. “Tôi được học rằng ông đồ không chỉ cho đi chữ viết mà thông qua đó trao gửi những giá trị tinh thần, mang đến lời chúc tốt lành. Nhờ thư pháp, đời sống tinh thần tôi thêm phong phú. Tôi hiểu thêm về cái đẹp và cảm giác được bình an, thư thái trong lòng", Jean chia sẻ.

“Ông đồ Tây” Jean Sébastien Grill:

Jean Sébastien Grill cho chữ tại Học viện Y Dược học Cổ truyền ILMTC ở Pháp, tháng 6/2022 (Ảnh: NVCC)

Giới thiệu văn hóa Việt đến với người dân Pháp

Giữa năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Jean Sébastien và vợ con về nước. Tận dụng quãng thời gian này, Jean đã tích cực giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt đến với người dân Pháp. Ngoài giờ làm việc, anh kiên trì rèn luyện và viết chữ gửi tặng người thân, bạn bè mình ở Pháp cùng những người Việt đang sinh sống ở đây.

“Gần nhà tôi ở Pháp có một ngôi chùa của Việt Kiều. Những dịp lễ, tết tôi thường đến đây cho chữ. Nhiều người Việt ở Pháp bày tỏ sự xúc động, niềm hạnh phúc khi được nhận câu đối đỏ. Tình cảm của họ khiến tôi càng có thêm động lực để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Khi đã thành thạo viết chữ quốc ngữ, tôi muốn tìm hiểu về các tranh chữ trừu tượng hơn, thể hiện được nội tâm người viết”, Jean nói.

Bên cạnh thư pháp, chàng trai Pháp tích cực tham gia luyện tập võ cổ truyền Việt Nam cùng cộng đồng Việt Kiều tại Pháp. Anh coi việc học hỏi, gìn giữ văn hóa Việt Nam là sứ mệnh của mình: “Tại Pháp và Việt Nam, cuộc sống đang thay đổi rất nhanh, xã hội ngày càng hiện đại. Sẽ rất đáng tiếc nếu không có ai tiếp tục duy trì những giá trị của thế hệ trước. Là một người Pháp yêu Việt Nam, tôi tự cảm thấy mình có sứ mệnh học hỏi thật nhiều về văn hóa Việt Nam và giới thiệu với người Pháp.”

Jean Sébastien Grill và vợ sẽ trở lại Pháp vào tháng 2/2023. Với kinh nghiệm tham gia hội chữ xuân tại Văn Miếu năm nay, anh mong muốn có thể giới thiệu thư pháp Việt Nam tại Pháp, mở lớp dạy thư pháp cho những người yêu nghệ thuật, góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Khi được hỏi về dự định quay lại Việt Nam sinh sống, Jean Sébastien trả lời: “Dù không chắc khi nào sẽ trở lại Việt Nam sinh sống, nhưng tôi đã sớm coi đây là quê hương thứ hai của mình”.

Theo thoidai