leftcenterrightdel
Pakistan là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Ảnh:New York Times

Khi nhiệt độ tăng vọt ở miền Nam Pakistan, số người thiệt mạng cũng gia tăng. Theo Dịch vụ xe cấp cứu Edhi, thông thường có khoảng 30-40 thi thể được đưa đến nhà xác ở thành phố Karachi mỗi ngày.

Tuy nhiên, chỉ trong 6 ngày qua, dịch vụ này vận chuyển 568 thi thể, trong đó có 141 thi thể riêng trong ngày 25/6.

Nắng nóng quá mức chịu đựng

Vẫn còn quá sớm để công bố chính xác nguyên nhân của từng ca tử vong, nhưng số người chết tăng vọt trong những ngày nhiệt độ ở Karachi vượt ngưỡng 40 độ C. Độ ẩm cao khiến mức nhiệt cảm nhận tương đương 49 độ C.

Số ca nhập viện cũng gia tăng.

Bệnh viện Karachi tiếp nhận 267 bệnh nhận sốc nhiệt ngày 23-26/6, trong đó 12 người tử vong, bác sĩ Imran Sarwar Sheikh, trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện cho biết.

“Hầu hết bệnh nhân nhập viện đều ở độ tuổi 60 hoặc 70, mặc dù có một số khoảng 45 và thậm chí một cặp vợ chồng ở độ tuổi 20”, bác sĩ Sheikh nói với BBC:

Các bệnh nhân có triệu chứng ói mửa, tiêu chảy và sốt cao.

“Nhiều người trong số đó phải làm việc ngoài trời. Chúng tôi đã khuyến nghị họ đảm bảo uống nhiều nước và mặc quần áo nhẹ ở nhiệt độ cao này”.

 
leftcenterrightdel
 Các chuyên gia y tế khuyến nghị cư dân ở vùng sóng nhiệt cố gắng bổ sung nước. Ảnh:New York Times. 

Đợt nhiệt độ tăng cao - được một nhà khí tượng học mô tả là "đợt sóng nhiệt một phần" - bắt đầu vào cuối tuần qua.

Các trung tâm và trại chống nắng nóng đã được thành lập để cố gắng cứu trợ người dân.

"Anh ấy nhờ lấy một ly nước, rồi ngã gục"

“Hãy nhìn tôi đây! Quần áo của tôi ướt đẫm mồ hôi”, Mohammad Imran nói với hãng tin Reuters khi anh cố gắng chống chọi với nắng nóng hôm 24/6.

Không phải tất cả những người cần trợ giúp trong nắng nóng đều có thể đến bệnh viện kịp thời.

Wasim Ahmed cảm thấy không khỏe khi về đến nhà. Nhân viên bảo vệ 56 tuổi này vừa kết thúc ca trực đêm kéo dài 12 giờ bên ngoài. Về nhà khi nắng đã tắt, anh vẫn thấy nhiệt độ quá cao.

Ông Adnan Zafar, em họ của ông Wasim, nói với BBC: “Anh ấy bước qua cửa và nói rằng ‘tôi không thể chống chọi nổi với thời tiết nóng nực này’. Anh ấy nhờ lấy một ly nước, rồi ngã gục”.

Tới khi gia đình Wasim đưa ông đến bệnh viện, các bác sĩ nói rằng ông đã qua đời, nghi do đau tim.

Ông Adnan cho biết anh họ ông mắc bệnh tim, nhưng trước đó ông ấy chưa từng chịu nắng nóng tới mức đó.

Cắt điện thường xuyên

Một số người lo ngại nỗ lực chống chọi với nhiệt độ cao của cư dân Karachi khó khăn hơn do cắt điện thường xuyên, khiến quạt và máy lạnh không thể hoạt động.

Muhammad Amin, ở độ tuổi 40, nằm trong số những người phải chịu đựng tình trạng cắt điện như vậy.

Người thân của anh cho biết căn hộ của họ thường xuyên bị cắt điện.

Theo gia đình, Muhammad đột nhiên bị bệnh rồi qua đời.

Nguyên nhân tử vong chưa được xác định nhưng gia đình anh nghi ngờ có liên quan đến nắng nóng.

Theo tờ Dawn, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy gần 30 người thiệt mạng trên đường phố thành phố Karachi.

Nhiều nạn nhân được cho là nghiện ma túy, bác sĩ quân y Summaiya Syed nói với truyền thông địa phương. Tuy nhiên, họ không có bất kỳ dấu hiệu chấn thương nào.

Karachi không phải nơi duy nhất của Pakistan ghi nhận nhiệt độ cao trong thời gian dài. Đây là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.

Tháng trước, tỉnh Sindh ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 52,2 độ C.

Các nước láng giềng cũng đang trải qua đợt nóng đỉnh điểm.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang hứng đợt nóng chưa từng có, với mức nhiệt hàng ngày vượt 40 độ C, có lúc lên đến gần 50 độ C.

Các bác sĩ ở thành phố này cho biết trước đây họ chưa bao giờ chứng kiến tình trạng tương tự.

Đối với Mohammad Zeshan, một cư dân Karachi, ông không nghi ngờ về nguyên nhân của tình trạng ngày.

Ông nói với Reuters: “Rõ rằng do biến đổi khí hậu”.

“Điều này đang xảy ra trên khắp thế giới. Nó xảy ra ở châu Âu. Lục địa này đã phải đối mặt với nắng nóng dữ dội nhưng họ đã thực hiện các bước để giải quyết vấn đề đó”

“Nhưng ở đây, thật đáng buồn là chưa có bất kỳ biện pháp hiệu quả nào”.

Các chuyên gia đồng tình rằng những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này đang trở nên thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu.

Đợt nắng nóng thiêu đốt Karachi dự kiến kéo dài sang tuần tới, mặc dù dự báo nhiệt độ sẽ thấp hơn một chút.

Theo các chuyên gia bình luận với Dawn, giới chuyên gia thời tiết đang chuyển sự chú ý sang gió mùa, dự kiến đến sớm và mang theo lượng mưa nhiều hơn tới 60%.

Theo lifestyle.znews