Tro than còn lại từ vụ cháy nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: NYT
Đây là thông tin từ báo cáo đặc biệt của báo New York Times (NYT) ngày 14-9 sau khi tiếp cận nhiều số tài liệu mật, cảnh báo của thanh tra lao động, báo cáo của cảnh sát và kết quả kiểm tra về lượng chì đã được Bộ Văn hóa Pháp công bố.
Chì có trong kết cấu của phần tháp vút và mái nhà thờ. 5 tháng sau vụ cháy, nhà chức trách Pháp vẫn chưa công bố đầy đủ kết của kiểm tra nhiễm độc chì, thậm chí còn khiến người dân hoang mang hơn khi đưa ra những tuyên bố trấn an kêu gọi không quá lo lắng về các nguy cơ.
Theo điều tra của NYT, nhà chức trách đã thiếu sót trong việc cảnh báo công chúng kịp thời và đầy đủ về các rủi ro sức khoẻ. Theo các tài liệu, 48 giờ sau vụ cháy, nhà chức trách đã biết phơi nhiễm chì có thể là vấn đề lớn sau vụ cháy.
Tuy nhiên, đến một tháng sau chính quyền thành phố mới công bố các kết quả kiểm tra đầu tiên ở một trường học gần nhà thờ. Đến nay, chính quyền cũng không kiểm tra lượng chì ở tất cả các trường học có thể bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.
Một trường học gần khu vực Nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: NYT
Lượng bụi chì tích lũy ở gần nhà thờ lên đến 1.300 lần mức khuyến cáo về an toàn.
Theo các kiểm nghiệm, chì phát tán khắp trung tâm Paris, vượt ngưỡng ở 18 điểm giữ trẻ và trường học. Ở nhiều địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm, đường phố, nhà chức trách ghi nhận lượng chì cao gấp 60 lần chuẩn an toàn.
Theo phân tích của NYT, khoảng hơn 6.000 trẻ em và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi sống trong phạm vi gần 1km tại các vị trí có lượng chì vượt ngưỡng.
Mức nhiễm độc cao nhất, theo báo cáo mật của Bộ Văn hoá Pháp, có ở nhiều điểm trong và gần nhà thờ. Tuy nhiên, nhà chức trách đã không hoàn thành việc vệ sinh tẩy độc khu vực này ngay sau vụ cháy mà mất đến 4 tháng sau mới hoàn thành.
Nhiễm độc chì trong đất tại các bãi đậu xe cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Du khách trên đường Cloître-Notre-Dame 4 tháng sau vụ cháy, nơi này vẫn còn đang khử độc chì - Ảnh: NYT
Chì là một độc chất tích lũy gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể và đặc biệt gây hại cho trẻ nhỏ. Có tới 600.000 trường hợp nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ gây dị tật trí não ở trẻ mỗi năm trên thế giới và 143.000 trường hợp tử vong mỗi năm do nhiễm độc chì, đa số ở khu vực đang phát triển.
Chì trong cơ thể được phân bố ở não, gan, thận và xương. Nó được tích trữ trong răng và xương theo thời gian. Phơi nhiễm chì ở người được đánh giá qua lượng chì trong máu và chưa có mức độ phơi nhiễm chì nào được xem là an toàn.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do nhiễm độc chì ở mức độ nghiêm trọng và lâu dài, đặc biệt là trong sự phát triển trí não và hệ thần kinh. Chì cũng có thể gây tác hại lâu dài ở người lớn, như tăng nguy cơ huyết áp cao và suy thận. Nhiễm độc chì ở phụ nữ mang thai với mức cao có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và nhẹ cân, cũng như các dị tật nhỏ.
Các nguồn gây ô nhiễm chì gồm khai thác mỏ, luyện kim, các hoạt động sản xuất và tái chế, sử dụng sơn pha chì, xăng pha chì. Chì được sử dụng cho nhiều sản phẩm như bột màu, sơn, hàn, kính màu, bình pha lê, đạn, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi và trong một số mỹ phẩm và các loại thuốc truyền thống. Nước uống từ các đường ống chứa chì cũng có thể nhiễm chì.
Theo tuoitre