Phân biệt đối xử tại Ấn Độ: Chỉ có 25% phụ nữ được làm việc bên ngoài
Cập nhật lúc 23:57, Thứ năm, 15/09/2022 (GMT+7)
Theo báo cáo của tổ chức từ thiện Oxfam hôm 14/9, tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ tham gia vào lực lượng lao động của đất nước hiện đang ở mức rất thấp, chủ yếu là do sự phân biệt giới tính.
|
|
Năm 2021, chỉ có 25% phụ nữ Ấn Độ tham gia vào lực lượng lao động chính thức |
Theo dữ liệu của chính phủ liên bang Ấn Độ, năm 2021, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động chính thức ở nước này chỉ đạt 25%, đây là mức thấp nhất trong số các nền kinh tế mới nổi.
Theo báo cáo phân biệt đối xử tại Ấn Độ năm 2022, dựa trên dữ liệu của chính phủ cũng như nghiên cứu của riêng Oxfam, để phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, chính phủ Ấn Độ cần có các biện pháp khuyến khích về trả lương, đào tạo cho phụ nữ, và yêu cầu các nhà tuyển dụng tăng cường sử dụng lao động nữ.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng, nếu một người đàn ông và một phụ nữ có cùng xuất phát điểm như nhau, thì người phụ nữ sẽ bị phân biệt đối xử trong lĩnh vực kinh tế, và sẽ bị thua kém về mức đãi ngộ cũng như quá trình phát triển nghề nghiệp”, Amitabh Behar - Giám đốc điều hành của Oxfam Ấn Độ - cho biết.
Theo báo cáo, về nguyên nhân bất bình đẳng trong việc làm mà phụ nữ Ấn Độ đang phải đối mặt, có đến 98% là do bị phân biệt đối xử vì giới tính. 2% còn lại là do trình độ học vấn hoặc kinh nghiệm làm việc.
Trong tháng 8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã yêu cầu các bang áp dụng chế độ làm việc theo thời gian linh hoạt để giữ chân phụ nữ trong lực lượng lao động, đồng thời nói rằng đất nước có thể đạt được các mục tiêu kinh tế nhanh hơn nếu tận dụng tốt “sức mạnh của phụ nữ”.
Báo cáo của Oxfam cũng cho thấy, một bộ phận khá đông phụ nữ Ấn Độ đủ điều kiện để tham gia các công việc bên ngoài không muốn làm điều này vì “trách nhiệm gia đình” cũng như phải tuân theo các chuẩn mực xã hội.
Theo phụ nữ TPHCM