Một điểm tiêm chủng tại quận Hải Điện, Bắc Kinh. Nguồn: Tân Hoa xã.

Trung Quốc

Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc đang phải vật lộn với một đợt dịch cộng đồng được mô tả là lây lan rộng nhất và nghiêm trọng nhất sau Vũ Hán do biến thể Delta gây ra, nhưng rõ ràng với kinh nghiệm dập dịch nhanh và nguồn cung vaccine dồi dào, kinh tế nước này vẫn được dự báo là sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm dù có chững lại so với đầu năm, với tốc độ tăng trưởng khoảng 8%, cao hơn mục tiêu chính thức là trên 6%.

Càng khi dịch cộng đồng bùng phát, tốc độ tiêm vaccine ở Trung Quốc càng được đẩy nhanh. Các cột mốc 100 triệu liều thường đạt được chỉ trong khoảng 1 tuần. Kỷ lục mới nhất vừa được thiết lập khi nước này chỉ mất có 4 ngày để nâng tổng số liều tiêm từ 1,6 tỷ liều của ngày 30/7 lên 1,7 tỷ liều vào ngày 3/8.

Tốc độ tiêm nhanh chóng đã khiến hàng loạt các tỉnh, thành ở Trung Quốc đạt tỷ lệ tiêm chủng lên tới 80%, mức cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Ví dụ, tỉnh Hải Nam, miền Nam nước này đã hoàn thành đầy đủ 2 mũi tiêm cho 88,5% người trên 18 tuổi từ hôm 30/6, trong khi con số này trên toàn bộ dân số là 67,8%. Tỷ lệ này ở thành phố trực thuộc trung ương Thiên Tân, ngay sát Bắc Kinh cũng là 85% và trên 70%. Trong khi Bắc Kinh cũng đã có 90,61% số người trên 18 tuổi hoàn thành đủ cả 2 mũi tiêm tính đến 20/7.

Hiện Trung Quốc đang tăng tốc tiêm chủng cho đối tượng học sinh từ 12 đến 17 tuổi trước khi bước vào năm học mới. Vaccine của Sinopharm và Sinovac là những loại được sử dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc trong chiến dịch tiêm chủng ở các lứa tuổi. Trong đó, vaccine của Sinopharm đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc đăng ký lưu hành tại 87 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế trên thế giới, hơn 100 quốc gia có nhu cầu mua vaccine của hãng này và người dân đến từ 196 quốc gia đã tiêm vaccine này.

Đây cũng là loại vaccine đầu tiên của Trung Quốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng khẩn cấp và được cấp giấy chứng nhận GMP hay tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt của Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, ngoại giao đoàn và người nước ngoài ở Bắc Kinh chủ yếu được tiêm loại vaccine này, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ngoài Trung Quốc phê duyệt vaccine của Sinopharm cho đối tượng từ 3 đến 17 tuổi.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc cải thiện tỷ lệ tiêm chủng cho toàn bộ dân số, là điều quan trọng để hạn chế sự tràn lan của biến thể Delta vốn dễ lây hơn, cũng như các biến thể mới của SARS-CoV-2 trong tương lai. Khi biến thể Delta tràn lan trên toàn cầu, cần phải xây dựng hàng rào miễn dịch thông qua tiêm chủng hàng loạt. Điều này rất quan trọng để tránh các biến thể tiếp theo của virus.

Tích cực tài trợ vaccine

Trong khi đẩy mạnh tiêm chủng trong nước nhằm thiết lập “Trường Thành miễn dịch”, Trung Quốc đã không quên viện trợ và xuất khẩu vaccine Covid-19 – “vũ khí uy lực” để ngăn chặn đại dịch trên toàn cầu và cũng là công cụ đắc lực để nước này tăng cường vị thế, cải thiện hình ảnh - ra thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Ngay từ tháng 5/2020, khi Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây vẫn đang bị đại dịch bủa vây, Trung Quốc đã cam kết chia sẻ vaccine Covid-19 với các nước. Sau khi xúc tiến hỗ trợ vaccine cho nhiều nước qua thỏa thuận thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, điển hình như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Chile hay Indonesia, các đợt vaccine của Trung Quốc đã liên tục được đưa tới các quốc gia đang phát triển ở châu Mỹ La tinh, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á và cả một số quốc gia Trung Đông Âu.

Sở dĩ Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bởi đây là những nước bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến giành giật vaccine và có thể gặp khó khăn khi dự trữ vaccine siêu lạnh như Pfizer.

Theo số liệu mới do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công bố ngày 3/8 tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3, đến nay, nước này đã cung cấp hơn 750 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước và sẽ tiếp tục cung cấp 110 triệu liều cho Cơ chế Tiếp cận vaccine Toàn cầu (COVAX) trong 4 tháng tới.

Như chúng ta đã biết, Bắc Kinh từ lâu vẫn coi việc đóng góp cho hệ thống y tế toàn cầu là cơ hội để nâng cao sức mạnh mềm. Do vậy, việc tích cực viện trợ và xuất khẩu vaccine Covid-19 có lợi cho ngoại giao của Trung Quốc. Sự hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vaccine có thể giúp Trung Quốc nâng cao vị thế trên trường quốc tế, củng cố sức mạnh mềm và hồi sinh việc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ở châu Âu, Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho các nước như Serbia và Hungary. Đây được coi như một chiến thắng địa chính trị quan trọng ở Trung Âu và Balkan - nơi phương Tây, Trung Quốc và Nga đang cạnh tranh để giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế.

Bên cạnh đó, việc cung cấp vaccine cũng giúp xoa dịu bất đồng giữa Bắc Kinh và một số quốc gia, trong đó Philippines, nơi Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ là một ví dụ. Sau khi Tổng thống Philippines Duterte đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ trong vấn đề vaccine, Bộ Ngoại giao nước này lập tức tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Philippines trong việc ưu tiên tiếp cận. Lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra những đề nghị tương tự tại châu Phi, Mỹ Latin, Caribe, Trung Đông và Nam Á, trong khi đây đều là những khu vực Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

Mỹ

So với Nga và Trung Quốc, Mỹ dường như xuất phát chậm hơn trong câu chuyện ngoại giao vaccine. Tuy vậy, Mỹ đã cho thấy quyết tâm dẫn đầu cuộc đua này với các cam kết chia sẻ vaccine khổng lồ. Nếu 6 tháng đầu năm 2021 được coi là “thời điểm vàng” để Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao vaccine, thì nửa sau năm 2021 có thể chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục trong cuộc đua này với sự bứt phá mạnh mẽ của Mỹ với nguồn cung vaccine dồi dào của mình.

Mặc dù là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, ngay khi tình hình dịch bệnh tiến triển tích cực nhờ kế hoạch tiêm chủng vaccine được triển khai nhanh, Mỹ đã bắt tay vào kế hoạch “tái xuất” vai trò toàn cầu. Một loạt các kế hoạch chia sẻ vaccine lên tới hàng trăm triệu liều đã được Mỹ công bố và Mỹ cũng đã huy động các đồng minh và đối tác cùng tham gia nỗ lực của mình và đây có thể được coi là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu tổng thể của Mỹ để dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến đánh bại Covid-19.

Những động thái của Mỹ giống như dấu hiệu thông báo thời điểm vàng của Trung Quốc đã chấm dứt và một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden là giành lại vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, và chiến lược ngoại giao vaccine đang giúp Washington đến gần hơn với mục tiêu này. Đối với Mỹ, chính sách ngoại giao vaccine được xem là cơ hội để xóa bỏ những hoài nghi về vai trò toàn cầu của cường quốc hàng đầu thế giới, đồng thời cách thức triển khai ngoại giao vaccine của Washington đang dần làm lu mờ đối thủ.

Tổng thống Biden từng tuyên bố: việc viện trợ vaccine của Mỹ không bao gồm áp lực đòi hỏi sự ủng hộ hay nhượng bộ và Mỹ đang làm điều này để cứu sống người dân và chấm dứt đại dịch. Tuyên bố này được thể hiện rõ khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích chính sách vaccine của Trung Quốc và gọi đây là sợi dây ràng buộc khi liên quan tới vấn đề chính trị hay địa chính trị. Những tuyên bố này nhằm nêu bật sự khác biệt trong cách tiếp cận ngoại giao vaccine giữa Mỹ và Trung Quốc với mục đích làm rõ mục tiêu dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến đánh bại Covid-19.

Thúc đẩy trên bình diện song phương và đa phương

Vấn đề ngoại giao vaccine của Mỹ đã được thể hiện rõ trên các bình diện cả song phương và đa phương với tinh thần dẫn dắt và chia sẻ với các quốc gia trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tháng 6/2021, Tổng thống Biden đã cam kết mua nửa tỷ liều vaccine của hãng Pfizer để cung cấp cho sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX, bắt đầu từ tháng 8, từ đó phân phối tới hơn 90 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.

Tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 cho trẻ em tại Mỹ ngày 12/4. Ảnh: Reuters.

Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trực tuyến ASEAN-Mỹ đầu tháng 7, chủ đề vaccine một lần nữa trở thành trọng tâm mà phía Washington muốn nhấn mạnh. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chia sẻ, Mỹ đã tài trợ 2 tỷ USD trong số 4 tỷ USD đã cam kết cho COVAX quản lý để cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia ASEAN.

Bên cạnh đó, Washington cũng dành 96 triệu USD cho ASEAN tăng cường năng lực chống dịch Covid-19. Khi Indonesia vật lộn đối phó với dịch bệnh thì Mỹ ngay lập tức đưa ra những cam kết hỗ trợ nước này. Ngay đầu tháng trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thông báo chuyển 4 triệu liều vaccine Moderna cho Indonesia "càng sớm càng tốt" thông qua cơ chế COVAX bên cạnh các hỗ trợ khác.

Mới đây nhất, trong chuyến công du cuối tháng 7 tới Ấn Độ, một đối tác quan trọng của Mỹ ở châu Á, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh vấn đề hợp tác vaccine với lãnh đạo nước chủ nhà. Phía Mỹ đến nay viện trợ vaccine cho gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ và nhu cầu của các nước đối với nguồn vaccine từ Mỹ hiện rất lớn. Chính vì vậy, vaccine luôn là một trong những chủ đề chính trong các chuyến công du gần đây của các quan chức Nhà Trắng và đó chính là một phần của chính sách ngoại giao vaccine của Washington hiện nay.

Châu Âu

Đối với Liên minh châu Âu (EU), chiến lược vaccine ngay từ đầu đã được xây dựng một cách tổng thể cho toàn bộ khối, từ việc Ủy ban châu Âu đứng ra đàm phán mua vaccine cho cả 27 nước thành viên cho đến việc Ủy ban châu Âu sẽ đề ra cơ chế phân phối. Chiến lược này được EU rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng vật tư, thiết bị y tế đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tàn phá châu Âu khiến các nước thành viên EU tranh giành các hợp đồng mua khẩu trang, máy thở.

Do đó, khi xây dựng được một cơ chế chung, EU sẽ tránh được việc các nước thành viên cạnh tranh lẫn nhau trong việc mua vaccine ngừa Covid-19. Ngoài ra, việc cả 27 nước EU cùng đặt mua vaccine sẽ giúp khối này được ưu tiên mua những đơn hàng lớn, giá ưu đãi hơn và việc đàm phán các điều khoản pháp lý với các hãng dược phẩm cũng sẽ có trọng lượng hơn. Mặc dù điều này cũng khiến EU triển khai việc tiêm vaccine chậm hơn Anh nhưng cho đến nay, chiến lược này đang phát huy tác dụng.

Đối với việc phân phối vaccine trong nội bộ, vào tháng 01/2021, Liên minh châu Âu đã xây dựng một cơ chế phân phối vaccine rất chặt chẽ, dựa trên nguyên tắc quan trọng nhất là dân số, tức số liều vaccine mà mỗi quốc gia thành viên nhận được sẽ tương ứng với tỷ lệ dân số của nước đó. Tuy nhiên, hàng tuần chính phủ các nước thành viên EU sẽ phải báo cáo hai lần cho Ủy ban châu Âu về việc đã nhận được bao nhiêu vaccine và nếu không có nhu cầu dùng loại vaccine nào thì phải trả lại ngay lập tức cho Ủy ban châu Âu và số liều bị trả lại này sẽ được chia đều cho các nước khác.

Các nước cũng có thể tự đàm phán các hợp đồng riêng rẽ với các hãng dược nhưng khi đó sẽ phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý khi có sự cố. Một số nước như Hungary đã mua riêng vaccine Sputnik của Nga hay Sinopharm của Trung Quốc, hay Áo đã đàm phán riêng với Israel.

Nhìn chung, chiến dịch tiêm vaccine của châu Âu cho đến nay đang diễn ra suôn sẻ. Nguồn vaccine được EU đặt hàng rất lớn, cung cấp đều đặn cho các nước và tỷ lệ tiêm vaccine trong dân chúng cũng rất cao. Có thể nói, EU đã rút được kinh nghiệm từ đầu đại dịch và tránh được cảnh cạnh tranh, giành giật lẫn nhau giữa các nước thành viên.

Bài toán về phân bổ vaccine

Liên minh châu Âu có khoảng 365 triệu dân trong độ tuổi đủ điều kiện tiêm vaccine và cho đến thời điểm này, EU đã nhận được trên 500 triệu liều vaccine các loại, đủ tiêm cho 70% dân số trưởng thành. Tổng số vaccine mà EU đã đặt hàng với các hãng dược phẩm lên tới khoảng 2,6 tỷ liều, tức về lâu dài thì việc phân bổ vaccine trong khối sẽ không gặp trở ngại nào, các nước thành viên EU đều sẽ có dư nguồn cung vaccine trong dài hạn. Tuy nhiên, về mặt trợ giúp vaccine cho các nước khác trên thế giới thì Liên minh châu Âu đang thể hiện kém hơn nhiều so với các nước như Mỹ hay Nhật Bản.

Về mặt cam kết, Ủy ban châu Âu đã hứa hẹn sẽ tài trợ ít nhất 200 triệu liều vaccine cho các nước có nhu cầu từ nay đến hết năm 2021. Tuy nhiên, số lượng vaccine thực tế mà EU đã gửi cho các nước hiện rất thấp. Mặc dù Ủy ban châu Âu không công bố con số nhưng một tài liệu rò rỉ cách đây 2 tuần cho thấy, EU mới chỉ tài trợ trên 4 triệu liều cho các nước, tức chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5 so với Mỹ.

Mặc dù cam kết rất mạnh nhưng Ủy ban châu Âu cũng không đưa ra một lịch trình cụ thể nào cho việc tài trợ vaccine hay đối tượng được tài trợ. Các loại vaccine được EU tài trợ chủ yếu là AstraZeneca và Johnson&Johnson, tức hai loại vaccine cực kỳ ít được sử dụng tại các nước EU. Vì thế, có thể nói EU đang đi sau nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc trong chiến lược ngoại giao vaccine và khối này cũng bị chỉ trích khá nhiều về sự thiếu đoàn kết, thiếu trợ giúp các nước đang gặp khó khăn vì đại dịch tại châu Á, châu Phi. Một số nước thành viên EU cũng đưa ra nhiều cam kết tài trợ vaccine, như Pháp cam kết tài trợ 60 triệu liều, Đức cam kết 33 triệu liều thông qua cơ chế COVAX nhưng giữa lời hứa và hành động vẫn đang có rất nhiều bất cập./.

Theo vov