leftcenterrightdel
 Sinh viên Lào tụng kinh tiếng Việt tại chùa Tam Bảo (Đà Nẵng). (Ảnh: Đại đức Thích Pháp Hiếu)

Yên bình nơi cửa Phật

Ngày 14/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Đà Nẵng họp triển khai Chương trình ở nhà dân (homestay) dành cho sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố năm 2023.

Là hoạt động thường niên, chương trình năm 2023 kéo dài 3 tuần (từ ngày 26/11/2023 đến hết ngày 10/12/2023) nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Lào trao đổi ngôn ngữ, tìm hiểu văn hoá Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng. Hoạt động nhằm giúp các lưu học sinh hoà nhập với cuộc sống cộng đồng địa phương. Đồng thời, thông qua các hoạt động góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Tại Chương trình ở nhà dân đợt này, Chùa Tam Bảo (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) tiếp nhận 8 sinh viên Lào trong tổng số 147 em. Trong đó có 4 nhà sư Lào được nhà chùa hỗ trợ học bổng toàn phần gồm: nơi ăn chốn ở tại chùa, học phí, sách vở, phương tiện học tập và đi lại; 4 sinh viên Phật tử Lào được hỗ trợ ăn ở, phương tiện đi học trong thời gian lưu trú tại chùa.

Đại đức Thích Pháp Hiếu, trụ trì chùa Tam Bảo, thành viên Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Đà Nẵng, Phó Chánh văn phòng Ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Nhà chùa thường xuyên quan tâm, động viên các Phật tử Lào về chùa sinh hoạt giữ gìn truyền thống văn hoá Phật giáo như: đi chùa lễ Phật vào các dịp cuối tuần; thọ trì tam quy ngũ giới; buộc chỉ cổ tay; học tiếng Việt thông qua việc tụng kinh tiếng Việt; trao đổi học Phật pháp bằng tiếng Việt; nấu cơm xôi đặt bát chư tăng; làm công quả tích phúc đức, sống hạnh hiền trí từ bi trí tuệ nhờ vào việc tu dưỡng Phật Pháp, qua đó tăng cường tình cảm yêu thương, gắn kết đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam - Lào".

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, 15 năm nay chùa Từ Lâm (phường Thủy Xuân, Thành phố Huế) là điểm đến quen thuộc của các lưu học sinh Lào đang học tập trên địa bàn tỉnh vào mỗi dịp Tết cổ truyền Bunpimay.

Trong không khí đầm ấm, vui tươi, Hòa thượng Thích Huệ Phước, trụ trì chùa Từ Lâm thực hiện lễ tắm Phật, buộc chỉ cổ tay và chúc Tết các sinh viên Lào nhằm nguyện cầu một năm mới đầy an lành, thành đạt, mong cho cuộc sống người dân được ấm no hạnh phúc, thế giới được thanh bình, thịnh vượng. Bên cạnh đó, để cho sinh viên Lào biết thêm về văn hóa Tết cổ truyền của người Việt, các sư thầy đã lì xì mừng tuổi cho các em.

Gần nhau bằng phong tục tập quán, lễ nghi

Hòa thượng Thích Huệ Phước cho biết: ông đã nhiều lần sang Lào, tiếp xúc với người dân nước bạn và luôn cảm nhận được sự chân tình, gần gũi của những con người nơi đây. Ông được đón Tết Bunpimay cùng các bộ tộc Lào, cùng những người con dân Việt đang sinh sống gần đường biên giới Việt - Lào hòa mình vào những ngày Tết cổ truyền. Ở cố đô Huế, mỗi năm có gần 500 lưu học sinh, sinh viên Lào qua học. Vào dịp Tết cổ truyền, chùa Từ Lâm thường tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho các em sinh viên Lào xa quê, giúp các em phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà, cảm nhận sự ấm áp và không khí Tết ngay tại đất nước Việt Nam.

Chùa Phổ Minh (quận Gò Vấp, TP.HCM) dưới sự trụ trì của Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cũng có nhiều hoạt động thiết thực góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, tôn giáo Việt Nam - Campuchia. Nhà chùa nhận đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia; tổ chức cho các em giao lưu, gặp mặt; tặng quà và tổ chức những bữa cơm thân mật, cầu nguyện cho các em được bình an, đất nước thanh bình, xã hội phát triển.

leftcenterrightdel
Hòa thượng Thích Thiện Tâm cùng các hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhận đỡ đầu các sinh viên Campuchia đang học tại TP.HCM năm 2022. (Ảnh: Ngô Trần) 

Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (thành phố Cần Thơ), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Cần Thơ cũng nhận đỡ đầu nhiều lưu học sinh Campuchia học tập tại các trường đại học ở Cần Thơ. Không chỉ tạo điều kiện về chỗ ăn ở, sinh hoạt để các em yên tâm học tập tốt, nhà chùa thường đứng ra giúp đỡ các lưu học sinh thông qua các lễ hội của Phật Giáo Nam tông Khmer như Chol Chnam Thmay, Sene Đôlta, qua đó trao quà, học bổng cho các em.

"Chúng tôi mời các em đến điểm sinh hoạt, 1-2 tháng/lần, để giao lưu, lắng nghe nguyện vọng của các em, để các em gần gũi chùa chiền, các gia đình Việt. Từ đó, các em sớm hòa nhập được với văn hóa, phong tục tập quán, lễ nghi Việt Nam; giao lưu với sinh viên Việt Nam", Thượng tọa Lý Hùng cho biết.

Những hoạt động trên đã góp phần khẳng định vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tăng cường và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào, Campuchia nói riêng và các nước nói chung. Đồng thời góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về lịch sử, tín ngưỡng văn hóa, tôn giáo, đất nước và con người Việt Nam; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam.

Theo thoidai