A tourist's guide to love (tựa Việt: Bí kíp tình yêu của một du khách) là bộ phim nước ngoài đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép quay tại Việt Nam kể từ sau khi nước ta khống chế thành công đại dịch Covid-19. Phim do Netflix đầu tư sản xuất và phát hành, vừa lên sóng Netflix hôm 21.4.2023. 90% cảnh quay của A tourist's guide to love được thực hiện tại nước ta, với bối cảnh trải dài từ Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM, Hà Giang. Ngoài các diễn viên Mỹ, A tourist's guide to love còn có sự tham gia của NSƯT Lê Thiện và Quinn Trúc Trần.

Phim Mỹ quay tại Việt Nam ‘A tourist’s guide to love’: Còn gì ngoài cảnh đẹp? - Ảnh 1.

A tourist's guide to love khắc họa chuyến du lịch "chữa lành" của Amanda Riley

NETFLIX

Bộ phim xoay quanh câu chuyện của Amanda Riley (Rachael Leigh Cook) - giám đốc điều hành một công ty du lịch phong cách "sang chảnh" mang tên Tourista. Để vơi đi nỗi buồn vừa chia tay người yêu gắn bó 5 năm, Amanda chấp nhận lời đề nghị của sếp lớn - làm khách du lịch đến Việt Nam, khảo sát một công ty du lịch địa phương mà Tourista đang có ý định mua lại.

Bằng cách mở lòng với những người lạ, dấn thân vào những trải nghiệm mới, dù nhỏ, như học cách băng qua đường, ăn thử sầu riêng, thả hoa đăng cầu nguyện… Amanda như tìm thấy một phần bản ngã giấu kín của cô bấy lâu. Cũng trong chuyến chu du "chữa lành" này, Amanda gặp gỡ và đem lòng cảm mến chàng hướng dẫn viên người Việt Sinh (Scott Ly). Một tình yêu mới là cái cớ hoàn hảo để gác lại những tổn thương trong quá khứ, lật giở cuộc đời sang một trang mới.

Phim Mỹ quay tại Việt Nam ‘A tourist’s guide to love’: Còn gì ngoài cảnh đẹp? - Ảnh 2.

Trở lại với điện ảnh sau Chàng vợ của em, Quinn Trúc Trần khó lòng tỏa sáng với một nhân vật bị xây dựng nhạt nhòa, nông cạn như Anh trong A tourist's guide to love

NETFLIX

Phim Mỹ quay tại Việt Nam ‘A tourist’s guide to love’: Còn gì ngoài cảnh đẹp? - Ảnh 3.

A tourist's guide to love có kịch bản lủng củng và hời hợt nên mọi thứ đều thiếu thuyết phục

NETFLIX

Nhìn chung, A tourist's guide to love là một bộ phim rom-com (tình cảm lãng mạn) có mô-tuýp an toàn. Một chàng trai và một cô gái với xuất thân, quan niệm khác biệt gặp gỡ nhau tại "vùng đất lạ". Thông qua những trải nghiệm vượt ra khỏi vùng an toàn, họ dần thấu hiểu và đem lòng yêu nhau. Cấu trúc của A tourist's guide to love cũng chẳng khác mấy một quyển sách hướng dẫn tour du lịch, khi các nhân vật lần lượt đi qua các địa điểm nổi tiếng, danh lam thắng cảnh Việt Nam.

Phim duy trì được bầu không khí dễ chịu, tích cực khi đưa người xem lên hành trình du lịch đó đây của nữ chính. Đạo diễn cũng có dụng tâm đưa lên màn ảnh những hình ảnh đẹp của Việt Nam. Tuy nhiên, nó lại chẳng mang chất điện ảnh mà giống như một thước phim quảng cáo, quảng bá du lịch mà người Việt đã được xem đi xem lại hàng chục lần trên máy bay, truyền hình. Chỗ nào cũng sáng loáng, dàn dựng lộ liễu và quan trọng hơn hết là chỉ mang tính chất "trưng bày", làm nền cho những pha tình cảm mùi mẫn có phần lỗi thời của hai nhân vật chính. Nếu tách toàn bộ câu chuyện này, đặt lên trên nền bối cảnh của một đất nước khác thì bộ phim cũng không thay đổi. Hơn hết, một mạch phim đều đều và không có kịch tính leo thang khiến người xem dễ dàng rơi vào trạng thái… buồn ngủ.

Phim Mỹ quay tại Việt Nam ‘A tourist’s guide to love’: Còn gì ngoài cảnh đẹp? - Ảnh 4.

Hai nhân vật chính tương tác yếu, thiếu điểm kết nối để nảy sinh tình yêu

NETFLIX

Trong A tourist's guide to love, Sinh đã bảo Amanda rằng: "Một lữ khách sẽ khác hẳn với khách đi tour. Tôi muốn mang đến cho bạn trải nghiệm của một lữ khách, phá bỏ những lựa chọn sáo mòn và mặc kệ quyển hướng dẫn đi". Đáng tiếc thay, cách mà biên kịch và đạo diễn đối đãi với bộ phim này lại chẳng khác gì một vị khách đi tour. Họ hoàn toàn không có góc nhìn mới mẻ hay đặc biệt. Còn khi đi vào những hoạt động mang tính văn hóa cộng đồng, tập tục, cách hành xử của người Việt, những hạt sạn lại càng hiển lộ khiến người xem phải bật cười vì thấy quá sáo rỗng, ngô nghê.

Sinh - nam chính của bộ phim - người đại diện cho thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc giao lưu với văn hóa Tây phương nhưng vẫn luôn đau đáu về nguồn cội, mang niềm tự hào lớn lao về quê hương xứ sở lại là nhân vật bị xây dựng yếu nhất trong bộ phim này. Vì yếu trong đài từ lẫn kỹ thuật diễn xuất, Scott Ly có cố cách mấy thì khi khán giả nhìn vào Sinh, họ chỉ thấy "nguyên cây" Việt kiều mất gốc.

Trong tuyến nhân vật người Việt Nam, nhân vật bà nội của NSƯT Lê Thiện là điểm sáng hiếm hoi cho khán giả cảm nhận được chút "hồn vía" của quê hương, xứ sở. Bà duyên dáng trong cách thoại, với từng cái ôm, cách đi đứng, hành xử đúng chuẩn người phụ nữ Việt. Những nhân vật còn lại đều hết sức nhạt nhòa, không có cá tính.

Phim Mỹ quay tại Việt Nam ‘A tourist’s guide to love’: Còn gì ngoài cảnh đẹp? - Ảnh 5.

Diễn xuất của NSƯT Lê Thiện là điểm sáng của phim

NETFLIX

Bên cạnh đó, biên kịch A tourist's guide to love thật sự yếu tay trong cách tạo tình huống tương tác cho các nhân vật. Rachael Leigh Cook và Scott Ly vốn đã không có "phản ứng hóa học" tốt, hai nhân vật của họ Amanda và Sinh lại càng không có những "va chạm" về cảm xúc, quan điểm đủ mạnh để nảy sinh tình cảm yêu đương. Sự hời hợt này khiến cho lựa chọn cuối cùng của Rachael thiếu thuyết phục.

Phim Mỹ quay tại Việt Nam ‘A tourist’s guide to love’: Còn gì ngoài cảnh đẹp? - Ảnh 6.

A tourist's guide to love vẫn bị mang góc nhìn khuôn sáo về đất nước, con người Việt Nam

NETFLIX

A tourist's guide to love khuôn sáo trong nội dung lẫn cách trình hiện, đến mức tờ The New York Times đã phải bình luận: "Bộ phim này dường như được lên ý tưởng và biên kịch bởi Chat GPT".

Không thể phủ nhận, A tourist's guide to love, với lợi thế được phát hành toàn cầu thông qua Netflix sẽ góp phần "lan tỏa" hình ảnh Việt Nam đến với khán giả trên toàn thế giới. Nhưng kích thích này liệu có đủ mạnh, khi những gì người phương Tây nhìn thấy trên bộ phim cũng là thứ mà họ đã thấy suốt vài chục năm qua? Với bằng đó nỗ lực, Việt Nam chỉ đang được "nhìn", chứ chưa được "thấy" và "hiểu".

Theo Thanh niên