leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. (Nguồn: VGP) 

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Đan Mạch và Na Uy nằm trong số những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Hoàng gia hai nước có thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam, ủng hộ mạnh mẽ tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch hiện có khoảng 16.000 người, tại Na Uy hiện có khoảng 23.000 người. Đa số bà con đã nhập quốc tịch sở tại, có cuộc sống ổn định, hòa nhập, chăm chỉ làm việc và được chính quyền sở tại đánh giá cao.

Quan hệ Việt Nam – Đan Mạch phát triển tích cực, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biển đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh (năm 2011), nâng cấp lên quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2013) và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược xanh (tháng 11/2023).

Về chính trị - ngoại giao, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN và Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G).

Về kinh tế - thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt trên 721 triệu USD. Đan Mạch hiện có 154 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 1,79 tỷ USD, trong đó nổi bật là dự án xây dựng nhà máy trị giá hơn một tỷ USD tại Bình Dương của tập Lego từ năm 2022.

Đan Mạch đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) (tháng 11/2021). Về hợp tác phát triển, Đan Mạch thuộc nhóm các nước cung cấp nhiều vốn không hoàn lại (ODA) nhất cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững... Đan Mạch đã tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam (tháng 12/2022).

Với Na Uy, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Về chính trị - Ngoại giao, Việt Nam và Na Uy duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, nhất là trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế đại dương, giảm các thái biển...

Về kinh tế - thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 609,6 triệu USD, tăng 25% so với năm 2021. Na Uy hiện có 52 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng kỷ đạt 192,5 triệu USD. Về hợp tác phát triển, đến nay, Na Uy đã cung cấp cho Việt Nam ODA trị giá gần 400 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực môi trường, năng lượng tái tạo, giáo dục, quản lý kinh tế, cải cách hành chính, và phá bom mìn, thủy sản...

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa – giáo dục, quyền con người, xây dựng, lao động, thể thao, du lịch... ngày càng được hai nước mở rộng thúc đẩy.

Theo baoquocte