Một phụ nữ Afghanistan bỏ trốn khỏi một tỉnh phía Bắc và đến Kabul để tránh các cuộc giao tranh 

“Tôi tin rằng bất kỳ ai trong chúng ta nếu có quan tâm đều lo lắng về tình hình đang diễn ra ở Afghanistan, nhất là việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở nước này”, bà Harris đã phát biểu tại Hà Nội vào ngày cuối cùng của chuyến công du tới Đông Nam Á.

Dưới sự nắm quyền của Taliban trước năm 2001, những bé gái dưới 15 tuổi ở Afghanistan từng bị ép buộc kết hôn, phụ nữ và trẻ em thì bị tấn công và giết chết. Phụ nữ ở nước này cũng không được cho đi học, bị đánh đập nếu không mặc đồ burqas, và chỉ được đi ra ngoài đến những nơi công cộng nếu có một người nam đi cùng.

Từ năm 2001, khi Taliban rút quân khỏi Afghanistan, số lượng trẻ em gái ở nước này được đi học đã tăng lên 3,5 triệu một năm và 1/3 trong số 300.000 sinh viên tại các trường đại học của đất nước là phụ nữ, theo ước tính của Liên Hợp Quốc.

Theo Ngân hàng thế giới, tỷ lệ thai phụ tử vong ở Afghanistan cũng đã giảm 60% từ năm 2002 đến năm 2015. Phụ nữ nước này cũng giữ chức vụ quan trọng trong nội các và được bảo đảm có 1/4 số ghế trong quốc hội, theo hiến pháp. Trong giai đoạn này, phụ nữ Afghanistan cũng tham gia phục vụ trong các lực lượng vũ trang.

Theo ước tính của Phòng Thương mại và công nghiệp phụ nữ Afghanistan, hơn 1.000 doanh nhân nữ ở nước này đã đầu tư vào các doanh nghiệp, đóng góp 77 triệu USD cho nền kinh tế và tạo ra 77.000 việc làm.

Nhưng chưa đầy một tuần sau khi Taliban quay lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan, tình trạng bạo lực đã leo thang, trong đó có nhiều vụ nhắm vào phụ nữ và trẻ em.

Bà Harris đã phải đối mặt với thách thức lớn trong việc trấn an các đối tác ở châu Á và trên toàn thế giới rằng Mỹ vẫn có thể là một đồng minh đáng tin cậy trong bối cảnh Taliban nhanh chóng tiếp quản Afghanistan và Mỹ đang phải gấp rút thực hiện việc sơ tán để hoàn tất việc này trước ngày 31/8.

Trong khi đó, nhiệm vụ chính của bà trong chuyến công đến châu Á vừa qua là tập trung bàn về các vấn đề về sức khỏe cộng đồng, chuỗi cung ứng và quan hệ đối tác kinh tế.

Tại Singapore, bà Harris luôn được đặt những câu hỏi về việc rút lui khỏi Afghanistan, và diễn biến trong tương lai của những người đã hỗ trợ quân đội Mỹ trong cuộc chiến kéo dài 20 năm tại đây, trong đó có nhiều phụ nữ.

Các quan chức của chính phủ Mỹ cho biết đã sơ tán hàng chục ngàn người kể từ ngày 14/8, một ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban. Hầu hết người Mỹ đã được đưa ra khỏi Afghanistan, mặc dù hàng chục ngàn người khác là đồng minh của nước này có thể sẽ bị kẹt lại sau ngày 31/8.

Trong chuyến đi của mình, bà Harris vẫn kiên định với thông điệp rằng chính phủ Mỹ sẽ “đặc biệt tập trung” vào việc sơ tán các công dân Mỹ còn lại và các đồng minh Afghanistan.

Trong chuyến đi đến Đông Nam Á, bà Harris cũng trao đổi về các vấn đề xây dựng quan hệ đối tác về biến đổi khí hậu, an ninh mạng và đại dịch COVID-19.

Theo phunuonline