Hôm 23/2, ABC News đưa tin thêm một người phụ nữ nói rằng mình là nạn nhân của nghi phạm vụ bê bối cưỡng hiếp trong Quốc hội Australia.
Đây là người phụ nữ thứ tư cáo buộc mình bị nghi phạm vụ cưỡng hiếp trong Quốc hội Australia tấn công tình dục.
Trước đó, hai phụ nữ khác - bao gồm một nhân viên đảng Tự do và một cựu tình nguyện viên của Liên minh đảng này - cũng cáo buộc rằng họ đã bị tấn công tình dục bởi cùng một người.
Ba cáo buộc trên xuất hiện sau khi bà Brittany Higgins, 26 tuổi, tuyên bố sẽ đâm đơn lên cảnh sát liên bang Australia, khai báo về việc mình bị nhân viên đảng Tự do cưỡng hiếp trong văn phòng quốc hội vào tháng 3/2019.
Người phụ nữ thứ tư cho biết cô lên tiếng vì muốn hỗ trợ Brittany Higgins trong cuộc chiến tư pháp gian nan phía trước.
Trước khi đưa ra cáo buộc, bà Higgins cũng từng cảm thấy lo sợ không dám khiếu nại vì sợ mất việc.
|
Brittany Higgins là người đầu tiên lên tiếng tố cáo mình bị cưỡng hiếp trong trụ sở Quốc hội Australia. Ảnh:Network Ten. |
Người phụ nữ thứ 4 lên tiếng
Cho tới nay, tổng cộng 4 phụ nữ đã đưa ra cáo buộc về vụ bê bối cưỡng hiếp ở Quốc hội Australia.
Người phụ nữ thứ tư chính thức báo cảnh sát ở Canberra về vụ việc hôm 21/2.
Nói với ABC News, người phụ nữ thứ tư, hiện muốn giấu tên, cho biết khi nghe các đồng nghiệp bàn tán về danh tính kẻ cưỡng hiếp bà Higgins, cô nhăn mặt. Ấn tượng của cô là người đàn ông đó "thực sự vô đạo đức".
Theo lời kể của người phụ nữ này, vào bữa tiệc sau giờ làm việc với các đồng nghiệp năm 2017 tại quán Canberra's Public Bar, cô giật mình khi người đàn ông đó thò tay xuống gầm bàn và vuốt ve đùi cô.
Cô hoàn toàn không mong đợi điều này và vô cùng tức giận trước hành vi của người đàn ông.
Người phụ nữ này nói đó không phải là lần đầu tiên cô hứng chịu những hành động như vậy từ đồng nghiệp nam ở quốc hội, và cũng không phải là lần cuối cùng.
"Vào thời điểm đó, tôi đã quá quen với hành vi quấy rối tình dục nên tôi đã gạt chuyện này sang một bên", cô nói.
Hôm 21/2, chỉ một giờ sau khi báo cảnh sát về vụ quấy rối tình dục, người phụ nữ này nhận được cuộc gọi từ một thám tử thuộc Đội điều tra Tra tấn Tình dục và Lạm dụng Trẻ em của Cảnh sát Liên bang Australia.
Thám tử yêu cầu cô đến văn phòng và đưa ra tuyên bố chính thức vào ngày làm việc trong tuần này.
Phản ứng của chính phủ
Giữa những áp lực xoay quanh vụ bê bối cưỡng hiếp ở Quốc hội Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds thừa nhận bà phải xin nghỉ phép và nhập viện theo khuyến cáo của bác sĩ tim mạch.
Do đó, Bộ trưởng Reynolds không thể có mặt tại buổi họp báo hôm 24/2 để trả lời các câu hỏi về việc xử lý cáo buộc của bà Higgins, theo SBS News.
Phản ứng trước việc bộ trưởng Quốc phòng Australia nhập viện, bà Higgins viết trên Twitter: "Tôi thực sự hy vọng bà Reynolds không sao và chúc bà ấy nhanh bình phục".
|
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds. Ảnh:Matt Jelonek. |
Khi vụ việc xảy ra, bà Higgins mới làm việc được vài tuần cho văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds, với vị trí cố vấn truyền thông.
Nghi phạm cũng là một nhân viên của bà Reynolds. Vụ cưỡng hiếp do bà Higgins tố cáo xảy ra ngay tại tòa nhà quốc hội, trong văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds vào tháng 3/2019.
Nạn nhân khẳng định đã thông báo cho nhân sự cấp cao của Bộ trưởng Renoylds về vụ việc.
Thủ tướng Morrison nói ông và các nhân viên dưới quyền chỉ biết tới vụ cưỡng hiếp bà Higgins vào ngày 16/2, khi nạn nhân lên tiếng với truyền thông.
Tuy nhiên, bà Higgins tuyên bố ít nhất 3 nhân viên dưới quyền của Thủ tướng Morrison đã biết tới vụ việc của mình.
Thủ tướng Scott Morrison đã xin lỗi về cách xử lý vấn đề và lấy ý kiến của nhân viên xem họ đã biết những gì về vụ việc này.
Hôm 23/2, chính quyền của ông Morrison cho biết người đàn ông bị cáo buộc nói trên không được cấp phép vào tòa nhà quốc hội kể từ khi người này chấm dứt hợp đồng làm việc.
Sau đó, người này đảm nhiệm vị trí vận động hành lang cho một công ty quan hệ công chúng có trụ sở tại Sydney. Đến cuối năm 2020, người này chuyển sang làm việc cho một tập đoàn lớn khác.
Thượng nghị sĩ đảng Xanh Larissa Waters nhiều lần đặt câu hỏi liệu người đàn ông này có được cấp phép để vào tòa nhà quốc hội làm việc nữa hay không.
Thủ tướng Scott Morrison xác nhận người này không được cấp giấy thông hành mới để vào quốc hội. Thẻ cũ của người này bị hủy vào ngày 27/3/2019, một ngày sau khi rời nhiệm sở.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Simon Birmingham cho rằng chính phủ không thể chắc chắn việc người này có từng vào tòa nhà quốc hội với tư cách khách đến thăm hay không. Bởi danh sách khách ghé thăm được viết tay trên giấy và rất khó truy ra.
Văn hóa làm việc "độc hại" đối với phụ nữ Australia
Cáo buộc hiếp dâm của bà Higgins khiến công chúng đổ dồn sự chú ý vào văn hóa làm việc và quy trình xử lý khiếu nại về quấy rối tình dục trong Quốc hội Australia.
Bà Higgins hy vọng từ vụ việc "kinh khủng" này, các quy trình bảo vệ "nhân viên dễ bị tổn thương" sẽ được "cải cách về cơ bản", và văn hoa làm việc tại tòa nhà quốc hội sẽ được cải thiện.
Những người ủng hộ nữ quyền gọi vụ việc của bà Higgins là ví dụ cực đoan cho thấy văn hóa trọng nam khinh nữ, vốn là yếu tố khiến một số nữ nhân viên phải bỏ việc trong chính phủ của Thủ tướng Morrison.
|
Brittany Higgins bên ngoài tòa nhà Quốc hội Australia năm 2018. Ảnh:NVCC/New York Times. |
Phong trào #MeToo là một trong những động lực thúc đẩy những người phụ nữ này kiên quyết chống lại các hành vi quấy rối tình dục. Đây là phong trào phản đối việc nam giới phân biệt giới tính với phụ nữ bằng lời nói, hành động hoặc tệ hơn là quấy rối hay xâm hại tình dục.
Các chính trị gia và những người ủng hộ quyền phụ nữ cho rằng những cáo buộc nói trên là bằng chứng rõ ràng thể hiện mức độ "tai tiếng" của đảng Tự do trong việc đối xử bất công với nhân viên nữ.
"Một lần nữa tòa nhà quốc hội chứng tỏ đây là nơi làm việc không an toàn và độc hại nhất đối với phụ nữ ở Australia", Julia Banks, cựu quan chức chính phủ Australia, nói, theo New York Times.
Theo số liệu gần đây nhất của Cục Thống kê Australia, cứ 6 phụ nữ Australia trên 15 tuổi thì có một người từng bị bạo lực tình dục. Con số này tăng lên trong thập kỷ qua, nhưng không rõ là do tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn hay do các nạn nhân muốn tố giác nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhóm ủng hộ nữ quyền cho biết chỉ một số ít phụ nữ bị tấn công đến trình diện cảnh sát. Để làm được như vậy, họ phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đối mặt với quy trình phức tạp, mà theo đó, tiếng nói của họ có thể sẽ không được lắng nghe.
Những hành vi quấy rối mà các nạn nhân phải chịu đựng có thể là lời nói phân biệt giới tính, cho tới xúc phạm, phỉ báng và xâm hại.
Nina Funnell, nhà vận động hàng đầu đòi quyền lợi cho những nạn nhân sống sót hậu tấn công tình dục ở Australia, cho rằng hiếp dâm "là tội ác thể hiện quyền lực và sự kiểm soát, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi phụ nữ trẻ cáo buộc các vụ bạo lực tình dục diễn ra ở những địa điểm đàn ông có đặc quyền và quyền lực".
“Những kẻ phạm tội thường đưa các nạn nhân đến những địa điểm mà họ cảm thấy sức mạnh của mình được đảm bảo", bà Funnell nói thêm.
Bà Higgins hy vọng bằng cách công khai vụ việc này, văn hóa làm việc của quốc hội sẽ thay đổi. Bà cho biết từng được mời đến dự cuộc họp về vụ việc của bà trong chính căn phòng mà bà từng bị hiếp dâm.
Hôm 22/2, chính phủ thừa nhận rằng “do mức độ nghiêm trọng của vụ việc, cuộc họp lẽ ra phải được tiến hành ở nơi khác”. Ông Morrison cũng nhấn mạnh: "Điều đó không nên xảy ra. Tôi xin lỗi".
Theo ABC News, trong tuyên bố, thủ tướng Australia đưa ra sáng kiến nhằm hỗ trợ phụ nữ hiệu quả hơn trên chính trường, bao gồm việc thiết lập quy trình khiếu nại về các vụ việc như vậy tách biệt với quy trình của đảng.
Theo Zing