Paris đang bị phong tỏa lần hai vì dịch Covid-19 tăng mạnh ở Pháp - REUTERS
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cho hay họ đã quyết định chọn từ trên vì nó đồng nghĩa với trải nghiệm chung của các cộng đồng dân số trên khắp hành tinh, với nhiều chính phủ ban bố lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
“Đó là điều mà hàng tỉ con người đã và đang tiếp tục phải trải qua trên khắp thế giới, những cá nhân đã góp phần của mình để chống lại dịch Covid-19”, AFP dẫn tuyên bố của Harper Collins, nhà phát hành Tự điển Collins.
Collins ghi nhận hơn 250.000 lần sử dụng từ “phong tỏa” từ đầu năm 2020 đến nay, so với 4.000 trường hợp trong năm ngoái, tức tăng gấp 6.000%, chủ yếu trên các website, sách báo, đài phát thanh, truyền hình.
Do dịch bệnh đã tác động đến cách thức con người sử dụng ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày, 6/10 từ khác trong năm 2020 cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
“Virus Corona chủng mới”, “giãn cách xã hội”, “tự cách ly”, “yêu cầu nghỉ việc tạm thời”, cũng như “phong tỏa” và “người lao động then chốt” đã được bổ sung vào danh sách 10 từ của năm 2020.
Trong đó, chỉ riêng từ “người lao động then chốt” đã được sử dụng nhiều gấp 60 lần trong năm nay.
“Dịch Covid-19 đã thống trị năm 2020”, theo bà Helen Newstead, nhà tư vấn ngôn ngữ của Collins. “Biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng đến cách thức chúng ta làm việc, học tập, mua sắm và quan hệ xã hội”, bà cho biết.
Với nhiều nước bắt đầu phong tỏa lần hai vì dịch Covid-19 quay lại, bà Newstead cho rằng đây không phải là từ đáng được ăn mừng, nhưng có lẽ là từ gói gọn cả năm 2020 đối với đa số người dân trên địa cầu.
Theo thanhnien