Xin chào chị Thái Vân Linh! Sau nhiều năm trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, định hướng phát triển sự nghiệp của chị đến nay liệu có thay đổi gì so với những ngày đầu không?

Từ những ngày còn trẻ, tôi đã rất đam mê những gì liên quan đến hai từ “khởi nghiệp”. Sự nghiệp của tôi cũng phát triển theo hướng tôi từng kỳ vọng, đó là tập trung khai phá sức mạnh của các nhà lãnh đạo có khả năng tạo nên một doanh nghiệp bền vững. Đến hiện tại, khao khát đó vẫn còn rất cháy bỏng và thậm chí còn nhiều hơn thế. Một người chỉ có thể thành công khi tìm ra được những mục tiêu trong sự nghiệp lẫn cuộc sống, và tôi muốn giúp họ tìm thấy điều đó. Nhìn lại lộ trình của mình trong hơn 20 năm qua, tôi nhận thấy các yếu tố đã giúp tôi đạt được mục tiêu chính là động lực và tư duy. Khi có tư duy tích cực, chúng ta sẽ cảm thấy động lực tràn đầy.

Từ đây, tôi cũng quan tâm hơn về yếu tố “động lực” này. Nhiều năm trước, tôi không quá tập trung vào việc tìm cách tăng trưởng động lực cho bản thân vì nghĩ mình vốn dĩ đã có nhiều động lực. Nhưng gần đây sau khi sinh bé thứ hai, tôi thấy rõ sự giảm sút trong động lực của bản thân, và đã bắt đầu nghiên cứu các lý thuyết và bài học từ những các chuyên gia về tâm lý và kỹ năng sống. Hiện tại, tôi đã tìm ra được nhiều phương pháp để có thể tập trung vào công việc hơn cũng như tiếp tục hành trình “đánh đổi” với các thử thách trong sự nghiệp và cuộc sống.

Để trở thành một nữ doanh nhân với tên tuổi được công nhận như hiện nay, tư duy tích cực của chị được hiểu cụ thể là như thế nào?

Tôi luôn xây dựng mọi thứ từng chút một. Tôi nghĩ thành công được tạo ra bởi rất nhiều việc nhỏ mà bạn đã làm, dù chỉ là 20 phút mỗi ngày. Để rồi sau 1 năm, 5 năm hay 10 năm, nó sẽ cộng hưởng và tạo nên thành công của riêng bạn. Mặt khác, có thành công thì cũng không thể thiếu những phút giây thất bại. Thất bại đôi khi chính từ những điều nhỏ nhặt mà bạn quên làm hoặc chọn không làm vì “mệt mỏi” hay “không có thời gian”. Để rồi từ năm này sang năm khác, tất cả những điều tưởng chừng không hề lớn lao ấy lại có thể trở thành thói quen, ảnh hưởng không nhỏ khiến sự nghiệp của bạn trở nên trì trệ và ít thành tựu hơn.

Theo chị, trên con đường sự nghiệp, một người nên điều khiển những bước đi của mình như thế nào, thận trọng hay chạy tốc lực để đi đúng hướng và đến đích đúng thời điểm?

Khi nói đến sự nghiệp, tôi nghĩ chúng ta nên đặt mình vào tốc độ nhanh nhất có thể. Thông thường, thành công đến từ nhiều bài học bao gồm cả thất bại mà chúng ta đã tiếp thu trên suốt quãng đường. Tất nhiên, không một ai đặt mục tiêu là thất bại cả, nhưng nếu chúng ta đã cố gắng mà vẫn thất bại, đó sẽ là “dữ liệu” quý giá để chúng ta đối chiếu trong lần thử tiếp theo. Rủi ro tự nó không phải là một điều xấu. Thậm chí, trong đầu tư, rủi ro càng cao, lợi nhuận mang lại sẽ càng hấp dẫn. Điều quan trọng là đảm bảo chúng ta chấp nhận rủi ro có tính toán và luôn có các phương án dự phòng để giải quyết khi rủi ro phát sinh. Bên cạnh đó, một trong những cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là đồng hành với những người bạn đáng tin cậy và có kinh nghiệm phù hợp.

Ở từng cột mốc của cuộc đời, đích đến sự nghiệp của chị có lẽ cũng đã được điều chỉnh ít nhiều. Chị nghĩ điều gì sẽ giúp cho mỗi người có thể đưa ra quyết định thay đổi sự nghiệp vào những thời điểm cần phải lựa chọn?

Bản thân tôi là một người thích phân tích, tôi tin vào số liệu và logic. Vì vậy, điều đầu tiên tôi luôn làm khi đứng trước những quyết định quan trọng là lập danh sách ưu và nhược điểm. Sau đó tôi sẽ nói chuyện với nhiều người để có thêm những gợi ý giúp tôi bổ sung các chi tiết trong danh sách đó. Một điều tôi thường thấy ở bất kỳ quyết định nào mang tính quan trọng đến mức có thể thay đổi hướng đi sự nghiệp hoặc cuộc sống của mình là danh sách ưu và nhược điểm luôn được phân chia đều. Tuy nhiên, cuối cùng sau tất cả những phân tích, tôi vẫn phải dựa vào trực giác của mình để đưa ra quyết định cuối cùng.

Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và tôi muốn sống một cuộc đời không hối tiếc. Phần lớn mọi người khi đến cuối đời, họ thường hối tiếc về những điều không làm hơn là những điều đã cố gắng và thất bại. Cuộc sống trở nên phong phú bởi những kinh nghiệm mà bạn thu thập được. Vì vậy, đối với tôi, tôi luôn chọn con đường dẫn mình đến những trải nghiệm mới mẻ, ngay cả khi con đường đó khiến tôi mất đi một công việc ổn định trong mắt nhiều người, một vị trí đáng mơ ước và một mức lương cao ở một tập đoàn tên tuổi.

Đã từng làm việc ở nước ngoài lẫn Việt Nam, chị nhận thấy các doanh nghiệp Việt thường có những điểm mạnh và điểm yếu gì? Trong đó, phong cách lãnh đạo điều hành của người chủ hay người đứng đầu chiếm tầm quan trọng như thế nào? 

Tôi nghĩ dù ở Việt Nam hay bất cứ đâu, các doanh nghiệp đều phải đối mặt với những vấn đề rất giống nhau. Làm thế nào để họ tạo ra một sản phẩm mà khách hàng sẵn sàng trả tiền? Làm thế nào để họ xác định và sau đó thu hút khách hàng mục tiêu của họ? Làm thế nào để họ giữ chân và thúc đẩy những tài năng nhân sự hàng đầu? Vì vậy, về điểm mạnh và điểm yếu của các doanh nghiệp, tôi không nghĩ rằng đó là những vấn đề liên quan đến quốc tịch của các công ty.

Những thách thức muôn hình vạn trạng này buộc người lãnh đạo doanh nghiệp phải tạo ra sự khác biệt cho chính mình. Tôi tin rằng đội ngũ lãnh đạo cấp cao là những người đặt ra kỳ vọng và văn hóa cho công ty. Chính những điều này sẽ tạo ra một công ty hoặc là có khả năng đổi mới để thích nghi và đối mặt với sự cạnh tranh, hoặc sẽ chìm dần vào một tương lai mờ mịt.

Trong nhiều năm tháng đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao, phong cách quản lý xuyên suốt của chị là gì?

Tôi rất may mắn khi đã có những người cấp trên tuyệt vời trong những năm tháng tuổi trẻ. Họ luôn kiên nhẫn, cởi mở trong việc đào tạo đội ngũ dưới quyền, đồng thời không ngừng động viên, khuyến khích nhân viên để luôn làm mọi việc tốt nhất có thể. Để rồi khi trở thành quản lý, tôi cũng đã cố gắng áp dụng cùng phong cách lãnh đạo đó. Tôi tin rằng, mọi người sẽ có những phản ứng tốt hơn trong một môi trường mà ở đó luôn có sự hỗ trợ thúc đẩy việc cạnh tranh lẫn nhau một cách lành mạnh và thân thiện. Khoa học chứng minh một số căng thẳng sẽ giúp thúc đẩy chúng ta làm việc nhanh hơn và suy nghĩ sáng tạo hơn. Nhưng căng thẳng quá có thể phản tác dụng. Với tư cách là người lãnh đạo, mục tiêu chính của tôi là tìm ra sự kết nối phù hợp để đội ngũ của mình luôn có động lực và nâng cao năng suất làm việc.

Chị đã từng gặp phải những sai lầm nào trong vai trò làm sếp của mình chưa? Với chị, một người lãnh đạo hay một người chủ doanh nghiệp nên biết cách nhìn nhận sai lầm của mình như thế nào?

Chắc chắn rồi, sự nghiệp của tôi cũng đầy rẫy những sai lầm (cười). Tôi nghĩ điều tốt nhất mà một nhà lãnh đạo có thể làm là khuyến khích văn hóa học hỏi, công khai thừa nhận sai lầm và thảo luận cùng nhau về cách cải thiện. Một trong những câu nói mà tôi luôn ghi nhớ là “Bạn sẽ chẳng thể biết được những gì bạn không biết”. Điều này đúng trong cuộc sống, và trong cả kinh doanh. Đặc biệt là trong hoạt động của một doanh nghiệp, khi công ty càng phát triển, các cấp quản lý càng ít tiếp cận trực tiếp với những vấn đề mang tính chi tiết hàng ngày. Và việc che dấu hay khỏa lấp đi những sai lầm sẽ dần trở nên phổ biến và dễ dàng hơn. Điều này có thể dẫn đến một cơ hội học hỏi hay rút kinh nghiệm bị bỏ lỡ, hoặc tệ hơn, một cuộc khủng hoảng mà lẽ ra có thể tránh được nếu người lãnh đạo doanh nghiệp được báo cáo ngay từ đầu. Vì vậy, tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp mà ở đó ai cũng có thể an tâm khi mắc sai lầm và thoải mái để thảo luận về các sai lầm đó.

Tiêu chí hàng đầu của chị khi xây dựng đội ngũ nhân sự dưới quyền là gì?

Tôi nghĩ rằng mọi người đều có tiềm năng học hỏi và thăng tiến trong sự nghiệp, và tôi là một người sếp rất kiên nhẫn với quá trình học hỏi đó. Do vậy, điều đầu tiên tôi luôn tìm kiếm khi xây dựng đội ngũ của mình là tư duy học hỏi. Tiếp đến là đạo đức làm việc, khả năng đào sâu vấn đề một cách vững vàng và tất nhiên là một phong thái thân thiện.

Chị có lời khuyên gì cho những người trẻ để giúp họ có thể thiết lập mục tiêu, tránh được ảo tưởng với những kỳ vọng trong tương lai?

Tôi nghĩ mọi người hoàn toàn có thể theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng và đừng sợ rằng việc đó là ảo tưởng. Nếu bạn có ước mơ, bạn có thể biến nó thành hiện thực nếu đủ tập trung và đảm bảo luôn làm mọi việc chỉ để hướng tới mục tiêu ấy. Bên cạnh đó, bạn cần duy trì một tư duy tích cực, bởi mọi hành động đều bắt nguồn từ suy nghĩ. Bạn cần rèn luyện bộ não và hướng bản thân đến những tư duy hiệu quả – hình dung thành công của bạn, hình dung bạn thực hiện những hành động cần thiết như thế nào để đạt được thành công bạn luôn chờ đợi. Khi bạn đã có hình ảnh rõ ràng về những gì bạn muốn, bạn cần phải tập trung và hành động. Hãy sẵn sàng làm việc và thậm chí hy sinh.

Cũng đừng ngại yêu cầu sự giúp đỡ chính xác một cách đúng lúc. Khi nào nên nhờ giúp đỡ và hỏi ai là một kỹ năng khó hơn hầu hết những kỹ năng khác. Nhưng điều đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn bắt đầu với một tư duy tò mò, một tâm trí cởi mở và biết cách tạo cơ hội giao tiếp với càng nhiều người càng tốt. 

Là một nữ doanh nhân, một diễn giả, một nhà hoạt động cộng đồng, chị thu vén thời gian của mình như thế nào?

Tôi tin chắc rằng thói quen buổi sáng của bạn sẽ tạo nền tảng cho thời gian còn lại trong ngày của bạn, vì vậy tôi là người luôn yêu thích mọi hoạt động vào buổi sáng suốt hơn 10 năm nay. Một điều mà tôi bắt đầu thực hiện trong thời gian gần đây là thức dậy lúc 3 giờ sáng. Khoảng thời gian yên tĩnh sáng sớm đó cho tôi được phép dành cho bản thân vài phút thư giãn trọn vẹn, cũng như hoàn toàn có thể tập trung hoàn thành các công việc. Thói quen này giúp tôi làm việc hiệu quả hơn rất nhiều, đồng thời vẫn cho phép tôi thu xếp thời gian cho gia đình.

Sống ở nước ngoài từ nhỏ, vậy chị cho mình là mẫu phụ nữ truyền thống hay hiện đại?

Tôi nghĩ mình là kiểu phụ nữ luôn cố gắng làm những việc cần làm để chu toàn gia đình, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo mình cũng có được hạnh phúc. Phụ nữ trong lịch sử luôn rất mạnh mẽ và thường toàn tâm toàn ý cho gia đình. Tuy nhiên, họ thường đánh mất chính mình trong quá trình này và vô tình tạo ra những định kiến. Gần đây phong cách sống dường như ngược lại, khi phụ nữ quá tập trung vào các mục tiêu cá nhân của mình và xem nhẹ vai trò của gia đình. Tôi cũng đã nghe nhiều phụ nữ nói rằng chúng ta có thể đáp ứng được tất cả – sự nghiệp và gia đình, bạn bè và sở thích. Tuy nhiên, chúng ta thường không thể có tất cả cùng một lúc. Nhưng tôi là một người vợ, người mẹ, tôi không muốn chấp nhận rằng mình không thể vừa có mối quan hệ gia đình viên mãn vừa có con đường sự nghiệp thăng hoa. Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng đạt được hạnh phúc trong cả hai phạm trù công việc lẫn cuộc sống. Tôi không tin mình sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn nếu không có cả gia đình và sự nghiệp. Vì vậy, tôi đang làm việc vô cùng chăm chỉ để vun vén cho gia đình nhỏ, nhưng cũng có thể làm chủ cuộc đời mình. Đôi khi có cảm giác như tôi đang giẫm phải vũng nước, nhưng vẫn vui vì ít nhất tôi vẫn còn nổi (cười)!

Thế nhưng thời gian một ngày vốn không hề nở rộng hay thu hẹp lại được, làm sao để chúng ta theo đuổi cả hai mục tiêu này?

Có ý kiến cho rằng khái niệm 24 giờ trong một ngày là thứ mà con người tạo ra bởi vì Trái đất phải mất 24 giờ để quay một vòng. Thế nhưng tôi lại nghĩ, nếu khái niệm đó đến từ suy nghĩ chủ quan của con người, vậy thì tại sao con người chúng ta không thử nghĩ khác đi? Tôi đang cố gắng sống như thể mỗi ngày chỉ có 6 giờ, và như thế một ngày thực tế của tôi đã trở thành 4 “ngày” đúng không? Ngoài 6 tiếng để ngủ, tôi sẽ có đến 3 “ngày” trong một ngày thông thường, và 6 tiếng ngắn ngủi của mỗi “ngày” đó khiến tôi phải thúc đẩy bản thân “chạy” thật nhanh hết mức có thể. Có thể hiểu nôm na nó giống như những cuộc thi chạy. Nếu là marathon, bạn có thể chạy bền và chậm để hoàn tất 42 km. Nhưng nếu chạy nước rút 500m, bạn sẽ phải tăng tốc nhanh nhất có thể ngay từ khi xuất phát nếu muốn về đích trước tiên.

Vậy trong mỗi “ngày” chỉ có 6 tiếng đó, chúng ta phải “chạy” như thế nào, thưa chị?

Bạn phải hoàn toàn tập trung và làm việc với tốc độ nhanh hơn để có thể hoàn thành mọi việc trong vòng 6 tiếng thay vì 24 giờ như thông thường. Một khi đã rèn luyện cho mình quen với khung giờ mới, thì bạn có đến 3 “ngày” để làm việc trong cùng 24 giờ như người khác. Và điều đó có nghĩa là bạn có thể hoàn thành nhiều việc gấp 3 lần so với người sống một ngày 24 giờ theo cách bình thường.

Tôi nghĩ đây là một khái niệm thú vị và đã thử nó. Từ đó, tôi nhận thấy rằng mình vừa có thêm thời gian cho công việc, có thời gian dành cho gia đình, kể cả tập thể dục và rèn luyện sức khỏe.

Trong công việc chắc chắn chị có những nguyên tắc để huấn luyện đội ngũ, vậy trong gia đình, chị có nguyên tắc gì để dạy con của mình không?

Đối với tôi, những phẩm chất quan trọng mà tôi muốn con gái mình có được là sự lạc quan, tinh thần làm việc mạnh mẽ, sự tự tin và lòng nhân ái. Tôi tin rằng nếu các con thể hiện được những đặc điểm này thì sẽ có thể vượt qua bất kỳ thử thách nào mà cuộc sống mang lại theo cách của con.

Để khuyến khích con gái lớn 5 tuổi của tôi suy nghĩ về những tố chất này, gia đình tôi bắt đầu tập cho con nói những lời khẳng định trước khi đi ngủ mỗi tối như: “Tôi tự tin.”, “Tôi thích thử những điều mới.”, “Tôi làm việc rất chăm chỉ.”, “Tôi tiếp tục cố gắng và cố gắng.”… Mọi hành động đều bắt đầu từ cách mình suy nghĩ, và nếu tôi có thể khiến tâm hồn non nớt của con bắt đầu suy nghĩ theo hướng tích cực, thì đó sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này của con.

Theo nudoanhnhan