Ở những nơi khác tại Herat, thành phố lớn thứ ba của đất nước, nữ sinh vẫn được đi học cùng các nam sinh, nhưng các chiến binh Taliban phát khăn trùm đầu cho họ ở cửa. Tại thủ đô Kabul, một nữ phóng viên đã phỏng vấn một quan chức Taliban tại trường quay, cảnh tượng từng được cho là không thể tưởng tượng nổi.

Một phụ nữ phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột giữa Taliban và quân chính phủ Afghanistan được đo huyết áp tại một công viên ở Kabul ngày 10/8. Ảnh: AP

Trong thời gian cầm quyền ở Afghanistan năm 1996 - 2001, Taliban đã áp đặt quy tắc hà khắc với phụ nữ, buộc họ phải che kín mặt và chỉ được ra khỏi nhà có người thân là nam giới đi cùng. Họ không được phép làm việc bên ngoài gia đình và bị cấm bỏ phiếu. Họ có nguy cơ chịu những hình phạt tàn nhẫn nếu không tuân theo các quy tắc, bao gồm bị đánh đập, quất roi và ném đá đến chết nếu bị kết tội ngoại tình.

Taliban thời đó còn đóng cửa các trường nữ sinh dành cho trẻ từ 10 tuổi trở lên. Năm 1999, không một bé gái Afghanistan nào được học ở trường trung học và chỉ 4% trong số 9.000 bé gái trong độ tuổi tiểu học được đến trường. Mọi thứ chỉ thay đổi khi Taliban bị lật đổ năm 2001 và hiện khoảng 3,5 triệu bé gái Afghanistan đã được đi học.

Vài ngày sau khi tiếp quản đất nước, Taliban giờ đây nỗ lực thể hiện lập trường ôn hòa hơn, hứa tôn trọng quyền của phụ nữ và mời họ tham gia chính phủ. Tuy nhiên, một số phụ nữ Afghanistan rất nghi ngờ về Taliban và đã hành động thận trọng.

Trên khắp đất nước, nhiều người vẫn ở nhà, quá sợ hãi bước vào một thế giới mới, nơi lực lượng từng ném đá phụ nữ và hạn chế mọi hành động của họ giờ đã nắm quyền. Chiến lược "tấn công quyến rũ" của nhóm mâu thuẫn với các thông tin tại thực địa, như thành viên nhóm đến từng nhà tìm kiếm các nhà báo, những người làm việc cho phe đối lập và các mục tiêu khác.

Một nữ giảng viên phương Tây ở Kabul cho biết nỗi sợ hãi đang bao trùm thủ đô. "Họ đã bắt đầu đi từng nhà, khám nhà của mọi người, đôi khi còn cưỡng chế xông vào. Họ nói rằng họ sẽ cho dân chúng sống yên ổn, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy điều này không đúng sự thật", cô nói.

Một số vụ cướp và trộm cắp đã xảy ra, Taliban đổ lỗi chúng cho tội phạm hoặc những kẻ giả danh Taliban chứ không phải các chiến binh của họ. Taliban đã trả tự do cho hàng nghìn tù nhân, bao gồm cả tại nhà tù lớn nhất đất nước, theo lệnh ân xá chung.

Nếu những thông tin này là đúng thì chúng hoàn toàn trái ngược với lời hứa của Taliban vào ngày 17/8. Enamullah Samangani, thành viên của ủy ban văn hóa Taliban, cho biết nhóm sẵn sàng "cung cấp cho phụ nữ môi trường để làm việc, học tập và sự hiện diện của phụ nữ trong các cơ cấu chính phủ khác nhau". Một quan chức khác hứa sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ "theo luật Hồi giáo".

"Tôi không tin Taliban", một nữ MC 29 tuổi ở Kabul nói. Cô vẫn ẩn náu tại nhà một người họ hàng vào ngày 17/8.

Cô nói rằng cô quá sợ hãi nên không dám về nhà sau khi có thông tin rằng Taliban nắm trong tay một danh sách các nhà báo và đã tìm đến nhà một số người sau khi tiến vào Kabul. Cha cô khuyên cô tạm lánh cho đến khi tình hình an ninh trở nên rõ ràng hơn.

                   Nữ biên tập viên phỏng vấn quan chức Taliban ngày 17/8. Ảnh: TOLO News

Trước đó, trong nỗ lực của Taliban để khắc họa một hình ảnh mới, nữ phóng viên của đài truyền hình tư nhân Tolo đã phỏng vấn một quan chức Taliban vào ngày 17/8 tại trường quay. "Không thể tưởng tượng nổi điều đó khi họ cầm quyền cách đây hai thập kỷ", Saad Mohseni, chủ đài truyền hình, viết trên Twitter.

Ở tỉnh Herat tại miền tây đất nước, Zahra, 26 tuổi, người đấu tranh cho nữ quyền, cho biết hầu hết cư dân, đặc biệt là phụ nữ, vẫn ở nhà vào ngày 17/8, 5 ngày sau khi Taliban vào thành phố.

Cô hy vọng được lên máy bay rời khỏi Afghanistan trong những ngày tới. Ngày 17/8, cô đi chợ để mua một số thứ trước khi khởi hành. Mặc một chiếc váy dài và đội khăn trùm đầu, cô và em gái bị một số chiến binh Taliban nhìn chằm chằm với ánh mắt đe dọa và coi thường. Hầu hết cửa hàng đã đóng cửa. Các quầy hàng mới mọc lên bày bán các lá cờ trắng của Taliban.

"Chúng tôi là những phụ nữ duy nhất ở chợ", cô nói. "Gần như tất cả cửa hàng đã đóng cửa".

Cho đến nay không có dấu hiệu Taliban buộc phụ nữ mặc burka (áo choàng che kín từ đầu đến chân) giống như quy định từng áp dụng hai thập kỷ trước. Nhưng Zahra nhấn mạnh đây chỉ mới là những ngày đầu và cô chắc chắn rằng nhóm vẫn chưa thay đổi.

Hiện tại, hầu hết phụ nữ đều chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn từ Taliban. Họ đang lo lắng về những vấn đề như liệu họ có thể một mình ra ngoài, làm việc, theo đuổi sự nghiệp hay không, hay liệu họ nên rời khỏi đất nước.

Người dẫn chương trình truyền hình 29 tuổi ở Kabul cho biết phụ nữ Afghanistan đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua, nhưng cô không nghĩ rằng Taliban chấp nhận những bước tiến đó.

Cô cho biết một người bạn của cô là người dẫn chương trình trên đài truyền hình quốc gia Afghanistan Mili TV đã gọi cho cô và khóc, sau khi bị đài này yêu cầu ở nhà, không trở lại làm việc cho đến khi có thông báo mới.

"Tôi muốn trở về nhà, nhưng gia đình tôi..., tôi không biết mình nên làm gì", cô nói.

Theo vnexpress