|
|
Một bé gái ở Wajima, tỉnh Ishikawa, Nhật nhận đồ tiếp tế sau trận động đất ngày 1/1/2024 - Nguồn ảnh: Japan Times |
Phụ nữ tử vong nhiều hơn nam giới
Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy, nhiều phụ nữ bị thiệt mạng hơn nam giới trong các thảm họa. Nạn nhân nữ thường cũng trẻ hơn nam giới. Neumayer và Plumper - các nhà nghiên cứu từ Trường Kinh tế London và Đại học Essex ở Anh - đã phân tích các thảm họa thiên tai ở 141 quốc gia trong thời gian từ năm 1981-2002. Kết quả cho thấy 90% trong số 140.000 ca tử vong do bão Gorky gây ra ở Bangladesh năm 1991 là phụ nữ. Gần đây hơn, trong đợt nắng nóng năm 2022 ở châu Âu, tỉ lệ thương vong của phụ nữ cao hơn nam giới 56%.
Tại Nhật Bản, nhiều phụ nữ thiệt mạng hơn nam giới trong trận động đất lớn Hanshin-Awaji năm 1995 tàn phá Kobe. Ở thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại phía đông Nhật Bản năm 2011, số lượng phụ nữ tử vong ở Tohoku nhiều hơn nam giới khoảng 1.000 người. Chưa kể, những nơi trú ẩn khi xảy ra thảm họa như phòng tập thể dục hoặc các cơ sở công cộng khác thường không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của phụ nữ.
Những người sống sót sau các thảm họa ở Nhật, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ... cho biết khó khăn lớn với phụ nữ là thiếu sự riêng tư, sản phẩm vệ sinh phụ nữ, cơ sở vật chất trú ẩn không phù hợp cho phụ nữ đang hành kinh hoặc cho con bú.
Các chuyên gia quản lý thảm họa nhận xét: không có nhiều thay đổi khi ở các nơi trú ẩn thời điểm năm 1995 so với những nơi trú ẩn hiện nay. Những nơi này vẫn đông đúc, có rất ít hoặc không có sự riêng tư dù những nạn nhân của thảm họa đặc biệt là phụ nữ phải lưu trú ở đó có thể đến vài tháng. Một số cải tiến về nơi trú ẩn chỉ có thể kể đến là việc sử dụng lều và phòng bằng bìa cứng để tạo cho phụ nữ chút riêng tư hơn khi thay đồ hoặc cho con bú.
Tăng cường năng lực phục hồi của phụ nữ
Theo tổ chức Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women), biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các nhóm dân cư nghèo mà 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên. Vẫn theo UN Women, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ bị tổn thương nhất do BĐKH và các tác động của thiên tai, hiện chiếm hơn 80% trong số các thảm họa. BĐKH sẽ tác động lớn nhất tới các nước nghèo nhất, khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, đe dọa nguồn nước và tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt, hạn hán lẫn các đợt nắng nóng. Mực nước biển tăng và sóng dâng cao do bão cũng có nguy cơ tấn công các khu vực trũng ven biển.
Bangladesh - quốc gia nghèo với 168 triệu dân - là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất bởi sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao đe dọa các ngôi làng ven biển. Hơn 7 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và 119 người thiệt mạng tại quốc gia này trong năm 2019. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), 19 triệu trẻ em ở Bangladesh có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và lốc xoáy. Riêng ở những ngôi làng nhỏ dọc bờ biển phía đông Bangladesh, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận tình trạng tỉ lệ sẩy thai đặc biệt cao. Ở vùng Trung Phi, nơi 90% hồ Chad đã biến mất, các bộ tộc du mục gặp nhiều nguy cơ. Do nước hồ cạn kiệt, phụ nữ phải đi bộ xa hơn để lấy nước.
Số liệu của Liên hiệp quốc cho thấy, 80% số người phải di dời chỗ ở vì BĐKH là phụ nữ. Việc giữ vai trò chăm sóc gia đình, lo việc bếp núc khiến phụ nữ dễ bị tổn hại hơn khi xảy ra lũ lụt hoặc hạn hán. Theo UN Women, quá trình lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH sẽ chưa thể thành công nếu không có những ý kiến đóng góp của phụ nữ. Các mục tiêu phục hồi sau thiên tai ở cộng đồng cũng sẽ không thể đạt được nếu không tăng cường năng lực phục hồi của phụ nữ. Họ cần chuẩn bị sẵn sàng, được hỗ trợ thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, trang bị khả năng đối phó thiên tai và phục hồi cùng cộng đồng. Cần tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ với sinh kế bền vững và sinh kế thay thế để có thể đối phó được thiên tai. Kế hoạch này cần sự chung tay các đối tác cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh, đào tạo nghề, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Theo phụ nữ TPHCM