Nỗi tủi nhục trên đường chạy nạn

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Sudan vào ngày 15/4, nhiều vụ cưỡng hiếp do nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) thực hiện và một vụ xâm hại liên quan đến binh lính quân đội Sudan đã được báo cáo. Thủ đô Khartoum của Sudan và khu vực el-Geneina ở Tây Darfur là những nơi ghi nhận các vụ bạo lực tình dục (BLTD) cao nhất.

Neimat Abubaker Abas - cố vấn cấp cao của Sáng kiến chiến lược cho phụ nữ ở vùng Sừng châu Phi (SIHA) - chia sẻ: những người tị nạn và phụ nữ di tản trong nước là mục tiêu đặc biệt dễ tổn thương. Một trong những nạn nhân - Zeinab - bị nhóm lính của lực lượng RSF ghì chặt xuống đất khi cô đang trên đường chạy trốn khỏi thủ đô. Chúng chĩa súng uy hiếp và thực hiện hành vi đồi bại.

Zeinab kể: “Lúc ấy, tôi nghĩ mình sắp chết” và cho biết thêm rằng em gái cô cùng 2 phụ nữ khác cũng bị xâm hại tình dục. Các mạng lưới dân sự đã tập hợp lại để có thể hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất. Họ cung cấp thông tin hậu cần quan trọng liên quan đến các trạm kiểm soát, lối thoát hiểm cũng như tìm nguồn cung ứng các vật tư y tế khẩn cấp. Tính đến đầu tháng Sáu, cuộc chiến ở Sudan đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.800 người và khiến hơn 1,5 triệu người phải di tản. 

Joséphine (đứng) và những phụ nữ khác là nạn nhân của bạo lực tình dục đang cùng nhau vươn lên - ẢNH: ZELIE SCHALLER (One World)
Joséphine (đứng) và những phụ nữ khác là nạn nhân của bạo lực tình dục đang cùng nhau vươn lên - Ảnh: Zelie Schaller (One World)

 

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng kêu gọi tăng cường khẩn cấp các biện pháp can thiệp và tài trợ để ứng phó với số lượng ngày càng tăng các vụ BLTD đối với trẻ em và phụ nữ ở tỉnh Bắc Kivu, miền đông Cộng hòa dân chủ Congo. Các báo cáo về bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ em gái và phụ nữ ở Bắc Kivu đã tăng 37% trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Trong hầu hết các trường hợp, nạn nhân bị tấn công bởi những người có vũ trang.

Đại diện của UNICEF tại Congo - Grant Leaity - cho biết: “Trẻ em và phụ nữ phải đối mặt với sự lạm dụng và đau đớn nhiều hơn khi tìm đến các trại tập trung”. Theo UNICEF, tác động từ BLTD đối với sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em gái và phụ nữ là vô cùng lớn và lâu dài, với 1/4 nạn nhân BLTD cần được hỗ trợ chuyên môn về y tế và tâm lý.

Phụ nữ giúp nhau vượt qua nghịch cảnh

Những cuộc xung đột chết người đã diễn ra ở châu Phi trong nhiều thập niên, buộc phụ nữ phải hứng chịu những hành động tàn bạo không kể xiết nhắm vào họ. Dù vậy, nhiều phụ nữ đang hỗ trợ lẫn nhau, tìm cách đứng vững và chiến đấu vì hòa bình. 

Tại thị trấn chính của lãnh thổ Walungu nằm ở biên giới Nam Kivu thuộc Cộng hòa dân chủ Congo, cô Joséphine đã tìm thấy cuộc sống mới của mình. Khi bình minh ló dạng trong ngôi nhà gạch nhỏ bao quanh bởi ruộng bắp và hàng chuối, cô cất tiếng hát với giọng đầy cảm xúc: “Hôm nay tôi chấp nhận con người mình. Tôi kiên cường và tôi hạnh phúc”.

Vào buổi chiều, Joséphine cùng hơn 20 phụ nữ khác gặp nhau quanh chiếc bàn chất đầy giấy và sổ ghi chép. Tất cả họ đều là nạn nhân của BLTD nghiêm trọng. Bây giờ họ đấu tranh cho quyền của phụ nữ và ủng hộ hòa bình. Ban đầu, họ được các tổ chức quốc tế hỗ trợ về y tế, tâm lý xã hội và pháp lý. 

Phụ nữ và trẻ em là những người đặc biệt dễ tổn thương khi phải rời bỏ nhà cửa, quê hương tìm nơi lánh nạn khi các cuộc xung đột xảy ra - ẢNH: AP
Phụ nữ và trẻ em là những người đặc biệt dễ tổn thương khi phải rời bỏ nhà cửa, quê hương tìm nơi lánh nạn khi các cuộc xung đột xảy ra - ẢNH: AP

 

Sau đó, mạng lưới phụ nữ quốc tế Réseau des Femmes pour la Défense des Droits et la Paix (RFDP) với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) đã tổ chức các lớp xóa mù chữ, truyền đạt kiến thức cơ bản về các quyền cơ bản của phụ nữ cùng với đào tạo về khả năng lãnh đạo. Joséphine nói: “Bây giờ tôi có thể đọc các áp phích bầu cử và không dễ bị lừa gạt”. Phụ nữ cũng tích cực tham gia vào các ủy ban vì hòa bình và hỗ trợ những người sống sót khác báo cáo các vụ hãm hiếp, bắt cóc cho các quan chức chính quyền địa phương, cũng như đưa ra cảnh báo trên mạng xã hội.

Nhiều thập niên xung đột đã tàn phá các gia đình và cơ cấu xã hội, đồng thời phá hủy những chuẩn mực và giá trị của phụ nữ. Béatrice Barandereka - người hỗ trợ những nạn nhân bị cưỡng hiếp tại Trung tâm Seruka ở Burundi - cho biết: “Cộng đồng vẫn đang sống với những vết thương sâu dẫn đến bạo lực. Hành vi này là kết quả của hệ thống gia trưởng, trong đó phụ nữ có địa vị thấp hơn”.

Ở Burundi và Rwanda, tình trạng bấp bênh của các bé gái được thể hiện rõ ràng. Số vụ xâm hại trẻ vị thành niên đang gia tăng cùng với việc mang thai ngoài ý muốn và bạo lực gia đình. Anita (37 tuổi) - một phụ nữ 4 con ở Burundi đã trải qua BLTD bởi chính chồng mình - chia sẻ: “Tôi thường xuyên khóc, bỏ bê bản thân, chẳng màng tắm giặt”. Cô đã tham gia các chương trình tâm lý xã hội khu vực của SDC. Giờ đây, cô tự mình tổ chức các buổi hội thảo và trở thành một người truyền cảm hứng, hình mẫu cho sự thay đổi. 

Bản cáo trạng di cư của thế giới

Các cuộc xung đột ở Ukraine, Sudan và cuộc khủng hoảng ở Afghanistan cũng như biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng đã buộc hơn 110 triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm nơi an toàn trong năm 2022. Liên hiệp quốc gọi sự bùng nổ làn sóng di cư này là một “bản cáo trạng của thế giới”.

Việc buộc phải từ bỏ nhà cửa, rời quê hương mang đến cho người di cư một hành trình dài đen tối, phải đối mặt với đói khát, chết chóc, cướp bóc. Riêng phụ nữ và trẻ em còn đối diện thêm nghịch cảnh bị lạm dụng và hãm hiếp.

Theo báo cáo thường niên ”Xu hướng toàn cầu về di dời cưỡng bức” của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), vào cuối năm 2022, có đến 108,4 triệu người đã phải di dời tìm nơi an toàn. Con số này đã tăng thêm 19,1 triệu người so với cuối năm 2021 - mức tăng lớn nhất từ trước đến nay. “Chúng ta có 110 triệu người đã phải bỏ trốn vì xung đột, đàn áp, phân biệt đối xử và bạo lực, thường được trộn lẫn với các động cơ khác, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu. Nhìn về tương lai, tôi quan ngại rằng con số này có thể sẽ tăng cao hơn nữa” - Filippo Grandi - người đứng đầu UNHCR - nói.

Trong tổng số người phải sơ tán toàn cầu trong năm 2022, có 35,3 triệu người chạy ra nước ngoài, 62,5 triệu người phải sơ tán trong nước.

Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), ngày càng nhiều trường hợp cưỡng bức được ghi nhận và số lượng thương vong cũng lớn hơn tại các nơi diễn ra xung đột. Các bác sĩ cho biết, nhiều nạn nhân không được chăm sóc y tế vì các bệnh viện đã bị cướp phá hoặc phá hủy.

Theo UNFPA, bi kịch của những phụ nữ Sudan sau khi bị cưỡng bức là không được tiếp cận với thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc ngừa HIV và thuốc phá thai. Để sống sót, họ phải tìm đến những biện pháp phá thai hay điều trị bệnh tuyệt vọng. Sulaima Ishaq - Giám đốc Đơn vị chống bạo lực đối với phụ nữ của Sudan - cho biết: “Các vụ hãm hiếp đang xảy ra ở khắp nơi. Những gì được báo cáo chính thức có thể chỉ là một phần nhỏ của các trường hợp. Nhưng quan trọng là chúng tôi không có cách nào để tránh thai, thuốc phá thai và thuốc dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) để ngăn ngừa nhiễm HIV”.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ước tính 1/6 trẻ em trên thế giới phải đối mặt với chiến tranh như một phần cuộc sống của chúng. Theo ICRC, bên cạnh việc liên tục khiến trẻ em bị tổn hại về thể chất, xung đột, chiến tranh còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Báo cáo của ICRC cho biết trẻ em ở những nơi này thường xuyên bị mất ngủ, căng thẳng, lo lắng, hoảng loạn, đau buồn, sợ âm thanh lớn và gặp ác mộng. Một nghiên cứu năm 2022 ở Gaza cho thấy trẻ em luôn sống trong “trạng thái sợ hãi, lo lắng, buồn bã và đau buồn” và hơn một nửa số trẻ em ở Gaza đã nghĩ đến việc tự tử trong khi 3/5 trẻ em cho biết đã thực hiện hành vi tự làm hại bản thân.

Theo Liên hiệp quốc, giải quyết vấn đề di cư trên thế giới là một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu, nhất là khi con số người di cư liên tiếp gia tăng. Giải pháp cần có sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế.

Thu Thanh(theoAP, Japan Times

Theo phụ nữ TPHCM