Xóa bỏ bất bình đẳng và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào chính quyền
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị trực tuyến các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Hội nghị thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13 diễn ra theo hình thức trực tuyến do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Quốc hội Cộng hòa Áo và Liên hợp quốc tổ chức.
Hội nghị diễn ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 trong 2 ngày 19 và 20/8. Những kết quả của Hội nghị Nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 13 sẽ được đưa vào nội dung nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Gabriela Cuevas Barron. Ảnh: IPU
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron khẳng định, đây là diễn đàn quan trọng để đánh giá cao vai trò của Quốc hội và Nữ đại biểu Quốc hội để đối phó với đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả nhất.
Theo bà Barron, hiện nay thế giới chứng kiến nhiều sự bất bình đẳng đối với phụ nữ. Trong đó phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như sự không bình đẳng trong tham gia vào những chính sách. Sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động chính trị trong 25 năm qua có những tiến bộ nhưng không đáng kể.
Số lượng Thủ tướng Chính phủ hay người đứng đầu Nhà nước là phụ nữ chỉ chiếm khoảng 5-6%. Một thực tế khác là thu nhập của phụ nữ còn thấp hơn so với đàn ông từ 20 đến 25%. Cùng với đó, những thách thức của nền kinh tế tác động tiêu cực đến phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Phụ nữ còn phải đóng vai trò trong việc chăm sóc gia đình, con cái nên họ có ít cơ hội hơn đàn ông trong việc bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập, hội nhập xã hội và cộng đồng.
Số liệu về vấn đề y tế cũng cho thấy, có đến 70% lực lượng chăm sóc bệnh nhân là phụ nữ. Do đó, phụ nữ đóng vai trò lớn trong việc chống lại đại dịch Covid-19.
Một điều đáng lo ngại là trong thời gian đại dịch bùng phát vừa qua, rất nhiều vụ bạo lực gia đình đã diễn ra. Phụ nữ còn phải đối mặt với nguy cơ bóc bột và bạo lực tình dục.
Chủ tịch IPU nhấn mạnh, không thể nhắm mắt và phớt lờ trước tình trạng này, không được chủ quan và luôn nỗ lực cao nhất để thực hiện cam kết cũng như cần có biện pháp để thực thiện tốt Tuyên bố Bắc kinh về thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng có những cơ hội thúc đẩy thêm về bình đẳng giới. Với tinh thần đó, hội nghị này cần cam kết cao hơn để có biện pháp mạnh hơn để xóa bỏ tất cả sự bất bình đẳng phân biệt, cần phải có những luật và văn bản dưới luật để triển khai thực hiện.
Bà Barron kêu gọi các Chủ tịch Quốc hội, các nữ đại biểu Quốc hội với quyền hạn của mình có những đề xuất biện pháp xóa bỏ bất bình đẳng và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào chính quyền, giới thiệu phụ nữ có tiềm năng tham gia hoạt động chính trị, cố gắng đạt tỉ lệ 50% đại biểu Quốc hội là nữ. Trước những sự phân biệt, khoảng cách đối với phụ nữ thì cần phải có những luật bảo đảm thu nhập bình đẳng phụ nữ và đàn ông, mở ra nhiều cơ hội để có bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực với phụ nữ, loại trừ những hủ tục với phụ nữ. Những biện pháp này cần được triển khai ở cả lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, trẻ em gái
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn thúc đẩy các ưu tiên về chương trình nghị sự và các sáng kiến của Việt Nam liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái. Gần đây nhất, Việt Nam đã tổ chức thành công Phiên họp đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số với chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ với vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn".
Việc tổ chức Phiên họp đã cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam ở cấp cao của ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ, khuyến khích để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh tham gia phiên thảo luận chuyên đề về "Đẩy mạnh trao quyền kinh tế và tài chính cho phụ nữ" trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các nữ chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13. Nguồn ảnh: quochoi.vn
Trước tình hình khó khăn khi đại dịch Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, xã hội của hầu hết các quốc gia, với sự nhạy cảm, lòng nhân ái và bao dung, phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới đã nhanh chóng tham gia tuyến đầu trong công tác phòng chống và đấu tranh đẩy lùi và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh. Phụ nữ có các kỹ năng riêng để ứng phó khi hoàn cảnh xung quanh thay đổi bằng cách thực hiện những sáng kiến và các giải pháp thích nghi khác nhau mà họ tích lũy được từ cuộc sống và công việc hàng ngày của mình.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền phụ nữ, bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ trong xã hội, nhất là trong tình hình khủng hoảng y tế toàn cầu, thiên tai trong xã hội.
Cùng với đó, cần quan tâm và tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện bình đẳng giới trong xã hội, đặc biệt các hoạt động nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến đối với phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, nâng cao năng lực lên tầm cao mới.
Theo dự kiến chương trình hội nghị, hôm nay, 18/8, các đại biểu sẽ thảo luận chuyên đề 3 về “Chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ trong quốc hội và trong mọi hoạt động xã hội”.
PV (Nguồn: IPU, Quochoi.vn)