Kể từ khi Covid-19 bùng phát, Trung Quốc nổi lên như một trong những nước dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine. 9 "ứng viên" được chấp thuận thử nghiệm lâm sàng, trong đó 5 loại bước vào giai đoạn ba. Trung Quốc sở hữu nhiều vaccine hơn bất cứ quốc gia nào khác. Thành tựu này là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của một đất nước vốn có bề dày kinh nghiệm xử lý mầm bệnh truyền nhiễm.

Sự phát triển đó là bước đệm nâng cao vị thế cường quốc công nghệ sinh học của đại lục, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn cũng như nguy cơ Bắc Kinh sử dụng tầm ảnh hưởng của mình trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Tuần trước, hãng dược CanSino Biologics thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba tại Arab Saudi với 5.000 tình nguyện viên. Các loại vaccine dự kiến đưa vào sử dụng trong vài tháng tới.

Tiến trình "vũ bão" của Trung Quốc có được do mối quan hệ sâu sắc giữa các công ty dược phẩm và viện nghiên cứu nhà nước tài trợ. Thực tế, CanSino vốn thuộc sở hữu tư nhân, nhưng được các nhà khoa học trực thuộc quân đội hỗ trợ chặt chẽ.

Y tá trong chương trình thử nghiệm vaccine của hãng dược Sinovac đang tiêm thử sản phẩm cho tình nguyện viên tại Brazil. Ảnh: Reuters

Hãng dược khác, Sinopharm, đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, là một công ty nhà nước. Trong khi đó, Sinovac Biotech là doanh nghiệp hợp tác giữa Đại học Bắc Kinh và các công ty Hong Kong. Tất cả đều có sự hậu thuẫn lớn của của chính quyền trung ương và Bộ Khoa học & Công nghệ - đầu tàu trong chiến dịch vaccine.

Trong sách trắng về kế hoạch đối phó Covid-19 ban hành hồi tháng 6, Bộ đã nhấn mạnh các bước phát triển vaccine sẽ được tiến hành đồng thời, sử dụng 5 công nghệ khác nhau. Khi chưa biết "ứng viên" nào đủ hiệu quả, Trung Quốc chọn cách thử nghiệm toàn bộ để chuẩn bị nguồn dự trữ quốc gia.

Với sự hỗ trợ của chính phủ, CanSino và Sinovac dự kiến sản xuất từ 100 đến 200 triệu liều tiêm hàng năm.

Thế mạnh của Trung Quốc vẫn luôn là vaccine bất hoạt, dùng virus đã bị vô hiệu hoá, giảm độc lực hoặc vi khuẩn nuôi cấy mất khả năng sinh bệnh, giúp kích hoạt hệ miễn dịch. Trong số 4 hãng dược trên thế giới sử dụng công nghệ này, ba đơn vị đến từ đại lục.

Đây là cách làm truyền thống, tồn tại từ lâu. Hiệu quả và độ an toàn đã được chứng minh trong tài liệu y khoa. Tuy nhiên, virus nuôi cấy trong trứng gà và tế bào động vật nên việc sản xuất tốn nhiều công sức và thời gian. Các công ty châu Âu và Mỹ đã tránh sử dụng phương pháp này, thay vào đó họ lựa chọn công nghệ di truyền. Song Trung Quốc bày tỏ sự nghi ngờ ngược lại với hình thức điều chế mới.

Tốc độ phát triển nhanh chóng của nước này một phần do kinh nghiệm đối phó với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như SARS hay cúm gia cầm trong quá khứ. Công ty nghiên cứu Astamuse, trụ sở Tokyo, Nhật Bản, thậm chí đã tìm thấy tới 106 đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc vào năm ngoái, liên quan đến phương pháp ngăn ngừa nhiễm nCoV. Con số cao gần gấp đôi so với Mỹ.

Nước này liên tục dẫn đầu kể từ năm 2008, trong đó cốt lõi của việc phòng dịch là công nghệ virus bất hoạt.

                  Các liều tiêm phòng Covid-19 của công ty Sinovac, tháng 3/2020. Ảnh: Xinhua

Dù vậy, vaccine Trung Quốc hiếm khi được phân phối ra nước ngoài. Hiệu quả thực sự của chúng cũng chưa được chứng minh. Các thử nghiệm lâm sàng phần lớn tập trung vào tốc độ. Các nhà khoa học rất hiếm khi tiết lộ thông tin về tác dụng cũng như phản ứng phụ của sản phẩm. Một chuyên gia Nhật Bản nhận định, ngay cả khi hoàn tất nghiên cứu, "nỗi lo về vấn đề an toàn vẫn còn đó".

"Ngoại giao vaccine", khi Trung Quốc sử dụng vaccine để bành trướng quyền lực, cũng là mối quan tâm.

"Quá trình nghiên cứu sẽ được công khai toàn cầu sau khi phê duyệt vaccine. Trung Quốc cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận và chi trả đối với cả các nước đang phát triển", Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới hồi tháng 5. Ông ngỏ ý muốn chia sẻ sản phẩm đối với thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi nước này ưu tiên người dân của mình, bất chấp các tranh chấp về vấn đề Biển Đông.

Bên cạnh Trung Quốc, Nga là một trong những nước dẫn đầu cuộc đua. Hôm 11/8, Tổng thống Vladimir Putin thông báo phê duyệt loại vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa Covid-19. Mỹ cũng cam kết đầu tư hơn 10 tỷ USD, đảm bảo cung ứng hàng trăm triệu liều tiêm. Giai đoạn đưa vaccine vào sử dụng đại trà đang diễn ra cấp tốc, công cuộc mua bán nhanh chóng trở thành vấn đề toàn cầu.

Theo vnexpress