|
|
Những người ủng hộ nữ quyền biểu tình cho quyền được phá thai của phụ nữ ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap. |
Lệnh cấm phá thai được Tòa án Tối cao Mỹ thông qua hôm 24/6 đã gây nên cuộc tranh cãi gay gắt về quyền của phụ nữ. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, nhiều người đang tiếp tục đấu tranh cho quyền được phá thai, theo Korea Bizwire.
Suốt gần 7 thập kỷ (kể từ năm 1953), phụ nữ nước này phải sống với luật cấm được cho là bất công. Nhiều người đã mạo hiểm tính mạng để đi phá thai chui và đối diện sự kỳ thị của xã hội.
Năm 2019, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt, rằng cấm phá thai là hoàn toàn vi hiến và thay đổi luật pháp để cho phép phụ nữ phá thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Hiện tại ở xứ kim chi, không khó để bắt gặp những mẩu quảng cáo dịch vụ phá thai trên các phương tiện truyền thông xã hội hay các website.
Trên Twitter, nhiều người đưa ra lời khuyên cho những ai có ý định phá thai, về các lưu ý và nơi thực hiện phẫu thuật. Các cộng đồng nữ quyền cũng chia sẻ những vấn đề liên quan đến phá thai và gợi ý bệnh viện phù hợp.
Trước đó, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia phát triển cấm phá thai, trừ một số trường hợp mang thai do bị hãm hiếp, loạn luân, bệnh di truyền hoặc tính mạng của người mẹ bị thai nhi đe dọa.
Bất kỳ ai vi phạm đều có thể bị bỏ tù tới 1 năm hoặc phạt tiền nặng. Bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tay cho phá thai bất hợp pháp có thể đối diện án tù 2 năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc sửa đổi luật vẫn chưa được thực hiện. Nói cách khác, luật cấm phá thai đã được gỡ bỏ nhưng phẫu thuật này vẫn chưa được thực thi một cách hợp pháp.
Do không có các quy định rõ ràng, nhiều phụ nữ ở Hàn không thể làm gì khi bị bệnh viện từ chối phẫu thuật. Phá thai cũng không được bảo hiểm y tế chi trả và mỗi bệnh viện lại quy định một mức giá phẫu thuật khác nhau.
Các nhóm đấu tranh về quyền phụ nữ đang kêu gọi sửa đổi luật càng sớm càng tốt để đưa phẫu thuật phá thai vào nhóm dịch vụ y tế do bệnh viện cung cấp.
Nhiều người cũng giới thiệu loại thuốc phá thai có giá cả phải chăng và an toàn hơn so với phẫu thuật. Các tổ chức nữ quyền và nhiều nhân viên trong ngành y tế đồng thời yêu cầu hợp pháp thuốc phá thai - loại thuốc đang bị cấm ở nước này.
Theo Human Rights Pulse, luật cấm phá thai đã được gỡ bỏ, song vẫn còn một chặng đường dài để phụ nữ Hàn Quốc có thể phá thai an toàn. Thông tin về phá thai an toàn vẫn còn hạn chế, thiếu quy định cụ thể trở thành rào cản với những người muốn tiếp cận phẫu thuật này.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị từ xã hội cũng là áp lực lớn với những phụ nữ phá thai ở xứ củ sâm, dù đây là vấn đề cấm kỵ ít khi được đưa ra thảo luận trước công chúng.
Những phụ nữ chưa chồng mà chửa bị chính gia đình của họ cô lập, buộc phải ở trong các trại tạm trú của chính phủ hay trung tâm nhận con nuôi. Nhiều người mang thai ngoài ý muốn bị gia đình cấm phá thai.
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) đã tuyên bố rằng ở một quốc gia dân chủ, phụ nữ không bị ép buộc phải mang thai, do đó được phá thai cũng là quyền của họ.
Theo zingnews