Khi đại dịch bùng phát, Dharushana Muthulingam (38 tuổi) đang trong thời gian nghỉ thai sản. Gia đình cô mới đón chào đứa con thứ hai.

Tháng 4, cô quay trở lại công việc toàn thời gian với tư cách là một bác sĩ bệnh truyền nhiễm và nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Washington ở St. Louis (bang Missouri, Mỹ).

Muthulingam làm việc trực tuyến cùng một nhóm bác sĩ để nghiên cứu virus corona, tìm hiểu xem mọi người có cần xét nghiệm lại không và hướng dẫn các bệnh viện về cách đề phòng dịch bệnh. Cô thường làm việc 6-7 ngày/tuần, kể cả ban đêm.

Đa số những người mất việc làm trong đại dịch là phụ nữ. Ảnh: Getty.

Thông thường, trong nhiều năm qua, chồng của Muthulingam, một nhà nghiên cứu khoa học, đảm nhiệm thêm việc nhà do vợ quá bận rộn. Nhưng lần này, nữ bác sĩ là người quyết định từ bỏ công việc nghiên cứu, trở thành bác sĩ bán thời gian để chăm sóc gia đình.

Thân là một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, quyết định lui về hậu phương của Muthulingam không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp của cô mà còn gây tổn thất cho xã hội.

“Tôi trằn trọc cả suốt đêm. Tôi có rất nhiều lợi thế: Một con đường sự nghiệp thành công, một người chồng cực kỳ thấu hiểu vợ cùng một môi trường làm việc tích cực, được đồng nghiệp ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng rốt cuộc, từng ấy thứ vẫn chưa đủ với tôi”, cô nói.

Phụ nữ phải trả tiền để được đi làm


Có nhiều bà mẹ ở cùng cảnh ngộ với Muthulingam. Họ phải đưa ra quyết định phù hợp cho gia đình trước mắt, nhưng lại gây ra hậu quả nặng nề lâu dài về mặt tinh thần. Phần lớn số việc làm bị mất trong đại dịch là của phái nữ.

“Mỗi tháng kể từ tháng 6, tốc độ tăng trưởng việc làm và tỷ lệ tham gia lao động của những phụ nữ đã lập gia đình chậm lại rõ rệt”, Michael Madowitz, nhà kinh tế học tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho biết.

Trong đại dịch, phụ nữ chỉ có thể chọn giữa tiếp tục đi làm hoặc ở nhà chăm con. Ảnh: Tigor Boraspati Sidauruk.

Nhìn chung, số phụ nữ rời bỏ lực lượng lao động nhiều hơn gấp 4 lần so với nam giới chỉ trong tháng 9. Theo Madowitz, cứ mỗi phụ nữ kiếm được việc làm thì có ba người bỏ việc.

Mặc dù những gì đang diễn ra không hoàn toàn do lỗi chênh lệch địa vị giữa hai vợ chồng, một số nhà kinh tế cho rằng tình hình tồi tệ này có liên quan mật thiết đến việc chăm sóc con cái trong mùa dịch.

“Không ngạc nhiên khi tỷ lệ nữ giới quay lại lực lượng lao động vẫn ảm đạm. Hiện nhiều trường học vẫn đóng cửa và duy trì học trực tuyến vì Covid-19”, Betsey Stevenson, Giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan (bang Michigan, Mỹ), cho biết.

Có thể nói, ngay từ trước khi có đại dịch, phụ nữ “đang phải trả tiền để được đi làm”, theo giáo sư Stevenson. Họ phải bỏ tiền để thuê người trông giữ con cái, mà chi phí chăm sóc trẻ em ở Mỹ rất đắt đỏ. Thông thường, khoản phí này sẽ được cắt giảm phần nào khi lũ trẻ đến trường.

Theo Jessica Calarco, Phó giáo sư xã hội học tại Đại học Indiana (Mỹ), ở những thời kỳ khủng hoảng kinh tế trong quá khứ, các cặp vợ chồng dị tính thường quay lời lại vai trò giới truyền thống, tức chồng đi làm - vợ ở nhà nội trợ. Và kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng này đang tái diễn.

Khi gia đình bàn bạc xem ai sẽ ở nhà chăm sóc con cái hoặc các thành viên mắc bệnh, thường chỉ có đàn ông, những người có mức lương cao hơn, được trở lại hoặc tiếp tục làm việc.

Bộ phận giảm xóc của xã hội


Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc phụ nữ cảm thấy hài lòng. Thậm chí, chưa chắc quyết định chỉ người chồng được đi làm là tốt cho cuộc hôn nhân và đảm bảo tài chính lâu dài.

“Việc phụ nữ phải hy sinh sự nghiệp để chăm sóc gia đình là một cái giá cực kỳ lớn. Điều này còn gây ra căng thẳng trong gia đình. Có thể thấy Covid-19 đã tạo ra một thế hệ phụ nữ bị tổn thương ít nhiều”, Giáo sư Stevenson cho biết.

Thay vì yêu cầu vợ/chồng của họ đóng góp việc nhà nhiều hơn, các bà mẹ thường tự đổ lỗi cho bản thân. Ảnh: Tesco.

Hồi tháng 4, Phó giáo sư Calarco đã thực hiện cuộc khảo sát đối với 100 bà mẹ bang Indiana. Bà cho biết gần 40% những người được hỏi ngày càng cảm thấy tức giận và thất vọng đối với bạn đời của mình, mà nguyên nhân chính là chuyện chăm sóc con cái.

“Thay vì yêu cầu vợ/chồng của họ đóng góp việc nhà nhiều hơn, các bà mẹ thường tự đổ lỗi cho bản thân. Họ cảm thấy có trách nhiệm phải tự giảm tải khối lượng công việc để lo cho gia đình, bao gồm nghỉ việc, dùng thuốc chống trầm cảm hoặc phớt lờ nỗi lo về Covid-19”, phó giáo sư cho biết.

Có thể nói, phụ nữ chính là “bộ phận giảm xóc” của xã hội. Đời sống càng nghèo và bấp bênh, họ càng phải chịu nhiều cú sốc.

Ít nhất, bác sĩ Muthulingam còn có thể cắt giảm khối lượng công việc. Nhưng những bà mẹ đơn thân như Jamie Brody (38 tuổi) ở bang Florida thì không thể.

Brody có một cô con gái mới chỉ 3 tuổi. Do thất nghiệp từ hồi tháng 5, trong thời gian nghỉ dịch, cô dành cả ngày để dạy dỗ và chơi đùa với con. Nhưng ngay khi ru con ngủ xong, Brody tiếp tục dành 3-5 tiếng mỗi đêm để tìm việc làm trên Internet.

Cuối cùng, cô cũng tìm được công việc bán phần mềm trực quan hóa dữ liệu và mới bắt đầu cách đây 2 tuần. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc cô phải gửi con gái đến trường mầm non.

“Tôi cảm giác như mình đứng giữa hai lựa chọn, hoặc là tài chính, hoặc là sức khỏe của gia đình. Không một phụ huynh nào muốn đứng ở vị trí này cả”, Brody chia sẻ.

Theo  Zing