Phụ nữ Philippines khổ sở bởi luật cấm phá thai hà khắc
Cập nhật lúc 21:39, Thứ tư, 20/07/2022 (GMT+7)
Phá thai là hoạt động bất hợp pháp ở Philippines. Mỗi năm nước này có hơn 1 triệu phụ nữ trẻ phải tìm mọi cách để phá thai bất hợp pháp, bất chấp tính mạng bị đe dọa.
Là bác sĩ phẫu thuật kinh nghiệm nhiều năm, bác sĩ Miriam cho biết, dù đã trải qua nhiều ca phẫu thuật có rủi ro cao nhưng bà thấy rằng không có ca nào “phức tạp hoặc nguy hiểm” như phá thai. Nữ bác sĩ - dùng bí danh để tránh bị truy tố theo pháp luật khi hỗ trợ giúp phẫu thuật hay phá thai - cho biết: “Chúng tôi phải chịu rủi ro rất lớn nếu đồng ý thực hiện phá thai. Tôi đã thực hiện bốn lần phá thai cho phụ nữ từ 23 - 48 tuổi và tất cả đều diễn ra trong bí mật”.
Theo luật, phụ nữ bị phát hiện phá thai phải đối mặt với án tù từ 2 - 6 năm. Các bác sĩ và y tá bị bắt quả tang hỗ trợ phá thai cũng bị trừng phạt nghiêm khắc. Miriam nói: “Chúng tôi có nguy cơ bị mất giấy phép hành nghề và sẽ phải đối mặt với các cáo buộc trước tòa”.
Ở Philippines, nhiều phụ nữ có thai ngoài ý muốn đã tìm mọi cách phá thai bất chấp rủi ro. Luật sư Clara Rita Padilla - phát ngôn viên của Mạng lưới vận động phá thai an toàn Philippines (PINSAN) - nói: Mặc dù có những điều khoản gần đây được cho là tiến bộ về luật phá thai ở Philippines, nhưng không có sự miễn trừ rõ ràng nào cho phép phá thai ngay cả trong những trường hợp nghiêm trọng như hiếp dâm và loạn luân, hoặc để cứu sống tính mạng người mẹ khi mang thai.
|
|
Tỷ lệ trẻ em mang thai ở Philippines thuộc nhóm đứng đầu thế giới - ẢNH: AP |
Một nghiên cứu do PINSAN thực hiện vào năm 2020 cho thấy có 1,26 triệu ca phá thai đã được thực hiện ở nước này mỗi năm. Padilla cho biết hầu hết phụ nữ phá thai dưới 25 tuổi và khó khăn về tài chính. Nhiều cô gái trẻ lén phá thai cho biết họ không có lựa chọn nào khác.
Kristy - bà mẹ bốn con, 28 tuổi - đã giấu kín chuyện phá thai với chồng và gia đình. Cô chia sẻ: “Họ buộc tôi phải giữ đứa bé nhưng tôi đã rất vất vả để nuôi bốn đứa con. Làm thế nào có thể đủ khả năng để nuôi thêm một đứa trẻ khi sức khỏe tôi đã cạn kiệt, không thể nuôi dưỡng cái thai trong bụng”. Để chấm dứt thai kỳ, Kristy đã tìm đến dịch vụ của một nữ hộ sinh và trả 550 peso (10 USD) cho một liệu trình “massage chữa bệnh”. Cô mô tả việc bị trợ lý của nữ hộ sinh đè xuống, nhào nắn mạnh tay và đập mạnh vào bụng dưới để cuối cùng dẫn đến sảy thai. “Nó thật kinh khủng. Tôi đau đến tột cùng”, cô kể.
Nhiều người cho rằng đã đến lúc Philippines phải loại bỏ “những quy định vô nhân đạo” trong luật phá thai để cứu sống phụ nữ. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros cho rằng: “Những quy định này chỉ dẫn đến một đại dịch âm thầm về phá thai không an toàn, vốn đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều phụ nữ. Chúng ta cũng không nên tống phụ nữ vào tù sau những trải nghiệm khó khăn và đau đớn như vậy”. Hontiveros kêu gọi hoạt động phá thai “chui”, không an toàn nên dừng lại và hãy coi việc phá thai như một bước đi tiến bộ của đất nước.
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng Giêng, ông Ferdinand Marcos Jr - khi đó là ứng viên cho vị trí Tổng thống Philippines - đã chia sẻ quan điểm về việc phá thai và nói rằng ông sẽ hợp pháp nó với những trường hợp nghiêm trọng. Bởi ông lo ngại về những cái chết do phá thai không an toàn, “đó là quyết định của một phụ nữ vì nó là cơ thể của cô ấy”, ông nói. Những người ủng hộ khi đó đã hoan nghênh “sự cởi mở” của ông Ferdinand Marcos Jr trong việc ủng hộ những thay đổi đối với luật phá thai của Philippines. “Hạn chế nạo phá thai không ngăn chặn được nó mà thực sự làm cho nó trở nên nguy hiểm hơn và chúng tôi đã thấy điều này đang diễn ra trên toàn thế giới”, một thành viên của PINSAN nói.
Theo phunuonline.com.vn