Ngày 14/2, Wu Xiuming - Phó giám đốc Hiệp hội Phát triển Think Tank Sơn Tây thuộc Học viện Khoa học Xã hội - trả lời Tân Hoa Xã rằng tỷ lệ độc thân ở Trung Quốc hiện phân bố không đồng đều.
Theo đó, đa số người chưa kết hôn tại các thành phố lớn là phụ nữ. Ngược lại, nam giới độc thân lại chiếm số lượng lớn ở nông thôn hay các vùng hẻo lánh.
Trước tình trạng trên, ông Wu khuyến khích 2 đối tượng này nên kết hôn với nhau nhằm thúc đẩy quá trình di dân, thúc đẩy các lao động lên thành phố làm việc và giải quyết vấn đề tỷ lệ kết hôn ở xứ tỷ dân.
"Về lâu dài, đây là giải pháp hiệu quả nhất để thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và các khu vực khác", ông Wu nhận định.
|
Nam giới sống tại vùng nông thôn Trung Quốc gặp khó khăn khi tìm kiếm bạn đời vì thiếu hụt đối tượng và gánh nặng tài chính. Ảnh:New York Times. |
Theo Sixth Tone, cánh mày râu ở nông thôn đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng gia đình. Ngoài vấn đề chênh lệch giới tính do tư tưởng "trọng nam khinh nữ" cố hữu, họ khó có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt tài chính.
Trước khi kết hôn, nam giới xứ tỷ dân được kỳ vọng sắm đủ nhà cửa, xe cộ và công việc ổn định để tìm đối tượng phù hợp. Tân Hoa Xã cho biết các chú rể nông thôn thường mất 500.000-1 triệu yuan (khoảng 77.000-154.000 USD) tiền thách cưới.
Còn Hou Hongbin, nhà hoạt động nữ quyền người Quảng Châu, khẳng định chính sách dân số và quan niệm "trọng nam khinh nữ" là 2 trong nhiều nguyên nhân khiến ngày càng nhiều phụ nữ thành thị lựa chọn lối sống độc thân.
Bên cạnh đó, một lý do khác chính là sự độc lập, tự chủ của phụ nữ hiện đại. "Thời xưa, không cô gái nào dám nói: 'Tôi không muốn lấy chồng'. Giờ đây, câu nói trên phổ biến hơn rất nhiều, dù không phải ai cũng dám nói, dám làm", Hou giải thích.
|
Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc lựa chọn cuộc sống "không kết hôn, không con cái" vì muốn bứt phá khỏi định kiến xã hội, sống cuộc đời riêng. Ảnh:The Conversation. |
Ý tưởng ghép đôi phụ nữ thành thị với nam giới nông thôn do Wu Xiuming đề xuất lập tức nhận về làn sóng phản đối gay gắt từ dư luận Trung Quốc. Tính đến ngày 18/2, hashtag liên quan tới chủ đề trên nhận về hơn 320 triệu lượt xem trên Weibo.
"Vấn đề thực sự chính là quan điểm gia trưởng cố hữu. Đừng gộp hôn nhân và sinh sản làm một", một dân mạng bình luận.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết ý tưởng "bắt cặp" của phó giám đốc Hiệp hội Phát triển Think Tank Sơn Tây hoàn toàn phi thực tế.
"Chúng ta nên ngừng kỳ thị những người độc thân. Sau cùng, hôn nhân là sự lựa chọn, không phải điều bắt buộc", Ban Tao - giảng viên Xã hội học và Khoa học Chính trị tại ĐH An Huy nói với Sixth Tone.
Theo Zing