leftcenterrightdel
Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, ngày 17/1/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) 

Bác Hồ kính yêu từng nói “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Lời của Bác đã khẳng định vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam đối với đất nước và điều này được thể hiện rất rõ trong lĩnh vực đối ngoại, trong đó có đối ngoại nhân dân.

Dấu ấn các nữ chính trị gia

Ngoại giao Việt Nam nói chung và đối ngoại nhân dân Việt Nam nói riêng tự hào có đội ngũ các nhà ngoại giao nữ tài ba, những “bông hồng thép” đã có những đóng góp xuất sắc vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta trước đây và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Lịch sử đối ngoại nhân dân Việt Nam ghi đậm dấu ấn của nhiều nữ chính trị gia kiệt xuất, những biểu tượng, niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, những người vừa đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội vừa dành rất nhiều trí tuệ, tâm huyết và có đóng góp hết sức to lớn cho đối ngoại nhân dân.

Đó là nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; các nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Trương Thị Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan, Đặng Thị Ngọc Thịnh và Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba Trương Thị Mai cùng nhiều nữ ngoại giao khác.

Các bà, các chị đã, đang và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ các nhà ngoại giao nữ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Một trong những hình ảnh tiêu biểu của đối ngoại nhân dân Việt Nam là nhà ngoại giao nữ kiệt xuất Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1969-1973).

Bà là một trong những nhân vật lịch sử - người phụ nữ duy nhất đã đặt bút ký vào Hiệp định Paris năm 1972 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và sau này là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam.

Nhà ngoại giao nữ duyên dáng, thanh lịch nổi tiếng trên trường quốc tế với cái tên “Madame Bình” đã chinh phục trái tim của hàng triệu người trên thế giới bằng phong thái đậm nét truyền thống văn hóa Việt Nam và những câu đối đáp thông minh, sắc sảo, đanh thép, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam kiên quyết chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do và hòa bình thống nhất đất nước.

Bà cũng làm cho thế giới cảm phục, yêu mến và ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam, góp phần tạo nên mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn và mạnh mẽ chưa từng có phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Gắn kết “từ trái tim đến trái tim”

Với thế mạnh riêng là sự nhạy bén, năng động, sáng tạo, tinh tế, khả năng cảm thông, chia sẻ và đặc biệt là hết sức tâm huyết trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng hiện nay, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong đối ngoại nhân dân.

Chị em đang tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, nỗ lực củng cố và mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác, góp phần tranh thủ sự ủng hộ đoàn kết quốc tế đối với sự nghiệp phát triển đất nước nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đối ngoại nhân dân là diễn đàn rộng mở, tự nguyện, gắn kết con người “từ trái tim đến trái tim” nên quy tụ được đông đảo đại diện tâm huyết từ mọi tầng lớp trong xã hội.

Trong hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) - lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân, phụ nữ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các tổ chức thành viên, có vai trò và đóng góp quan trọng vào thành công của các hoạt động đối ngoại nhân dân.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga.

Nhiều tổ chức hữu nghị thành viên ở trung ương và địa phương có Chủ tịch và lãnh đạo là nữ. Nhiều nữ giáo sư, trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân đã tham gia và tích cực đóng góp, hỗ trợ cho công tác đối ngoại nhân dân, làm phong phú thêm lực lượng và nội hàm của đối ngoại nhân dân.

Nhiều nữ Đại sứ sau khi nghỉ hưu, giã từ ngoại giao Nhà nước, vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của các tổ chức hữu nghị nhân dân, tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp đối ngoại như các chị Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Hồi, Đinh Thị Minh Huyền, Phan Thuý Thanh, Luận Thuỳ Dương...

Các chị không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm vô giá về đối ngoại, kết nối giữa các thế hệ cán bộ ngoại giao mà còn là những tấm gương về sự tận tâm hy sinh cống hiến, sự đam mê yêu nghề và tinh thần trách nhiệm, nhân cách của những người có vinh dự được làm người đại diện cho đất nước.

Tại cơ quan thường trực của VUFO có gần 70% cán bộ, công chức là nữ, trong đó có một Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hai Trưởng ban, sáu Phó trưởng ban.

Vượt qua nhiều khó khăn xuất phát từ đặc thù công việc phải thường xuyên đi công tác xa, làm việc không kể ngày nghỉ, ngoài giờ, các chị em đã rất nỗ lực vừa làm tốt vai trò người mẹ, người vợ, người con vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, chị em cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo, tổ chức thành công nhiều hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị kỷ niệm các ngày lễ lớn trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, các sự kiện giao lưu, diễn đàn nhân dân quốc tế, tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ cho Việt Nam, thông tin quảng bá về Việt Nam.

leftcenterrightdel
Cơ quan thường trực của VUFO có gần 70% cán bộ, công chức là nữ. (Nguồn: VUFO) 

Trong thành công của các hoạt động lớn như các sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao, Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, các diễn đàn nhân dân Việt - Trung, Đại hội Hội đồng Hòa bình thế giới lần thứ 22, Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris... đều có sự đóng góp hết sức quan trọng của những người phụ nữ.

Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Chỉ thị 12-CT/TW ngày 5/2/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định vai trò và nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân trong việc xây dựng nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi, tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác với nhân dân các nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong đối ngoại nhân dân, VUFO sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Ngoại giao, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức của Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nâng cao nhận thức trong xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung và trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng.

Đồng thời, VUFO chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của phụ nữ cả về kiến thức và kỹ năng đối ngoại, nhất là ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa các dân tộc, các chương trình nghị sự của Liên hợp quốc như phụ nữ, hòa bình và an ninh, xây dựng văn hóa hòa bình...

“Nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả các thế hệ những người phụ nữ làm công tác đối ngoại và đối ngoại nhân dân, những người vừa giữ lửa cho tổ ấm gia đình vừa nuôi dưỡng và lan tỏa ngọn lửa đam mê đối với sự nghiệp ngoại giao.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng những người phụ nữ làm công tác đối ngoại nhân dân Việt Nam sẽ phát huy được “sức mạnh mềm” của ngoại giao Việt Nam, góp phần thực hiện vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam và đóng góp tích cực vào việc vun đắp hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc”.

(Đại sứ Nguyễn Phương Nga)

Theo baoquocte