Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống xã hội, làm lộ ra thực trạng bị gạt ra bên lề của các nhóm yếu thế nhất trong xã hội phải đối mặt. Đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến đời sống của 1 tỷ người khuyết tật trên toàn thế giới. Ngay cả trong hoàn cảnh thông thường nhất người khuyết tật vốn đã ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các cơ hội việc làm có thu nhập hoặc tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng.

Thực trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với những người khuyết tật ở trong bối cảnh cần cứu trợ nhân đạo và dễ bị tổn thương. Những người khuyết tật dễ bị đẩy vào cuộc sống đói nghèo hơn, đối mặt với bạo lực, bị bỏ rơi và bạo hành nhiều hơn. Đại dịch đang gia tăng những bất bình đẳng này và tạo ra những mối đe dọa mới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Người khuyết tật là một trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Họ gặp hạn chế trong việc tiếp cận thông tin y tế công cộng, các rào cản đáng kể để thực hiện các biện pháp thực hiện vệ sinh cơ bản và khó khăn trong việc tiếp cận các cơ sở y tế. Nếu họ nhiễm Covid-19, tình trạng sức khỏe của người khuyết tật sẽ còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn và có thể dẫn tới tử vong. Tỷ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe, nơi số lượng người khuyết tật cao tuổi chiếm một tỷ lệ lớn dao động từ 19% đến 72%. Đây là một con số đáng báo động.

Ở một số quốc gia, các quyết định phân bổ nguồn lực y tế chăm sóc sức khỏe còn dựa trên các tiêu chí mang tính phân biệt đối xử, chẳng hạn như tuổi tác hoặc những tiền đề về chất lượng hoặc giá trị của mạng sống con người dựa trên đặc điểm khuyết tật của họ. Chúng ta không thể để điều này tiếp tục diễn ra, chúng ta phải đảm bảo quyền bình đẳng của người khuyết tật trong việc tiếp cận các quy trình chăm sóc sức khỏe và cứu sinh trong đại dịch.

Trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, nếu như người khuyết tật vốn đã ít có cơ hội tìm kiếm được việc làm thì giờ đây, họ còn phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao hơn và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi trở lại làm việc. Tuy nhiên, chỉ có 28% người khuyết tật nặng được tiếp cận với các phúc lợi và tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ 1%.

Phụ nữ khuyết tật và trẻ em gái, đối mặt với nguy cơ bạo lực gia đình cao hơn và thực trạng này ngày càng trầm trọng trong đại dịch.

Theo Liên minh người khuyết tật quốc tế, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật chiếm 1 trong 5 số phụ nữ trên toàn cầu. Người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đối mặt với nguy cơ bạo lực gia đình cao hơn và thực trạng này ngày càng trầm trọng trong đại dịch. Họ có thể bị tăng nguy cơ phơi nhiễm và biến chứng từ Covid-19.

Ông Guterres kêu gọi các chính phủ đặt nhu cầu của người khuyết tật vào trung tâm trong các nỗ lực ứng phó và phục hồi trước khủng hoảng Covid-19 và tìm hiểu nhu cầu cũng như khuyến khích sự tham gia của người khuyết tật nhiều hơn. "Nhìn về tương lai, chúng ta có một cơ hội duy nhất để xây dựng và thực hiện các xã hội toàn diện và có nhiều khả năng tiếp cận để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Khi chúng ta bảo đảm được các quyền của người khuyết tật là chúng ta đang đầu tư vào tương lai chung của tất cả mọi người", ông Guterres khẳng định.

Nhu Thụy (Nguồn: UN, reliefweb.int)