Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu
Thúc đẩy vai trò nữ giới

Với chủ đề “Phụ nữ trong thế giới ngày nay, những chân trời hợp tác mới”, Diễn đàn phụ nữ Á-Âu là nơi thảo luận các vấn đề về an sinh-xã hội, phát triển bền vững, hợp tác quốc tế cũng như tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị, kinh tế và kinh doanh. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về hợp tác phụ  nữ Á - Âu, khẳng định ý nghĩa của diễn đàn không chỉ là những vấn đề của phụ nữ các quốc gia từ hai châu lục Á - Âu mà còn là của phụ nữ trên toàn thế giới. Diễn đàn là minh chứng sinh động, thể hiện xu hướng tích cực trong hợp tác quốc tế phụ nữ vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng; quyết tâm phát huy khả năng của phụ nữ trong việc góp phần giải quyết những thách thức hiện nay cũng như vai trò của phụ nữ trong thúc đẩy phát triển bền vững, lấy cộng đồng làm trung tâm, tôn trọng các giá trị gia đình. Hội nghị đã ghi nhận Chương trình Nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015, coi đây là một chương trình hành động toàn cầu, đóng góp vào sự tiến bộ chung của phụ nữ.

Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu đã khuyến nghị các nghị viện và tổ chức liên nghị viện trên thế giới lồng ghép nâng cao vị thế của phụ nữ bảo đảm quyền xã hội, kinh tế và pháp lý cho phụ nữ; vai trò của phụ nữ trong phương tiện thông tin đại chúng; sự an toàn của trẻ em trong môi trường kỹ thuật số; thúc đẩy đối thoại văn hóa giữa các quốc gia; tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm nhằm bảo đảm bình đẳng giới trên thực tế. Tại diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá, cam kết, khuyến nghị thể chế hóa Diễn đàn Phụ nữ Á- Âu định kỳ 3 năm 1 lần và đưa Ban tổ chức Diễn đàn thành một tổ chức ổn định. Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu lần thứ hai sẽ diễn ra tại St. Peterburg vào năm 2018.

 

Đoàn Quốc hội Việt Nam và Nhóm các nghị sĩ hợp tác với Quốc hội Việt Nam tại trụ sở Hội đồng liên bang Nga

Vị thế của Việt Nam được đánh giá cao

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn. Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh sáng kiến về Diễn đàn phụ nữ Á - Âu mà Thượng viện Nga đưa ra trong bối cảnh hiện nay khi ở một số quốc gia, sự tham gia và đóng góp của nữ giới trong các hoạt động từ kinh tế đến chính trị xã hội đều chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nhiều phụ nữ còn chịu bạo hành về thể chất lẫn tinh thần, đời sống của họ bị tác động tiêu cực bởi xung đột vũ trang, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mất an ninh lương thực và biến đổi khí hậu…

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới và hiện đang triển khai có hiệu quả các chương trình, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực tại các cơ chế của LHQ cũng như các diễn đàn quốc tế về phụ nữ; tham gia tích cực và các cơ chế hợp tác khu vực về thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, mạng lưới doanh nhân nữ đã phát triển, nhờ đó Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác bình đẳng giới như nâng tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động cả nước lên 48%, nâng tỷ lệ phụ nữ biết chữ lên hơn 90%, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, tăng cường bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình; trong vai trò lãnh đạo và quản lý, tỷ lệ nữ trong các cơ quan chính phủ được duy trì ổn định, 24,4% đại biểu Quốc hội là phụ nữ….

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kêu gọi các quốc gia thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ là bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia Á - Âu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái đối với việc chăm sóc y tế, giáo dục và một số lĩnh vực khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc với bà Gulashara Abdykalikova - Quốc vụ khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ và Chính sách gia đình, nhân khẩu Cộng hòa Kazakhstan

Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng còn tham gia các phiên họp chuyên đề về vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế thay đổi, trong việc hình thành chiến lược sức khỏe toàn cầu, trong sự phát triển hợp tác nhân đạo và các hoạt động từ thiện quốc tế. Tại các cuộc tiếp xúc song phương bên lề diễn đàn, lãnh đạo các nước đều đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong trao đổi kinh tế và cùng ủng hộ nhau trên trường quốc tế.

    ĐIỆP ANH/Báo Phụ nữ Việt Nam