|
|
Một tấm biển với nội dung "Cần người phục vụ. Nếu quan tâm, hãy gửi CV" được dán trên cửa sổ một nhà hàng ở trung tâm Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 31/5. Ảnh: Reuters. |
Suốt 2 năm dịch bệnh, hàng nghìn nhân viên ngành khách sạn tại châu Âu đồng loạt nghỉ việc. Giờ đây, họ không còn mặn mà quay trở lại với nghề bởi bất an và lương thấp. Điều này gây áp lực lớn lên các cơ sở lưu trú, kể cả những khách sạn hàng đầu EU, theo Reuters.
Để đảm bảo kinh doanh, những khách sạn này phải tranh giành nhau số lượng nhân sự còn sót lại. Ngoài ra, họ cũng chấp nhận tuyển mới mà không yêu cầu kinh nghiệm, thậm chí hồ sơ.
Đế chế khách sạn lớn lao đao vì thiếu nhân sự
Ông Sebastien Bazin, CEO chuỗi khách sạn lớn nhất châu Âu Accore, cho biết đang thử nghiệm việc tuyển dụng các nhân sự chưa từng làm việc trong ngành.
"Chúng tôi đã thực hiện kế hoạch này tại Lyon và Bordeaux (Pháp). Ứng viên được mời phỏng vấn mà không cần sơ yếu lý lịch hoặc bất kể kinh nghiệm gì. Họ trúng tuyển ngay trong vòng 24 giờ", ông nói.
Theo ông Bazin, cách thức tuyển dụng của mình nhằm tận dụng nguồn nhân lực trẻ và người di cư tại Pháp.
"Họ có thể là sinh viên hoặc những người di cư đến từ Bắc Phi. Chúng tôi không thể mở cửa nhà hàng chỉ vào bữa trưa hoặc phục vụ 5 ngày/tuần. Chúng tôi không còn giải pháp nào khác", ông cho hay.
Đáng chú ý, những nhân viên mới của Accore chỉ được đào tạo 6 giờ trước khi bắt đầu công việc chính thức.
Không chỉ tại Accore, tình trạng thiếu nhân viên còn xảy ra đối với nhiều khách sạn khác, đặc biệt ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nơi du lịch lần lượt chiếm 13% và 15% nguồn kinh tế trước đại dịch.
Các chủ khách sạn tại đây cam kết trả lương cao hơn, cung cấp chỗ ở miễn phí cùng nhiều phúc lợi như tiền thưởng và bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, số lượng nhân sự chấp nhận quay lại làm nghề vẫn rất thấp.
"Nhiều người đã chuyển sang làm việc trong các lĩnh vực khác. Chúng tôi như đang xây dựng ngành du lịch từ đầu và phải tranh giành nhau để tìm kiếm nhân tài", ông Gabriel Escarrer, CEO khách sạn Melia Tây Ban Nha, nói với các phóng viên tại Madrid.
|
|
Nhiều khách sạn chấp nhận tuyển dụng sinh viên, người không kinh nghiệm. Ảnh minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels. |
Trong khi đó, các khách sạn nhỏ hơn cũng đối mặt với thách thức tương tự.
Giám đốc hoạt động của Hotel Mundial, một trong những khách sạn mang tính biểu tượng nhất của Lisbon (Bồ Đào Nha), cho biết đang cố gắng tuyển dụng 59 nhân viên. Nếu không đủ người làm, khách sạn của ông không thể đón đủ lượng khách và đảm bảo đầy đủ các tiện ích như cam kết.
"Đây là điều rất đáng buồn, đặc biệt khi chúng tôi không hề có doanh thu suốt 2 năm qua", ông nói.
Quán nhỏ đuối sức
Những quán bar, nhà hàng, khách sạn nhỏ tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha càng chật vật hơn khi không thể tuyển được một nhân viên chính thức.
Ông Jose Carlos Sacó (52 tuổi) chỉ có thể mở quán bar của mình ở Madrid vào cuối tuần với hầu hết nhân sự là sinh viên cần tiền làm thêm.
"Trong tuần, sinh viên đi học, chúng tôi không thể mở cửa quán", ông nói và chỉ vào các bạn trẻ đang dọn bàn vào một ngày thứ 7.
Tại quận La Latina sôi động của Madrid, bà Mariveni Rodriguez, chủ một quán ăn, phải tìm thuê người lao động nhập cư vào mùa cao điểm du lịch.
"Chúng tôi tạo cơ hội việc làm cho những người di cư có mong muốn làm việc. Ở đây, họ không có gia đình hoặc cơ quan hỗ trợ", bà nói.
|
|
Sự thiếu hụt nhân sự tác động lớn hơn đối với các khách sạn, nhà hàng nhỏ. Ảnh: Skift. |
Theo các hiệp hội khách sạn quốc gia, ngành công nghiệp F&B tại Tây Ban Nha đang thiếu đến 200.000 người lao động và các khách sạn ở Bồ Đào Nha cần thêm ít nhất 15.000 người nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng.
"Giải pháp tốt nhất là các đơn vị này phải chịu trả lương cao hơn", ông Jose Luis Yzuel từ hiệp hội ngành dịch vụ F&B cho biết.
Trên thực tế, hàng loạt nỗ lực đang được các khách sạn, nhà hàng thực hiện để thu hút người lao động quay trở lại.
Tại Tây Ban Nha, các quán bar và nhà hàng tuyên bố tăng lương đến 60% cho nhân viên.
Ở nước láng giềng Bồ Đào Nha, lương cho nhân viên ngành khách sạn cũng dự kiến tăng 7% trong năm nay, theo một cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương và Viện Thống kê Quốc gia.
Ông Bazin cho biết tỷ lệ lấp đầy khách tại khách sạn của mình hiện chỉ đạt 60-70%. Với số lượng nhân viên hiện tại, ông vẫn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhóm du khách này.
Tuy nhiên, nếu Accore được đặt kín phòng, chắc chắn hệ thống của ông không thể vận hành nổi.
"Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8, chúng tôi sẽ lấp đầy 100% số phòng và không biết chắc sẽ phục vụ khách ra sao. Thời gian dài trước đây, nhiều đơn vị trong số chúng tôi đã trả lương quá thấp cho nhân sự. Tình hình hiện tại chính là hồi chuông thức tỉnh tất cả", ông nói thêm.
Theo zingnews