Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị Carrefour Tongres ở thủ đô Brussels. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

 

Những lô quả vải tươi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã được đón nhận một cách hào hứng tại Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan, Cộng hòa Séc...

Sự kiện này cho thấy hiệu quả của Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA), đồng thời đang mở ra triển vọng và cơ hội cho các loại hàng nông sản khác của Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu gần 450 triệu dân.

Những lô vải thiều Thanh Hà gắn tem truy xuất nguồn gốc, lần đầu tiên nhập khẩu vào Pháp, đã chính thức có mặt trên những kệ hàng ở hệ thống siêu thị châu Á tại Paris từ trung tuần tháng 6.

Chỉ trong vài ngày, những quả vải đỏ au, thơm ngọt đã được tiêu thụ nhanh chóng mặc dù giá thành không phải là rẻ.

Sau gần 5 năm vắng bóng, năm 2021, với sự trợ giúp của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, quả vải thiều đã trở lại thị trường này.

Ban đầu là Thanh Binh Jeune, tiếp đến là Tang Frères, Grand Frais và một số siêu thị khác cũng đã đồng loạt vào cuộc. Chỉ trong vài ngày, gần 4 tấn vải thiều Thanh Hà đã được người tiêu dùng Pháp đón nhận.

Không chỉ ở Pháp, những quả vải tươi chín mọng của Việt Nam cũng được chào đón ở Bỉ, Đức, Hà Lan, Cộng hòa Séc và nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Dù không phải là điểm đến trực tiếp của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, nhưng mùa Hè này, một số loại trái cây đặc sản của Việt Nam đã có mặt tại Bỉ.

Lần đầu tiên, quả vải thiều Việt Nam được bày bán trên các kệ hàng của hệ thống siêu thị Carrefour và Spar tại xứ sở của các loại chocolate nổi tiếng.

Thị trường Bỉ tuy nhỏ bé nhưng cũng đã đón nhận 2 tấn vải. Ông Bernhard Weiss, quản lý siêu thị Carrefour ở thủ đô Brussels, đã không giấu được sự ngạc nhiên và thích thú khi được nếm quả vải Việt Nam.

Ông trầm trồ: "Tôi không thể tưởng tượng được lại có loại quả vải ngon đến như vậy. Quả căng, tròn, đều, hạt nhỏ, ngọt, không giống như các giống quả vải của Madagascar, Nam Phi hay Australia mà chúng tôi vẫn thường bán vào mùa Đông. Đây là một khám phá thú vị để người dân ở Bỉ biết được thứ trái cây độc đáo này của Việt Nam." Ông cho rằng "cần đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá loại quảkhông độc hại và hoàn toàn tốt cho sức khỏe như quả vải.”

Nhập thử hơn 150kg vải, chuỗi siêu thị Carrefour do ông Weiss quản lý đã bán hết chỉ trong vài ngày với những phản hồi tích cực từ khách hàng.

Từ chỗ còn e ngại với trái vải thiều Việt Nam vì giá bán khá cao so với các loại trái cây khác (25 euro/kg), khách hàng của ông Weiss giờ đây đã đánh giá cao thứ quả độc đáo đến từ đất nước nhiệt đới xa xôi ở Đông Nam Á và hy vọng tiếp tục được "khám phá" thêm nhiều loại trái cây đặc sản khác của Việt Nam.

Ông Weiss, quản lý siêu thị Carrefour Tongres, Brussels và lô vải thiều Việt Nam. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

 

Là chủ siêu thị Spar Zonhoven ở miền Đông Nam của Bỉ, thuộc vùng nói tiếng Hà Lan, mùa Hè này, chị Nguyễn Thị Minh Thu cũng nhập vài chục cân vải thiều để bày bán. Khu vực này hầu như không có người châu Á sinh sống nên quả vải còn quá xa lạ với khách hàng ở đây.

Để quảng bá cho vải thiều, chị Minh Thu đã bày một khay vải mời khách hàng nếm thử, giúp họ thấy loại trái cây mùa Hè này không giống với những quả vải đóng hộp hay sấy khô mà siêu thị của chị vẫn bán.

Chị còn giới thiệu cho khách câu chuyện về nguồn gốc của quả vải Việt Nam, quả được trồng, chăm sóc ra sao và là đây là thứ quả "tiến vua" thời phong kiến để khách hàng hiểu và từ đó sẽ yêu mến thứ trái cây đặc sản này.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Minh Thu chia sẻ: "Quả vải thiều của Việt Nam rất ngon, vượt xa các giống vải nhập khẩu nhưng là mặt hàng mới, khách chưa biết nên tôi muốn chung tay với doanh nghiệp nhập khẩu để lan tỏa nông sản Việt Nam tới người dân nơi đây."

Khi những lô vải thiều đầu tiên từ Việt Nam "cập bến" châu Âu, Công ty xuất nhập khẩu nông sản Vinamex Belgium đã nhập luôn 500kg để bán thử. Không ngờ, chỉ trong 48 giờ, toàn bộ lô hàng nửa tấn vải đã được tiêu thụ hết.

Trên đà đó, công ty tiếp tục đặt hàng thêm một tấn vải thiều Thanh Hà và Lục Ngạn. Tất cả cũng đều được cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm châu Á và được khách hàng đánh giá cao.

Công ty tiếp tục đặt hàng cho lô vải cuối sẽ sang vào đầu tháng 7, kết thúc mùa vải thiều 2021. Công ty Vinamex Belgium cũng đã ký hợp đồng với đối tác Việt Nam để nhập khẩu nhãn lồng Hưng Yên, khi mùa nhãn vào vụ. Đây cũng là lần đầu tiên quả vải thiều Việt Nam đươc nhập thử sang Hà Lan, song chỉ trong khoảng 2 tuần, thị trường nước này đã đón khoảng 3 tấn vải thiều.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan, đánh giá đây là kết quả đáng mừng bởi Hà Lan được coi là cửa ngõ lớn nhất để hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU.

Ngoài thị trường các nước EU, vải thiều Việt Nam cũng đã hiện diện tại Anh. Khoảng 2 tấn vải thiều do công ty TT Meridian lần đầu nhập khẩu chính ngạch theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được phân phối đến các siêu thị và khách hàng Anh.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại tại Bỉ, EU kiêm nhiệm Luxembourg, chỉ tính riêng mùa vải năm nay, các doanh nghiệp ở nhiều nước châu Âu đã tiếp nhận và tiêu thụ gần 50 tấn vải thiều. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.

Những kết quả trên thực sự rất đáng khích lệ bởi EU là một thị trường có yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao nhất thế giới. Những yêu cầu về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe.

Đối với nhóm sản phẩm rau củ quả, sản phẩm xuất khẩu sang EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an thực phẩm cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận đang áp dụng rộng rãi tại EU như Global Gap...

EU có xu hướng yêu cầu đạt nhiều loại tiêu chuẩn như hữu cơ, fair-trade, 4C, Rainforest Allinace, BRC...

Ngoài ra, EU liên tục mở rộng danh mục cấm sử dụng nhiều loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có những loại thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng cho cây trồng nhiệt đới và không sử dụng đối với cây trồng ôn đới tại EU, nhưng vẫn bị cấm sử dụng.

Sự kiện những quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu đến EU thông qua các kênh nhập khẩu tại Bỉ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Pháp..., được đưa vào các siêu thị của châu Âu như Carrefour, Spa, Plus, Jumbo, Tang Frères, Grand Frais... và được người tiêu dùng hoan nghênh, chào đón, đã cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nhằm giúp các loại trái cây Việt Nam nói riêng, nông sản Việt Nam nói riêng chinh phục thị trường "khó tính" này.

Theo Vietnamplus