Nhân viên hãng hàng không đeo khẩu trang ở sân bay Los Angeles cuối tháng 1. Ảnh: AFP.
Trang Trần, một kế toán có chứng chỉ CPA, cho biết vào cuối tháng 1 khi chị ra sân bay ở San Francisco, không thấy ai đeo khẩu trang, nhưng đến đầu tháng 2, hầu hết mọi người ở sân bay đã đeo khẩu trang.
“Gần đây một số bạn mình đều đeo khẩu trang nếu phải đi phương tiện công cộng, rất nhiều người đeo rồi”, chị nói với Zing.vn từ San Francisco, nơi vừa ban bố tình trạng khẩn cấp. “Đầu tháng 2 thì ít người đeo”.
Vẫn tụ tập bạn bè vì “tin tưởng nhau”
Sự thay đổi rõ rệt mà chị Trang quan sát thấy đến từ việc virus corona tiếp tục lan rộng trên toàn cầu trong hai tuần qua, và bùng phát thêm ở Hàn Quốc, Italy và Iran.
Hai ngày qua, người Việt ở San Francisco cảm nhận rõ rệt hơn nguy cơ từ Covid-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) ngày 25/2 cảnh báo công chúng nên chuẩn bị ứng phó với sự lây lan virus corona tại nước này.
Thị trưởng San Francisco London Breed ngày 25/2 tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này. Sang ngày 26/2, đến lượt Quận Cam, nơi có đông người Việt sinh sống, tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hai nơi này đều chưa có ca nhiễm, nhưng như vậy giúp họ điều động nguồn lực cần thiết chuẩn bị chống dịch.
Tổng thống Trump và các quan chức của nhóm công tác chống dịch tại cuọc họp báo ngày 26/2 ở Nhà Trắng. Ảnh: AP.
Một số người mà Trang biết trở về Mỹ từ những nước đã có ca nhiễm virus corona đều tự cách ly. Một gia đình từ Việt Nam sang tự cách ly ở nhà, không gặp ai. Sếp chị từ Đài Loan cũng làm từ xa để tự cách ly ba tuần. Sếp của bạn chị từ Vũ Hán về cũng tự cách ly - những sự tự nguyện mà chị Trang đánh giá cao, cảm thấy an tâm.
Gia sư dạy đàn của con gái người sếp này còn đề phòng và nói từ chối dạy trong một khoảng thời gian nếu gia đình có người thân từ vùng dịch về.
“Sau Tết khoảng 1-2 tuần, đã có nhiều tin về dịch, ở khu châu Á, kinh doanh ảnh hưởng nhiều, mọi người tránh ra ngoài nhà hàng châu Á”, chị Trang, sống ở khu Bay Area có nhiều người Trung Quốc, Hàn Quốc, nói thêm.
Những thông tin thời sự luôn nhắc chị về nguy cơ. Chị nhắc tới một ca nhiễm mới phát hiện ở California không biết nguyên nhân, hay ca dương tính khác là tiếp viên hàng không đã dừng ở sân bay Los Angeles. “Đó là sân bay khá lớn... mình lo ngại khả năng lan rộng, mình nghĩ đây là tin không tốt”.
Chị cho biết cuộc sống của chị có thể không ảnh hưởng nhiều như người khác. Chị lái xe thay vì đi phương tiện công cộng, và thường đặt nguyên liệu nấu ăn qua mạng, giao tận cửa, thay vì trực tiếp ra chợ.
Chị vẫn tụ tập bạn bè hàng tuần, “tin tưởng nhau” vì đa số bạn người Việt của chị là người trẻ và có ý thức bảo vệ mọi người như tự cách ly, tăng cường đề kháng, uống vitamin C, đeo khẩu trang - vốn không còn trông quá kỳ lạ như những tuần trước. Người Mỹ và nhiều người Việt ở Mỹ có thói quen ôm nhẹ để chào hỏi, và thói quen này chưa thay đổi vì dịch bệnh, vì “chẳng lẽ không tiếp xúc với ai”.
Tuy nhiên, một số người Việt lớn tuổi chưa có thói quen đeo khẩu trang, chị kể lại về chuyến đi Quận Cam gần đây. “Mọi người lo đeo khẩu trang bị kỳ thị, có thể cảm thấy không ai đeo, tự dưng mình đeo, nên ngại. Nhưng bây giờ tất cả đều sợ, nên có thể đeo khẩu trang”, chị nói.
Chị Trang không phải dùng khẩu trang vì lái xe, và có thể nhờ người bạn đã mua tới ba thùng khẩu trang do đi tàu hàng ngày. Nhưng nếu lên mạng, “khẩu trang gần như hết nhẵn”, chị cho biết. “Nếu cần phải dùng, muốn mua cũng khó mua”.
Khuyến cáo y tế về virus corona tại bệnh viện St. Joseph ở quận Cam. Ảnh: LA Times.
Khó về Việt Nam thăm bạn bè
“Có thể mấy tuần nữa (số ca) sẽ tăng nhiều hơn, nhưng giờ vẫn tương đối bình tĩnh”, ông Vũ Đức Vượng, ngoài 70 tuổi, nói với Zing.vn. “Mọi người phải cẩn thận thôi, nhưng lo sợ thì chưa đến nỗi”.
Đã về hưu, ông Vượng cho biết mình “đỡ hơn, may hơn” trong tình hình này. “Không cần phải đi hay tiếp xúc nhiều, chỉ gặp gỡ những chỗ nào cần thiết, thân tình thôi”, ông Vượng, cư dân thành phố San Francisco, cho biết.
Ông cảm thấy an tâm vì tin rằng tránh tiếp xúc kèm theo việc rửa tay thường xuyên như khuyến cáo sẽ làm “nguy cơ thấp hẳn xuống”. Tập thể dục trong công viên rộng rãi, ông cũng không thấy ai đeo khẩu trang.
“(Cần cẩn thận) nhất là những người không phải làm việc trong công sở, là những nghề cần tiếp xúc với người khác”, hay những người đi xe buýt, ông nói.
“Nghề nhà hàng thì mọi người ngại không muốn đi ăn, nghề du lịch cũng vậy, ảnh hưởng nhiều hơn. Đa số mọi người tự mình cắt bớt những cái tiếp xúc vẫn thường có, trong vòng tháng này, tháng tới. Hy vọng sắp tới có vắc-xin”.
Dù nhiều chuyên gia cho rằng giới chức y tế Mỹ vẫn chưa chuẩn bị đủ trước nguy cơ bùng phát virus corona, ông Vượng thấy an tâm với hệ thống y tế ở đây, nhất là y tế phòng ngừa với việc mọi người thường đi khám dù chưa có bệnh.
Tuy yên tâm trong hiện tại, nhưng cả Trang và ông Vượng đều đang tính phải hủy các kế hoạch du lịch vào mùa hè.
Điều đó đồng nghĩa với việc ông Vượng sẽ không thể thăm một số bạn bè cao tuổi ở Việt Nam.
“Các bạn tôi đều lớn tuổi, ngoài 70-80, có người ngoài 90, muốn thăm họ trước, hỏi thăm nhau một chút trong cái lúc mà còn khỏe mạnh, tỉnh táo”, ông nói.
Theo news.zing