Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể
đại diện của nhân loại.
Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc.
Tới dự buổi triển lãm có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, đại diện dòng họ Lý Hoa Sơn, cùng hàng trăm thành viên của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc và gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Về phía Hàn Quốc, có đại diện của các hội hữu nghị, hội văn nghệ sỹ và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.
Phát biểu chào mừng buổi triển lãm, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, bà Lê Thùy Trang, đánh giá cao ý tưởng và nỗ lực của các đơn vị tổ chức về việc tạo dựng một không gian tín ngưỡng thuần Việt tại Seoul. Theo bà, sự kiện này không chỉ góp phần quảng bá và giới thiệu tín ngưỡng riêng có của Việt Nam tới các bạn bè nước ngoài mà còn giúp những người con đất Việt xa quê cảm thấy gần gũi hơn với quê hương đất nước.
Bà Lê Thùy Trang bày tỏ hy vọng sẽ có thêm những sự kiện tương tự được tổ chức để giới thiệu nét đẹp về văn hóa và con người Việt Nam tới bạn bè trên khắp thế giới.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên bảo tàng quảng bá tín ngưỡng thờ Mẫu ra ngoài Việt Nam sau khi được Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, khẳng định sức sống và sự trường tồn của tín ngưỡng dân gian đặc biệt này của Việt Nam. Việc bảo tàng chọn Hàn Quốc làm nơi tổ chức triển lãm xuất phát từ sự tương đồng về văn hóa giữa hai nước. Theo bà, sau Hàn Quốc, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có kế hoạch tổ chức các hoạt động tương tự tại Pháp và Anh trong thời gian sắp tới.
Sau phần giới thiệu khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu, những người tham dự triển lãm đã được thưởng thức buổi trình diễn thực hành nghi lễ hầu đồng – phần quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong suốt 2 giờ đồng hồ, thanh đồng Trần Thị Kim Huệ cùng đoàn trình diễn của tỉnh Nam Định, nơi được coi là cái nôi của tín ngưỡng thờ Mẫu, đã mang đến cho khán giả những màn trình diễn sôi động, đầy màu sắc và cuốn hút.
Ranh giới giữa những người trình diễn và khán giả đã bị xóa nhòa khi họ cùng nhau nhảy múa trong tiếng nhạc và lời ca đầy quyến rũ, tạo ra một không khí lễ hội tưng bừng và đậm đà bản sắc Việt Nam.
Tiếp theo phần trình diễn, những người tham dự triển lãm đã có dịp tìm hiểu kỹ hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu qua những hình ảnh được trình chiếu, những trang phục và đạo cụ sử dụng trong nghi lễ hầu đồng. Nhiều người thuộc thế hệ trẻ của Việt Nam và giới nghiên cứu văn hóa cũng như nghệ sỹ của Hàn Quốc đã đặt nhiều câu hỏi về nội dung, ý nghĩa, nguồn gốc và sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Buổi trình diễn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người tham dự.
Theo Thế giới và Việt Nam