Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm kho vắc xin Pfizer do Mỹ viện trợ tại kho vắc xin tiêm chủng quốc gia thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ở Hà Nội trưa 26-8 - Ảnh: TT
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) là cơ quan quản lý việc cung cấp vắc xin COVID-19 cho cơ chế COVAX. Cơ chế COVAX - do nhiều tổ chức quốc tế phối hợp quản lý để mua sắm và phân phối công bằng vắc xin COVID-19 cho 92 nước có thu nhập thấp và trung bình.
Dữ liệu về số vắc xin COVID-19 do các nước tặng được UNICEF tổng hợp từ các thông tin công bố cho thấy Mỹ đang là nhà tài trợ vắc xin COVID-19 lớn nhất thế giới.
Quốc gia này đã gửi tặng hơn 114 triệu liều vắc xin COVID-19 đến khoảng 80 nước, phần lớn là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Trung Quốc là nước tặng nhiều vắc xin thứ hai trên thế giới với 34 triệu liều, sau đó là Nhật Bản với 23,3 triệu liều.
Các nước châu Á thuộc nhóm được nhận nhiều vắc xin viện trợ nhất. Bangladesh, Philippines, Indonesia và Pakistan mỗi nước được tặng hơn 10 triệu liều vắc xin COVID-19 tới nay.
Cho đến nay, hơn 207 triệu liều vắc xin COVID-19 được tặng qua hình thức song phương hoặc ủy nhiệm qua cơ chế COVAX đã được chuyển đến các nước.
Số liều vắc xin được các nước giàu cho đi vẫn thấp hơn so với số liều vắc xin mà ủy ban độc lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi là ít nhất 1 tỉ liều trước ngày 1-9-2021 và thêm 1 tỉ liều trong năm 2022.
Một nghiên cứu của tập đoàn phân tích Airfinity cho thấy các nước giàu đã mua nhiều vắc xin hơn số lượng họ cần.
Airfinity ước tính Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Canada và Nhật Bản sẽ dư hơn 1,2 tỉ liều trong năm 2021 sau khi hoàn thành tiêm chủng cho những người đủ điều kiện tiêm và cả tiêm liều tăng cường.
Mục tiêu của WHO là cung cấp đủ vắc xin để tiêm cho ít nhất 40% dân số các nước vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.
Hiện có khoảng 50 nước, đa số ở châu Phi, có chưa đến 10% dân số đủ điều kiện được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, theo số liệu của trang web Our World in Data.
Theo tuoitre