Ngày 7/10, các cơ quan của Liên hợp quốc và một số tổ chức nhân đạo quốc tế đã kỷ niệm một năm ngày bùng phát cuộc xung đột tại Dải Gaza với những kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và tăng cường các nỗ lực nhân đạo trong khu vực.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhấn mạnh các tác động tàn khốc của cuộc xung đột, hơn 41.600 người Palestine thiệt mạng và "gần như toàn bộ dân số" tại Gaza phải di dời.
Quyền Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Joyce Msuya mô tả cuộc khủng hoảng nhân đạo là "không thể tưởng tượng nổi," đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc tất cả các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đảm bảo thả con tin, bảo vệ dân thường và đảm bảo an toàn cho các nhân viên cứu trợ.
Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) cũng kêu gọi hành động khẩn cấp.
Trong tuyên bố của mình, ICRC mô tả năm qua là "năm mất mát và đau thương," đồng thời nhấn mạnh đến tổn thất to lớn mà cuộc xung đột đã gây ra cho các gia đình. ICRC nhấn mạnh tất cả các bên cần tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, để giảm bớt đau khổ của con người và mở đường cho một tương lai hòa bình hơn.
Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực, nhấn mạnh rằng "nhân đạo phải thắng thế."
IFRC cũng hối thúc chấm dứt các hành động thù địch và trả tự do cho tất cả các con tin.
Các tổ chức của Liên hợp quốc cùng nhấn mạnh rằng viện trợ nhân đạo không thể thay thế cho ý chí chính trị cần thiết cho hòa bình lâu dài, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan ưu tiên mạng sống và phẩm giá của con người trong việc giải quyết xung đột.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris đã bày tỏ lo ngại về những tổn thất nặng nề đối với dân thường Palestine trong chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Gaza.
Trong tuyên bố đánh dấu một năm ngày bùng phát xung đột Hamas-Israel, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ vẫn "hoàn toàn cam kết" với an ninh của Israel.
Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh: "Lịch sử cũng sẽ ghi nhớ ngày 7/10 là một ngày đen tối đối với người dân Palestine... Quá nhiều thường dân đã phải chịu đựng quá nhiều trong năm xung đột này."
Về phần mình, bà Harris cho biết bà rất "đau lòng trước số người thiệt mạng và sự tàn phá ở Gaza trong năm qua," và nhấn mạnh sẽ "luôn đấu tranh để người dân Palestine được tôn trọng, tự do, an ninh và có quyền tự quyết."
Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh giải pháp ngoại giao trên khắp khu vực biên giới Israel-Liban là con đường duy nhất để khôi phục lại sự bình yên lâu dài."
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chỉ trích hệ thống quốc tế đã không ngăn chặn được xung đột ở Gaza và ở Liban hiện nay, đồng thời cảnh báo rằng Israel sẽ "phải trả giá."
Trong phát biểu của mình cùng ngày, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu cho biết nước này đang thay đổi thực tế an ninh trong khu vực để đảm bảo một cuộc tấn công như ngày 7/10/2023 sẽ không tái diễn. Ông cũng cam kết sẽ đưa tất cả các con tin đang bị giam giữ ở Gaza trở về.
Anh sơ tán gia đình nhân viên đại sứ quán tại Israel về nước
Liên quan đến tình hình căng thẳng tại Trung Đông, Anh đã đưa gia đình của nhân viên đại sứ quán đang làm việc tại Israel về nước trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah leo thang và nguy cơ xảy ra xung đột khu vực.
Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh: "Như một biện pháp phòng ngừa sau khi căng thẳng leo thang trong khu vực, các thành viên gia đình của nhân viên Đại sứ quán Anh đã tạm thời được đưa về nước. Nhân viên của chúng tôi vẫn ở lại."
Các tên lửa của lực lượng Hezbollah ở Liban đã tấn công thành phố lớn thứ ba của Israel là Haifa vào sáng sớm 7/10, trong bối cảnh Israel dường như chuẩn bị mở rộng các cuộc tấn công trên bộ vào Liban.
Anh khuyến cáo công dân không nên đi đến khu vực gần biên giới với Gaza và các khu vực khác của Israel cũng như vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng "trừ khi cần thiết"./.