Chó robot AIBO của Sony - ẢNH: SONY
Đến thời điểm hiện tại, phần lớn robopet là những món đồ chơi công nghệ đắt tiền chứ không ai xem chúng như thú nuôi thật, có thể kể đến chó robot AIBO của Sony. Nhiều người yêu động vật cho rằng họ thà không nuôi chó mèo còn hơn phải nuôi robopet. Dù có linh hoạt đến mức nào, con người vẫn có thể nhận ra những cử chỉ của robopet là sản phẩm của thuật toán lập trình. Theo Robert Sparrow - một triết gia người Úc quan tâm đến robopet từ gần 20 năm trước, sau một thời gian dài nghiên cứu, người này kết luận viễn cảnh robopet đạt được độ chân thật giống hệt vật nuôi gần như sẽ không bao giờ xảy ra.
Tuy không thể thay thế hoàn toàn thú cưng trong nhà, robopet vẫn đủ khả năng thế chỗ những chú chó dịch vụ chuyên dẫn đường, cảnh báo bệnh hoặc hỗ trợ vận động cho trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh nan y... Theo The Conversation, chỉ có 23 chú chó tốt nghiệp mỗi năm trong chương trình đào tạo chó dẫn đường ở Canada. Trung bình họ tiêu tốn hơn 74.300 USD để huấn luyện từng con. Những chú chó này không được xem là vật nuôi vì chúng được nhân giống và huấn luyện để giúp đỡ các nhóm đối tượng đặc biệt. Khi chủ nhân qua đời, chó dịch vụ sẽ được trả lại tổ chức thú y hoặc chuyển sang chủ mới.
Minh họa robot dẫn đường cho người mù - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Tại sao ta không thay thế chó dịch vụ bằng robopet? Robopet sẽ là lựa chọn đỡ tốn kém hơn huấn luyện chó dịch vụ và có thể sản xuất hàng loạt. Nếu được trang bị thêm tính năng cảnh báo các tín hiệu như tiếng nước sôi, tiếng lò vi sóng, chuông cửa..., chúng có thể giúp người già neo đơn trông nhà. Chúng cũng thừa sức đảm nhận các chức năng của chó cảnh báo y tế như phát hiện co giật, tụt huyết áp, cảnh báo chất gây dị ứng trong thuốc hoặc đồ ăn thức uống.
Nếu có thể lập trình ô tô lái tự động, ta cũng có thể lập trình robopet hướng dẫn người khiếm thị đi quanh thành phố, tránh chướng ngại vật, hay lập trình chúng tương tác với các sinh vật sống xung quanh.
Không dừng lại ở đó, robopet còn có khả năng hỗ trợ người mắc bệnh thần kinh. Chẳng hạn, chú hải cẩu Paro của công ty AIST được giới thiệu là "robot trị liệu tương tác dùng để kích thích giác quan của bệnh nhân bị bệnh sa sút trí tuệ, Alzheimer và các rối loạn nhận thức khác". Cùng với Paro, robot mèo của hãng Hasbro cũng được xem là robot hỗ trợ xã hội. Cả hai đều có bộ lông mềm mại như thú bông, có thể phát ra tiếng, phản ứng lại khi được con người vuốt ve.
Robot hải cẩu giống như thú nhồi bông - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Theo Gizmodo, đã có nghiên cứu cho thấy robopet hay robot hỗ trợ xã hội giúp giảm bớt phần nào lo lắng và cô đơn của bệnh nhân sa sút trí tuệ và người già neo đơn. Nhưng nghiên cứu cũng cảnh báo rằng chúng vẫn còn thiếu sót, không có tác dụng với nhiều người. Trong tương lai, tình hình sẽ khả quan hơn nếu các chuyên gia tìm ra cách khắc phục những thiếu sót hiện tại của robopet.
Theo thanhnien