Ngày 24/3, người mẫu Chrissy Teigen nói lời tạm biệt mạng xã hội Twitter - nơi cô được mệnh danh là "nữ hoàng đáp trả" antifan, USA Today đưa tin.
Trước khi xóa trang cá nhân với gần 14 triệu follower, Teigen viết: "Trong hơn 10 năm qua, các bạn là thế giới của tôi. Tôi thực lòng biết ơn thế giới mà chúng tôi đã tạo ra ở đây. Nhưng đã đến lúc nói lời tạm biệt bởi nó không còn mang đến những điều tích cực mà chỉ đem những nỗi đau".
|
Chrissy Teigen xóa trang cá nhân 14 triệu follow. Ảnh:Invision. |
Năm ngoái, người mẫu đã sử dụng Twitter - trong số các nền tảng xã hội khác - để thông báo rằng cô và chồng, ca sĩ John Legend, đã mất con sau các biến chứng khi mang thai.
Sự cởi mở của cặp đôi được nhiều người, trong đó có các chuyên gia y tế, khen ngợi. Song không phải tất cả bình luận dưới bài thông báo đều tử tế, một số châm chọc, thóa mạ trên nỗi đau của người mẹ 35 tuổi.
"Mục tiêu cuộc sống của tôi là làm cho mọi người hạnh phúc. Tôi luôn được miêu tả là cô gái đáp trả mạnh mẽ nhưng tôi không còn như vậy nữa", Teigen viết.
Teigen không phải ngôi sao đầu tiên rời bỏ mạng xã hội.
Ngày 26/1, siêu mẫu Pamela Anderson chia sẻ bài đăng cuối cùng trên Instagram, Twitter và Facebook. Ngày 2/2, tỷ phú Elon Musk đã thông báo với 48,3 triệu người theo dõi của mình rằng ông sẽ "bỏ Twitter một thời gian".
|
Diễn viên Mila Kunis và Jennifer Lawrence đều nói không với mạng xã hội. Ảnh:Pinterest,AP. |
Cuối tháng 2, ngôi sao "Bachelorette" Rachel Lindsay đã vô hiệu hóa tài khoản Instagram của mình. Và ngày 4/3, diễn viên Alec Baldwin cũng rời bỏ Twitter vì không gian này quá "khắc nghiệt".
Nối dài danh sách người nổi tiếng nói không với mạng xã hội còn có diễn viên Jennifer Lawrence, Mila Kunis, tài tử George Clooney...
Nếu những cái tên thống trị mạng xã hội như Kim Kardashian, Ariana Grande và Justin Bieber chứng minh sức mạnh của không gian ảo, thì số lượng hùng hậu các tên tuổi lớn lần lượt rời bỏ Twitter, Facebook, Instagram đang cho thấy khía cạnh ngược lại.
Không chỉ danh tiếng, sức ảnh hưởng, tiếng nói, mạng xã hội còn mang đến cả những điều tiêu cực như sự soi mói, miệt thị, chỉ trích, các vấn đề sức khỏe tâm thần cho các ngôi sao.
Làn sóng tẩy chay
Nhiều nghiên cứu chỉ ra tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của người dùng, từ việc ảnh hưởng đến lòng tự trọng cho đến góp phần phát triển các vấn đề như lo âu hoặc trầm cảm.
Một khảo sát năm 2018 của cơ quan tiếp thị và truyền thông Hill Holliday cho thấy hơn 1/3 thanh niên nói rằng từ bỏ mạng xã hội giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Hơn 40% cho biết mạng xã hội khiến họ cảm thấy lo lắng, buồn bã hoặc chán nản. Mặt khác, nghiên cứu chỉ ra việc tránh sử dụng mạng xã hội dù chỉ trong thời gian ngắn cũng có thể tăng cường đáng kể cảm giác hạnh phúc của một người.
Tiến sĩ Shahla Modir, giám đốc y tế tại All Points North Lodge, một cơ sở điều trị chứng nghiện mạng xã hội, nói: "Một số người, đặc biệt là người nổi tiếng, có thể phát triển mối quan hệ không lành mạnh với các nền tảng truyền thông xã hội bằng cách tạo ra mối liên hệ giữa phản hồi trực tuyến và lòng tự trọng của họ".
|
Các nghiên cứu chỉ ra mạng xã hội có tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần của người dùng. |
Điều này đúng với trải nghiệm của diễn viên hài Amy Poehler - người không bao giờ dám đọc các bình luận trên mạng. "Chúng khiến tôi có cảm xúc tiêu cực, ngay cả khi ai đó tâng bốc mình", cô nói.
Làn sóng tẩy chay mạng xã hội cũng phổ biến trong giới giải trí Ấn Độ. Từ đầu năm 2020, hàng chục ngôi sao Bollywood đã tuyên bố xóa tài khoản mạng xã hội.
Diễn viên Kriti Sanon được xem là người mở đầu cho làn sóng tẩy chay này. Sau khi bị chỉ trích vô cớ vì cái chết đột ngột của bạn diễn Sushant Singh Rajput, Sanon quyết xóa trang cá nhân trên Twitter.
"Mạng xã hội là nơi độc hại nhất. Nếu bạn không đăng RIP hoặc nói điều gì đó công khai, bạn bị coi là vô cảm. Có vẻ như mạng xã hội đã trở thành thế giới thực còn cuộc sống thật lại biến thành đồ 'fake'", nữ diễn viên viết.
Theo Zing