Sắp có ứng dụng theo dõi và tìm kiếm người nhiễm Covid-19
Cập nhật lúc 18:24, Thứ hai, 15/06/2020 (GMT+7)
Ngày 14/6, ông Jens Spahn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức cho biết, ứng dụng điện thoại thông minh của Đức để theo dõi và tìm kiếm người nhiễm Covid-19 sẽ được cho ra mắt trong một vài ngày tới.
Ứng dụng này được cho là sản phẩm kết hợp giữa tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom và công ty phần mềm SAP, sử dụng radio tầm ngắn bluetooth để phát hiện và liên hệ với những người có nguy cơ nhiễm Covid-19 và không dựa vào cơ sở dữ liệu tập trung. Điều này sẽ không làm dấy lên các mối lo ngại về việc thông tin cá nhân có thể bị xâm phạm.
Ứng dụng cũng sẽ là công cụ quan trọng giúp quốc gia đông dân nhất trong khối Liên minh châu Âu (EU) tránh khỏi làn sóng lây nhiễm thứ 2. Tuần trước, Italia cũng đã cho ra mắt một ứng dụng tương tự.
Sau nhiều lần trì hoãn để khắc phục các sai sót, đảm bảo kết nối bluetooth hoạt động ở khoảng cách chính xác, ứng dụng cài đặt trên smartphone này có thể sẽ được giới thiệu trong thời gian sớm nhất. Báo chí Đức đưa tin, ứng dụng sẽ chính thức được ra mắt vào ngày 16/6, nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình ARD, ông Spahn đã từ chối xác nhận thời điểm chính xác.
Ông Spahn cũng kêu gọi những người muốn đi du lịch sau khi các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các nước thuộc khối EU được nới lỏng kể từ ngày 15/6 phải hết sức đề phòng và tự hỏi liệu chuyến đi của họ có thực sự cần thiết hay không?
Rất nhiều chuyên gia y tế của Đức đã cho rằng, đa số các vụ lây nhiễm Covid-19 ở quốc gia này đều bắt nguồn từ việc tụ tập đông người và hoạt động của nhà thờ. Ngày 15/6, Đức quyết định bãi bỏ cảnh báo du lịch đối với cả các quốc gia EU và Anh, đồng thời sẽ thay thế bằng những chỉ dẫn cụ thể cho từng quốc gia cũng như khu vực.
Nhờ công tác xét nghiệm trên quy mô lớn, hệ thống y tế vững vàng và mạnh mẽ, kèm theo các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được triển khai từ giữa tháng Ba, Đức đã khống chế được số trường hợp tử vong do Covid-19 tương đối thấp so với các quốc gia khác: chỉ 8.870 ca trong 187.671 trường hợp lây nhiễm.
N.A