leftcenterrightdel
 Bãi biển Bondi ở Sydney, Úc trở nên đông đúc vào tháng Một khi chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách để “sống chung với COVID-19”, quốc gia này có khoảng 81% người đủ điều kiện đã tiêm mũi vắc-xin thứ ba - Ảnh: GETTY IMAGES

Vắc xin không cần chạy đua theo biến thể 

Nhiều người tự hỏi rằng liệu chúng ta có cần tiêm bổ sung sau mỗi vài tháng hay cần một công thức vắc xin mới? Dù vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng, nhưng với việc vắc xin vẫn đang thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn chặn ca bệnh nặng và tử vong, mọi người không cần phải đặt ra yêu cầu quá cao. 

Tiến sĩ Daniel Kuritzkes - Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham & Women (Boston, Mỹ) - giải thích: “Thật viển vông khi nghĩ rằng vắc xin có thể bảo vệ mọi người khỏi lây nhiễm hay ca bệnh có triệu chứng nhẹ mãi mãi. Nhưng nếu mục tiêu là ngăn ngừa ca bệnh nghiêm trọng, chúng ta không cần phải tinh chỉnh vắc xin quá nhiều mỗi khi có một biến thể mới”. Đồng quan điểm, nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho rằng, giải pháp trước mắt là thu hút nhiều đối tượng tiêm chủng để “giảm cơ hội cho virus đột biến và sinh ra các biến chủng mới đáng lo ngại”. 

Sau mũi tiêm thứ ba, khả năng bảo vệ chống lại ca bệnh có triệu chứng do Omicron của các loại vắc xin mRNA vào khoảng 70%, thấp hơn so với mức bảo vệ 94% đối với các biến thể trước đây. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ chống lại ca bệnh nghiêm trọng vẫn đạt trên 90%. Đáng lưu ý, mũi tiêm thứ tư dường như không đem lại nhiều sự thay đổi như những gì được nhìn thấy tại Israel. Do vậy, mũi tiêm thứ ba có thể là điểm dừng cuối cùng, hiệu quả cho chiến dịch tiêm chủng tại nhiều nước.

Nới lỏng giãn cách phụ thuộc tình hình mỗi nước

Hôm 9/2, Thụy Điển loại bỏ gần như tất cả hạn chế phòng dịch và ngừng hầu hết xét nghiệm COVID-19 bắt buộc. Bộ trưởng Bộ Y tế Thụy Điển Lena Hallengren nói: “Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, nhưng những thay đổi sinh hoạt và hạn chế phòng dịch cần chấm dứt, bởi COVID-19 không còn được xem là mối nguy cho xã hội”. Quyết định này được đưa ra chỉ một tuần sau khi nước láng giềng Đan Mạch trở thành nước đầu tiên bãi bỏ tất cả quy định chống dịch. Na Uy cũng đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp giãn cách cuối cùng vào ngày 17/2. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson công bố ý định loại bỏ tất cả hạn chế chống dịch vào cuối tháng Hai, bao gồm cả quy định tự cách ly bắt buộc khi dương tính COVID-19.

Ngược lại với châu Âu, châu Á dường như vẫn cảnh giác cao. Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) đã công bố các hạn chế nghiêm ngặt mới vào ngày 8/2. Theo đó, các cuộc tụ tập công cộng sẽ giới hạn chỉ hai người, đi cùng lệnh cấm họp mặt riêng tư nhiều hơn hai gia đình. Số ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày của Hồng Kông đã tăng gần gấp đôi, lên mức kỷ lục 1.161 ca vào ngày 9/2. Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới tính trên đầu người thấp hơn khoảng năm lần so với nhiều nước châu Âu hoặc Mỹ, và thấp hơn ít nhất ba lần so với ở Úc. Nhưng khi Hàn Quốc và Úc chuyển sang chiến lược “sống chung với COVID-19”, 34 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản đã quay lại tình trạng bán khẩn cấp vào cuối tháng 1. 

Nhìn chung, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn bày tỏ quan ngại rằng các nước không nên mở cửa quá nhanh, đồng thời nhấn mạnh 130 triệu ca bệnh và 500.000 ca tử vong vì COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn cầu kể từ khi Omicron xuất hiện vào tháng 11/2021. 

Theo phunuonline