Một chiếc ôtô chạy qua, cửa sổ xe kéo xuống, người đàn ông nhổ vào hai bé gái đeo khăn trùm đầu: “Khủng bố!”.
Đó là năm 2001, chỉ vài tuần sau khi tòa tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ. Shahana Hanif, 10 tuổi và em gái đang đi bộ đến nhà thờ Hồi giáo ở Brooklyn.
Cảm giác không an tâm và sợ hãi, các cô gái bỏ chạy.
Khi lễ kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 sắp đến gần, Hanif vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó. Cô bối rối bởi tại sao ai đó có thể nhìn và nghĩ một đứa trẻ là mối đe dọa.
Vụ việc đã thúc đẩy Hanif nói lên tiếng nói của bản thân và những người giúp cô có vị trí ngày hôm nay. Hanif trở thành nhà tổ chức cộng đồng nhận ủng hộ giành một ghế trong Hội đồng Thành phố New York trong cuộc bầu cử sắp tới.
Giống như Hanif, những người Mỹ trẻ tuổi theo đạo Hồi đã lớn lên dưới cái bóng của sự kiện 11/9. Nhiều người đã phải đối mặt với sự thù địch và ngờ vực, những câu hỏi về đức tin Hồi giáo và “tính Mỹ” của họ, theo AP.
Họ cũng tìm ra cách để bước về phía trước, chống lại thiên kiến, tạo ra những câu chuyện cá nhân đầy màu sắc về danh tính của bản thân. Trong quá trình đó, họ đã thách thức những định kiến và tạo ra không gian cho riêng mình.
Khủng hoảng định dạng danh tính
Eman Abdelhadi - nhà xã hội học tại Đại học Chicago, người nghiên cứu về cộng đồng Hồi giáo - cho biết: “Trở thành người Hồi giáo như một dấu hiệu nhận dạng, bất kể mối quan hệ của bạn với Hồi giáo chỉ như một đức tin”.
Một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu vấn đề Công cộng tiến hành trước lễ kỷ niệm 11/9 cho thấy 53% người Mỹ có quan điểm tiêu cực với đạo Hồi, so với 42% có quan điểm ủng hộ. Điều này trái ngược với ý kiến của người Mỹ về Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo, khi hầu hết người được hỏi đều bày tỏ quan điểm ủng hộ.
Sự ngờ vực đối với người theo đạo Hồi không bắt đầu từ vụ 11/9, nhưng cuộc tấn công đã làm trầm trọng hơn sự thù hận đó.
Shahana Hanif, nhà tổ chức cộng đồng nhận ủng hộ giành ghế trong Hội đồng Thành phố New York trong cuộc bầu cử sắp tới, đứng trước nhà ở khu phố Kensington, quận Brooklyn, New York. Ảnh: AP.
Youssef Chouhoud - nhà khoa học chính trị tại Đại học Christopher Newport ở Virginia, Mỹ - đã quá quen với việc bị phớt lờ hoặc nhắm làm mục tiêu quấy rối.
“Ý thức về bản ngã trở nên rõ ràng hơn, khi bạn không chỉ là người Hồi giáo mà còn là người Hồi giáo ở Mỹ”, anh Chouhoud nói. “Điều gì phân biệt bạn là một người Mỹ theo đạo Hồi? Bạn có thể là cả hai, hay bạn phải lựa chọn? Tôi đã phải vật lộn rất nhiều để hiểu điều đó nghĩa là gì”.
Trong trường hợp của Hanif, không có bản kế hoạch nào điều hướng sự phức tạp tại thời điểm đó.
“Khi học lớp 5, tôi không còn quá ngây thơ hay quá nhỏ để hiểu người Hồi giáo đang gặp nguy hiểm”, cô viết. “Treo một lá cờ Mỹ ở cửa sổ tầng một ở nhà hay sinh ra ở Brooklyn không khiến tôi trở nên ‘Mỹ’ hơn”.
Hanif trẻ tuổi đã tụ tập bạn bè hàng xóm, và người anh họ đã viết thư cho cựu Tổng thống George W. Bush để yêu cầu được bảo vệ.
“Chúng tôi sẽ trở thành chiến binh của cộng đồng này”, cô nói.
Đau thương thúc đẩy hành động
Nhưng trở thành người đấu tranh thường đi kèm những vết thương dai dẳng.
Ishaq Pathan, 26 tuổi, nhớ lại lần một cậu bé nói trông Pathan có vẻ tức giận, hỏi rằng liệu anh có định cho nổ tung trường học hay không. Pathan cũng nhớ bản thân bất lực ra sao khi bị đưa sang một bên sân bay để thẩm vấn thêm, khi quay trở lại Mỹ sau kỳ học ở Morocco.
Nhân viên xem xét đồ đạc của anh, bao gồm cả máy tính xách tay - nơi anh ghi lại nhật ký cá nhân - và bắt đầu đọc nó.
“Tôi đã nói: ‘Này, anh có nhất thiết phải đọc cái đó không?’”, Pathan nói. “Người nhân viên đó nhìn tôi với ánh mắt: ‘Cậu biết đấy, tôi có thể đọc bất cứ thứ gì trong máy tính của cậu. Tôi có thẩm quyền ở đây’”.
“Và lúc đó, tôi đã rơm rớm nước mắt. Tôi hoàn toàn bất lực”, Pathan nói.
Pathan không thể chấp nhận điều này.
“Khi bạn đi học với những người có xuất thân khác nhau, bạn nhớ tới lời hứa của nước Mỹ”, anh nói. “Và khi thấy nước Mỹ không giữ lời hứa, tôi muốn sửa chữa điều đó”.
Pathan hiện làm giám đốc Khu vực Vịnh San Francisco cho Tổ chức Mạng lưới Hồi giáo - một tổ chức phi lợi nhuận, nơi anh hy vọng sẽ giúp thế hệ trẻ tự tin hơn vào bản sắc Hồi giáo của họ.
“Tôi luôn xem ngày 11/9 là một trong những khoảng khắc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi và cuộc đời những người Mỹ trên toàn thế giới”, Pathan nói. “Hậu quả của vụ tấn công này đã thúc đẩy những hành động của tôi ngày hôm nay”.
Shukri Olow (mũ xanh) chụp ảnh với người ủng hộ cô ứng cử vào Hội đồng Quận King. Ảnh: AP.
Hậu quả đó cũng giúp thúc đẩy Shukri Olow hành động - đó là đi tranh cử.
Sinh ra ở Somalia, Olow cùng gia đình chạy trốn khỏi cuộc nội chiến và sống trong trại tị nạn ở Kenya, trước khi đặt chân tới Mỹ khi cô 10 tuổi.
Gia đình cô ở tại một khu phức hợp ở thành phố Kent, phía nam Seattle, Washington. Ở đó, cư dân từ các quốc gia khác nhau giao tiếp vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Olow cảm thấy mình hạnh phúc khi được sống trong môi trường đó.
Rồi vụ tấn công ngày 11/9 xảy ra. Cô nhớ lại cảm giác bối rối khi bị một giáo viên đặt câu hỏi: “Đám người của em đang làm gì vậy?”.
“’Tôi là ai?’ - một câu hỏi tôi nghĩ nhiều người trẻ tuổi sẽ phải trải qua trong cuộc sống”, cô nói. “Nhưng với những người như chúng tôi, những người sống trong môi trường kỳ thị người da đen và sợ hãi người Hồi giáo, điều đó thật khó khăn”.
Tuy nhiên, kinh nghiệm từ khoảng thời gian đó cũng giúp Olow hình thành danh tính cho riêng mình. Cô đang tìm kiếm một chiếc ghế trong Hội đồng Quận King.
“Có rất nhiều người trẻ tuổi, có nhiều danh tính khác nhau, cảm thấy họ không thuộc về nơi đây, họ không được chào đón ở đây”, Olow nói. “Tôi từng là một trong những người trẻ tuổi đó. Vì vậy, tôi cố gắng làm những gì có thể để nhiều người hiểu rằng đây chính là quốc gia của chúng ta”.
Xóa tan thù hận thông qua đối thoại
Sau sự kiện 11/9, một số người Hồi giáo ở Mỹ đã chọn cách xóa tan những quan niệm sai lầm của xã hội về đức tin của họ bằng cách xây dựng các mối quan hệ. Họ chia sẻ với những người lạ, trả lời hàng loạt câu hỏi - từ cách Hồi giáo nhìn phụ nữ đến chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Mansoor Shams đi khắp nước Mỹ với tấm biển có nội dung: “Tôi là người theo đạo Hồi và là lính thủy đánh bộ Mỹ, hãy hỏi bất cứ điều gì”. Đó là một phần nỗ lực của người đàn ông 39 tuổi để chia sẻ với người khác về đức tin của mình và chống lại sự căm thù thông qua đối thoại.
Một vài người đồng nghiệp đã gọi Shams là “Taliban”, “trùm khủng bố” và “Osama bin Laden” sau vụ 11/9.
Lần chia sẻ đáng nhớ nhất với Shams là tại Đại học Liberty ở Virginia, nơi anh đã trò chuyện với các sinh viên Cơ đốc giáo. Một số người vẫn liên lạc với anh mong giải đáp thắc mắc về đạo Hồi.
“Đó là tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau”, anh nói.
Mansoor Shams (giữa) tham dự buổi cầu nguyện vào ngày 13/8 tại Rosedale, Marryland. Ảnh: AP.
Sinh ra sau cuộc tấn công 11/9, Amirah Ahmed cảm thấy như bị đẩy vào cuộc đấu tranh không phải do bản thân tạo ra. Nữ sinh 17 tuổi mang trên mình một gánh nặng, dù cô cũng là "người Mỹ như bất kỳ ai khác".
Cô nhớ lại cách đây vài năm tại lễ kỷ niệm ngày 11/9 ở trường, các bạn xung quanh nhìn chằm chằm vào chiếc khăn trùm đầu của Ahmed, đến mức cô không muốn tham dự sự kiện này vào năm sau.
Mẹ Ahmed ngay lập tức gạt bỏ ý tưởng này. Thay vào đó, cô đã lấy tính "Mỹ" của bản thân như một tấm lá chắn, đeo khăn trùm đầu có hình lá cờ Mỹ để nói chuyện với các bạn cùng lớp trên bục giảng.
Ahmed đã tôn vinh những người thiệt mạng vào ngày 11/9/2001, và những người Iraq đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh năm 2003. Cô đã bảo vệ danh tính Arab và Hồi giáo của mình theo một cách rất Mỹ, một khoảnh khắc mà Ahmed gọi là "sự mạnh mẽ".
Tuy nhiên, Ahmed cũng hy vọng con cái mình sẽ không cần phải chứng minh nơi bản thân thuộc về. “Con tôi sẽ sống ở đây sau kỷ nguyên 11/9”, cô nói. "Chúng sẽ không cần phải tiếp tục đấu tranh cho danh tính của bản thân".
Theo Zing
d2.jpeg