Các quy định giãn cách tại Singapore dự kiến sẽ tiếp tục được nới lỏng từ ngày 12/7. Đây là một phần trong kế hoạch 3 bước để dần mở cửa Đảo quốc, hướng đến trạng thái bình thường mới vào tháng 9, cũng như mở cửa ngành công nghiệp không khói vào cuối năm nay.
"Từ ngày 12/7, chúng tôi đang nghiên cứu cho phép nhiều người cùng dùng bữa hơn và đồng thời cân nhắc mở lại một số hoạt động khác", Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung chia sẻ trong một bài phỏng vấn độc quyền trên The Straits Times mới đây. Ông Ong cũng cho biết thêm rằng việc nới lỏng các quy định sẽ không phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ tiêm vaccine, mà chủ yếu vào tình hình kiểm soát các ổ dịch.
Cột mốc tiếp theo để cân nhắc nới lỏng thêm các quy định sẽ vào hai tuần cuối của tháng 7 khi hơn một nửa dân số được kỳ vọng hoàn thành việc tiêm chủng, và sau đó là ngày Quốc khánh Singapore (9/8) với mục tiêu 2/3 dân số được tiêm chủng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore, cũng là người đồng chủ trì Lực lượng Đặc nhiệm Liên bộ ứng phó với Covid-19, phát biểu: "Chúng tôi hy vọng có thể hoàn thành cột mốc tiêm chủng cùng thời điểm với ngày Quốc khánh Singapore, đánh dấu bước tiến triển mới trong kế hoạch mở cửa trước khi có thể sống chung với Covid-19 như một căn bệnh theo mùa. Quá trình chuyển đổi này cần phải được diễn ra từng bước một thay vì thực hiện một cách đột ngột".
Ông Ong cũng đồng cảm với mong mỏi của người dân Singapore để được đi du lịch trở lại vào cuối năm nay. Các điểm đến có thể là những quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng cao và tỷ lệ lây nhiễm có xu hướng giảm dần. Danh sách này sẽ bao gồm phần lớn các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ.
"Nếu tại quốc gia đó tình hình dịch bệnh đã giảm đáng kể, tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng cao và tỷ lệ lây nhiễm vào khoảng 3/100.000, chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét quy định đi lại với những quốc gia này", ông Ong nói.
Trước câu hỏi liệu cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 có phải là thời điểm thích hợp để bước vào trạng thái bình thường mới, trong bối cảnh tất cả người dân có nhu cầu và đủ điều kiện đều đã được tiêm chủng, ông Ong cho rằng đó là cột mốc rất khả thi, căn cứ vào nguồn cung cấp vaccine cho Đảo quốc hiện tại. Ông Ong bổ sung: "Chúng ta sẽ không mở cửa rộng rãi vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9, thay vào đó sẽ theo một lộ trình mở cửa thận trọng hơn".
Trước đó, ngày 24/6, Lực lượng Đặc nhiệm Liên bộ ứng phó với Covid-19 đã ra thông báo, Singapore sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới khi Covid-19 được kiểm soát như một căn bệnh theo mùa.
Ông Ong cũng khẳng định thông báo này không đi ngược lại với bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long vào tháng 5 về vấn đề tăng cường tiến độ tiêm chủng vaccine, truy vết và xét nghiệm.
Thông điệp chính trong bài phát biểu của Thủ tướng Singapore là tầm quan trọng của vaccine trong việc đưa Singapore bước sang giai đoạn bình thường mới.
"Chúng ta đang bước sang một giai đoạn mới khi đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho toàn dân… Để đạt đến tỷ lệ an toàn, giai đoạn này sẽ mất khoảng 1 đến 2 tháng nữa. Và trong suốt giai đoạn này, việc xét nghiệm vẫn cực kỳ quan trọng", ông Ong giải thích, đồng thời lưu ý rằng tính đến thời điểm này 37% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ và khoảng 57% đến 58% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng khác cần phải xem xét khi chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19 như một căn bệnh theo mùa, mặc dù đây là quyết định dựa trên các căn cứ khoa học. Sau một thời gian dài sống trong các quy định giãn cách nghiêm ngặt và ròng rã chiến đấu với dịch bệnh, người dân đang dần cảm thấy mệt mỏi.
"Chúng ta không thể kỳ vọng người dân tiếp tục cuộc sống bị hạn chế - không thể gặp gỡ bạn bè, không thể tự do đi lại", ông Ong giải thích và cũng ghi nhận về nhiều trường hợp, người dân đã phải xa gia đình, và một số lao động thì không được phép nhập cảnh trở lại.
Các yếu tố quan trọng khác cần cân nhắc như tình hình diễn biến của dịch bệnh, tình hình phát triển vaccine và các phương pháp điều trị mà Singapore hiện đang triển khai, đều nhằm đảm bảo người dân có thể sống chung với Covid-19 như một căn bệnh theo mùa.
Trong khi các nhà khoa học dự đoán rằng việc miễn dịch cộng đồng chỉ hình thành để chống lại biến thể Delta khi tỷ lệ tiêm chủng toàn dân đạt ít nhất 80%, ông Ong cho rằng, người dân vẫn có thể sống chung với Covid-19 như một căn bệnh theo mùa dù chưa đạt được con số này.
"Người dân vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh, nhưng họ sẽ vượt qua được. Đơn cử, mọi người nên xem Covid-19 như một loại bệnh cúm thay vì bệnh sởi và chúng ta sẽ không cần phải loại trừ tận gốc".
Tuy nhiên, ông Ong cũng chia sẻ việc nới lỏng quy định đeo khẩu trang sẽ là yếu tố được xem xét cuối cùng. Ông dẫn chứng chính phủ Israel gần đây đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại kể cả khi ở trong nhà. Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi quy định đeo khẩu trang được gỡ bỏ, dẫn đến các ca nhiễm gia tăng trở lại.
Ông Ong phát biểu: "Với tôi, đeo khẩu trang là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ bản thân mà không cần sử dụng thuốc hay các thiết bị y tế chuyên dụng, và đây sẽ là một trong những biện pháp cuối cùng mà chúng tôi sẽ cân nhắc bãi bỏ".
Ông cũng cho biết thêm, nếu có, việc bãi bỏ cũng chỉ áp dụng tại những khu vực ngoài trời có độ an toàn cao như công viên. "Đây sẽ là một trong các giải pháp hợp lý nhất mà người dân cần thực hiện khi xét về các rủi ro và hiệu quả mà nó mang lại", người đứng đầu ngành Y tế Singapore nhận định.
N.A