Những người đã khỏi bệnh SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) và đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin Pfizer-BioNTech, sẽ có khả năng sinh ra nhiều kháng thể, có thể vô hiệu hóa tất cả các biến thể COVID-19 đáng quan ngại đã được biết hiện nay, cũng như các loại coronavirus khác đang có ở một số loại động vật và có thể lây cho người. Đó là phát hiện của các nhà khoa học từ Trường Y khoa Duke-NUS ở Singapore và Trung tâm Quốc gia về bệnh Truyền nhiễm (NCID) của chính phủ nước này.

Va
Các nhà khoa học hy vọng sớm chế tạo ra vắc xin thế hệ thứ ba để giúp kiểm soát đại dịch COVID-19

Giáo sư Wang Linfa từ Duke-NUS - 1 thành viên trong nhóm nghiên cứu - cho biết những phát hiện này tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển các loại vắc xin thế hệ tiếp theo (thế hệ thứ ba), không chỉ giúp thế giới kiểm soát đại dịch COVID-19 hiện nay tốt hơn, “mà còn có thể ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai do các virus tương tự gây ra”.

Trước khi được tiêm vắc xin COVID-19, những người đã hồi phục sau khi mắc bệnh SARS chỉ có kháng thể chống lại virus gây ra bệnh SARS, tức virus SARS-CoV-1. Đây là loại virus có chung đến 80% bảng giải trình tự bộ gen tổng thể của virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19.

Giáo sư Wang cho biết, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra “ánh sáng” cho việc chế tạo ra loại “vắc xin trong mơ” nói trên khi nhận thấy những người đã khỏi bệnh SARS và được tiêm vắc xin Pfizer có nhiều kháng thể trung hòa chéo, có khả năng chống lại 10 loại sarbecovirus khác nhau. Đây là các loại virus đường hô hấp và có thể được phát hiện bằng kỹ thuật PCR trên gạc miệng hoặc mũi, dịch rửa phế quản, mô phổi hoặc mô đường hô hấp, trong đó có virus gây ra bệnh SARS và COVID-19.

Giáo sư Wang cho biết, để so sánh, những người chưa bao giờ bị nhiễm SARS hoặc COVID-19 và đã được tiêm vắc xin chống lại COVID-19 sẽ có thể sinh ra kháng thể chống lại virus gây ra SARS, nhưng ở mức độ “không đủ tốt”. Đối với những người hồi phục sau khi khi mắc COVID-19 rồi mới tiêm ngừa virus này thì sẽ có lượng kháng thể sau khi tiêm cao hơn những người chưa từng mắc 1 trong 2 bệnh trên, nhưng lượng kháng thể chống lại SARS của họ vẫn không cao lắm.

Nghiên cứu nói trên, được công bố trên New England Journal of Medicine - một tạp chí y khoa có uy tín -  vào ngày 18/8, đã được thực hiện trong năm nay trên 28 người, trong đó có 8 người đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS, 10 người khỏe mạnh chưa từng bị nhiễm SARS hoặc COVID-19 và 10 người đã khỏi bệnh sau khi bị nhiễm COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh phản ứng miễn dịch của tất cả 28 người nói trên trước và sau khi họ được tiêm 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech - một loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ Messenger RNA (mRNA) để cung cấp cho tế bào người các hướng dẫn di truyền, từ đó tạo ra cho COVID-19 một protein bề mặt vô hại. Protein này sau đó sẽ “huấn luyện” hệ thống miễn dịch nhận ra và hình thành các phản ứng chống lại virus thật.

Giáo sư Wang và nhóm các nhà nghiên cứu từ các trường y và bệnh viện ở Singapore đã đặt tên cho loại vắc xin thế hệ thứ ba đang được họ có nhiều kỳ vọng là 3GCoVax.

Các loại vắc xin thế hệ đầu tiên có khả năng tạo ra các mức độ bảo vệ khác nhau đối với COVID-19. Nhưng nhìn chung, hiệu quả của của các loại vắc xin này giảm đi nhiều trước sự xuất hiện của các biến thể mới, nhất là biến thể Delta.

Thế giới cũng đang phát triển một số loại vắc xin thế hệ thứ hai, có tác dụng chống lại chủng ban đầu, các biến thể hiện tại và các loại coronavirus lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lo ngại rằng các loại vắc xin này cũng có thể bị các biến thể mới, nguy hiểm hơn vô hiệu hóa.

“Tôi nghĩ đây là phát hiện đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch của Tổ chức Y tế thế giới, vào thời điểm này năm sau, phần lớn người dân trên toàn cầu sẽ được tiêm vắc xin 3GCoVax. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ có thể sẵn sàng chiến đấu và ngăn chặn đại dịch trong tương lai”, giá sư Wang nhận định.

Theo phunuonline.com.vn