Ba thiết kế que tăm bông lấy dịch mũi họng của ĐH Quốc gia Singapore - Ảnh: NUS
Trước đó, Singapore phụ thuộc nguồn hàng từ Mỹ, Ý và một số quốc gia khác ở châu Âu. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 ở Singapore diễn tiến phức tạp với nhiều ca nhiễm mới, nhu cầu xét nghiệm ở nước này cũng tăng vọt.
Hai nhóm nghiên cứu của NUS kết hợp với tổ chức phi lợi nhuận Temasek Foundation phát triển 3 thiết kế que tăm bông lấy dịch mũi họng khác nhau, có thể sản xuất bằng công nghệ 3D và công nghệ ép phun (injection moulding), theo báo Straits Times.
Ông Freddy Boey, phó chủ tịch sáng kiến và doanh nghiệp của NUS, ngày 13-7 cho biết ông tin rằng Singapore là quốc gia đầu tiên tại châu Á sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất que tăm bông và là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ ép phun trong quy trình sản xuất que xét nghiệm này.
Que tăm bông lấy dịch mũi họng là những que nhỏ, linh hoạt được đưa qua mũi vào khoang mũi để lấy mẫu dịch. Que có thiết kế đặc biệt để thu giữ dịch tiết dùng làm xét nghiệm.
Một trong 3 thiết kế que tăm bông trên có tên là Python, có cấu trúc xoắn kép ở đầu que, giúp dễ dàng lấy dịch tiết nhưng lại ít khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu.
NUS cho biết các thử nghiệm bằng que Python trên các bệnh nhân mắc COVID-19 cho kết quả không có sự khác biệt đáng kể so với tăm bông tiêu chuẩn đang được Singapore dùng trong xét nghiệm virus corona hiện nay.
Giáo sư Boey cho biết 2 thiết kế còn lại gọi là IM2 và IM3, sản xuất bằng công nghệ ép phun. Dù vậy, tiến trình sản xuất bằng công nghệ in 3D sẽ nhanh hơn công nghệ ép phun, cho phép sản xuất hàng trăm que xét nghiệm trong vòng vài phút. Trong khi dùng công nghệ ép phun sẽ cho giá thành rẻ hơn.
Ông Boey cho biết nhóm của ông đang hợp tác với 4 công ty lớn để sản xuất hàng loạt và khử trùng các que tăm bông này. Dự kiến, trong vài tháng tới Singapore sẽ sản xuất ra khoảng 40 triệu que tăm bông phục vụ cho công tác xét nghiệm COVID-19.
Theo tuoitre